Nhà thơ Thanh Hiên
Tin tức - Ngày đăng : 14:50, 29/03/2018
Sinh ngày: 08/11/1953 Quê quán: Việt Yên - Bắc Giang Thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật Điện; Tốt nghiệp ĐH tại Ba Lan năm 1976 Đã giảng dạy tại các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Hàng hải Hải Phòng và ĐH Giao thông TP. Hồ Chí Minh.
Anh về
(Tặng nhà thơ Y Phương)
Anh về lại phố Vườn Cam
Để rơi chút nắng thu vàng Âu Châu
Sông Bằng ơi, ngày xưa đâu
Tuổi thơ ta đã qua cầu gió bay…
Anh về, Ban – tích, chiều nay
“Mùa hoa”* để lại chút say trong lòng.
--------------------------------------------------
" Mùa hoa" - tên bài thơ của nhà thơ Y Phương
Tháng Năm và tháng Chín
(Tặng các sinh viên khoa 8231 ĐH Hàng hải Hải Phòng)
Tháng Năm ơi tha thiết
Phượng đỏ cháy đường đi
Ve náo nức gọi hè
Cho lòng ta xao xuyến.
Nhưng tháng Năm lưu luyến
Vì sắp phải xa rồi
Lớp học thân yêu ơi
Trong lòng ta nỗi nhớ
Những buổi chiều lộng gió
Nắng về nơi góc phòng
Bao đôi mắt thông minh
Chân trời nào mơ ước?
Ơi phấn trắng tinh khiết
Và bảng đen đơn sơ
Những dòng chữ ước mơ
Trong lòng ta năm tháng.
Mặt trời bừng ánh nắng
Sau cơn mưa mùa hè
Phượng đỏ cháy đường đi
Nhưng lòng ta trống trải.
Có thể nào xa mãi?
Tháng Năm ơi tháng Năm
Kỷ niệm thành yêu thân
Nơi hồn ta da diết.
Không thể nào xa mãi
Chỉ tạm biệt tháng Năm
Và đợi chờ tháng Chín
Mùa thu vàng xao xuyến
Tiếng trống trường ngân vang.
Ve để lại âm thanh
Nơi tâm hồn sâu thẳm
Và phượng vĩ đỏ thắm
Cháy bùng nơi trái tim.
Ơi lớp học yêu thương
Gió về mang ánh nắng
Bao khuôn mặt bừng sáng
Chân trời nào rất xa.
Lòng ta cứ thiết tha
Những gì đơn sơ vậy.
Bông hoa mua ngày xưa
Ngày xưa, ngày xưa ấy
Em đã ngồi cạnh anh
Bên chiếc bàn gỗ nhỏ
Hai đứa thường học chung.
Đôi mắt em sáng trong
Nụ cười hồn nhiên quá
Tóc ngang vai để xõa
Anh thường đùa: bé con.
Thế giới nhỏ của em
Là hoa mua trinh trắng
Em ép vào trang sách
Em ép vào trang thơ.
Còn thế giới của anh
Thế giới của người lớn
Anh đùa: em sao biết
Em chỉ là bé con.
Có một buổi chiều mưa
Anh vô tình cầm vở
Chép tặng em bài thơ
Em lấy bông hoa mua
Ép vào trang thơ ấy.
Rồi thời gian trôi qua
Hai đứa mình hai ngả
Em đi vào quá khứ
Em đi vào lãng quên.
Bất ngờ gặp lại em
Anh lặng người bỡ ngỡ
Còn đâu cô gái nhỏ
Anh thường đùa bé con.
Em đọc lại cho anh
Bài thơ ngày xưa ấy
Thế mà anh chẳng nhớ
Thế mà anh đã quên
Một trò đùa trẻ con
Thế mà em đã nhớ
Thế mà em không quên!
Em kể lại cho anh
Giấc mơ ngày xưa ấy
Đôi mắt vẫn trong sáng
Em vẫn còn chép thơ
Bông hoa mua ngày xưa
Ép vào trang thơ mới.
Còn anh, anh biết nói
Cùng em điều gì đây
Đi suốt cuộc đời dài
Không tìm ra hạnh phúc
Trái tim anh cô độc
Tâm hồn anh bơ vơ.
Đến bây giờ anh biết
Tất cả đã muộn rồi
Đến bây giờ anh biết
Em đã xa, xa vời…
Ngày xưa, ngày xưa ấy
Em đã ngồi cạnh anh
Nhưng mà em không nói
Còn anh, anh không biết
Để ngàn đời nuối tiếc
Một ngày xưa, ngày xưa…
Vui buồn thơ tôi
Bạn thơ ơi,
Bạn bảo ta chỉ làm những vần thơ vui
Có phải đôi khi ta đã khoác lên nỗi buồn mặt nạ
Đùa với thế gian?
Dòng sông quê hương
Thao thức đêm nay đọc Hoàng Cầm
Con bỗng nhớ về day dứt một dòng sông
Kinh Bắc
Sông Cầu
U buồn, lặng lẽ
Dạt trôi về quá khứ
Quê hương…
Mẹ sinh con ra ở chiến khu
Rồi lớn lên qua bao miền đất lạ
Cũng như mẹ
Cuộc đời con nay đây mai đó
Đã mấy lần được về quê?
Nên dòng sông chỉ còn trong ký ức tuổi thơ
Ánh trăng vàng dát bạc
Xa mờ bãi cỏ bờ đê
Phố cổ Thị Cầu năm xưa
Chìm trong xa vắng
Dòng sông…
Con lớn lên
Vất vả mẹ đã mang đi
Để lại cho con những điều may mắn
Nhưng con không muốn sống cuộc đời phẳng lặng
Êm đềm như dòng sông quê hương
Và âm thầm như mẹ - những tháng năm
Rồi bến bờ trôi dạt… con tha hương
Để đến hôm nay thấy lòng mình day dứt.
Trong giấc mơ con trở về Kinh Bắc
Hôn lên dòng sông quê.
Mẹ và quê
Ngày xưa mẹ vẫn ước mơ
Đưa con gái lớn về quê một lần
Ước mơ ngày ấy chưa thành
Mẹ không còn, con một mình về quê.
Bần thần lần bước con đi
Con đường cũ, mái tóc thề còn đâu
Mẹ là con gái nhà giầu
Lấy chồng ai có ngờ đâu một đời
Một đời bèo dạt mây trôi
Một đời vất vả, một đời nhớ thương
Sông Cầu xa xót dặm trường
Câu ca quan họ còn vương xứ người
Bờ đê xưa, ánh trăng soi
Hai hàng cỏ vẫn những đôi nhân tình.
Mẹ đi, lặng một bóng hình
Sông Cầu vẫn chảy, dập dềnh sóng xô
Tha hương biết mấy bơ vơ
Nhớ quê thương mẹ bao giờ cho nguôi.