Người 2 ngày 4 lần chết và những tiết lộ ly kỳ
Tin tức - Ngày đăng : 12:18, 30/03/2018
Đẻ ra chết ngay rồi sống lại
Thôn Lê Lợi nằm sát biển. Cách đây gần 50 năm, khi anh Cầm sinh ra, thôn này chìm trong nghèo đói, lạc hậu.
Bà Phạm Thị Cương - năm nay 84 tuổi, rất minh mẫn, lạc quan, bà có 5 con thì anh Cầm tàn tật, chị gái trên anh Cầm không được khôn ngoan - kể lại những ngày ấy bằng chất giọng Hà Tĩnh xưa cũ: “Thằng Cầm sinh ngày 10-9-1969, cái ngày mà tui nỏ bao giờ quên. Ngày - tháng - năm sinh của hắn gắn với nhiều điều trùng hợp kỳ lạ.
Bà Cương tiết lộ sinh ra vài ngày, nó trúng gió, chết. Tui tưởng mất nó rồi thì mấy tiếng sau, nó sống lại. Bú được mấy miếng, lại lăn ra chết. Tui hốt hoảng, sờ người nó chắc chết hẳn rồi, tim không đập nữa. Tui ôm nó khóc, người nó vẫn nóng, lúc sau lại sống… Ngày đó ít thuốc men lắm, nên có người cho viên thuốc, mừng quá cho uống ngay. Uống xong, nó hộc máu, lại chết. Trong gần 2 ngày, nó chết đi sống lại 4 lần…”.
Bà Cương âu yếm nhìn con
Bà vui vì anh Cầm được như bây giờ. “Có lẽ thằng ni nó gánh họa cho cả nhà. Chị nó đây này, chẳng khôn ngoan gì. Thời đó, con cái tật nguyền nên ông chồng chán, bỏ nhà đi lấy vợ khác, nghe nói cũng có một đứa con gái, ở đâu đó, tui chưa biết. Ông ấy vừa mất năm ngoái…”.
Bà cho rằng, cuộc sống không ai lấy của ai hết, may là anh Cầm làm hết mọi thứ, chẳng phiền ai, thậm chí “nó khôn lắm, không ai lấy được tiền của nó đâu”, bà vừa nói vừa cười to.
Thằng con “kỳ lạ”, ông thầy “kỳ quái”
Bà Cương nói, có những điều từ đứa con này bà không hiểu nổi, mặc dù mình dứt ruột đẻ ra. “Cứ như hắn người trời rứa”, bà cười nhân hậu.
Bà kể, Cầm cứ nằm một chỗ cho đến năm 12 tuổi thì có người mách cho là nên đi gặp thầy lang. Nghe đâu người thầy này giỏi chữa các loại bệnh liệt kiểu này. “Tui bận việc đồng áng, lại quê mùa, không biết đâu mà tìm thầy. Mẹ tui (bà ngoại Cầm), bảo để mẹ đưa đi xem sao. Mẹ tui bế hắn đi gặp thầy lang. Vừa gặp, ông thầy nói, đây là bà ngoại, không phải mẹ. Về bảo mẹ nó đến đây…”.
Bà Cương bế con ra, thầy lang không khám cho Cầm mà khám cho bà. Ông thầy bắt mạch cho bà rồi bốc thuốc. “Thuốc lá gì đó, tui không nhớ. Ông ấy bảo uống 9 tháng, mỗi tháng 3 thang, xong thì ra gặp lại. Uống từ tháng giêng đến tháng 9. Uống mấy thang đầu, người nó giật kinh khủng lắm. Mấy tháng sau, nó ngủ li bì, có lúc ngủ cả 2 ngày...”.
Bà Cương dừng lại, nhớ cảm xúc mình lúc đó: “Trời đất ơi, sao tui lựa chọn được. Tui muốn hắn khỏe cả chân, cả tay chứ. Ông thầy nói tầm bậy, tầm bạ, thầy lang, chứ phải thầy bói đâu". Bà nghĩ chọn chân để cho Cầm đi, chứ chọn tay, liệt chân, nằm một chỗ, khổ lắm. "Rứa là tui nói, “thôi, chọn chân…”.
Ông thầy dặn, đúng ngày 10 của tháng 9 nó sẽ dậy, sẽ nói được, và chỉ cho nó đi 9 bước. “Đúng, đến ngày 10 mùng 9, tui đang loay hoay dưới bếp, nghe tiếng con “mẹ ơi, mẹ ơi…”. Tui chạy lên, thấy nó ngồi dậy, miệng ú ớ. Nhớ lời thầy dạy, tui cho nó đi 9 bước. Không thể nào tưởng tượng nổi, nó đi được và nói được ú ớ, từ đó nó rời khỏi giường và đi lại trong vườn, bắt đầu tập làm các việc thông thường”.
Có một sự trùng hợp kỳ lạ, đó là anh Cầm sinh ngày 10.9, thì trong lần uống thuốc thứ 10, anh Cầm đi được 9 bước, và đúng ngày 10.9. Bà Cầm nói: “Tui chịu, không hiểu. Thời đó nghèo khó, đi lại khó khăn, không biết thầy lang ấy tài thế nào…". Rồi bà tiếp: "Tui thì nỏ mê tín, ông thầy nói bừa, mà trúng, có khi thằng ni tự khỏe, đến lúc nó khỏe thôi, ông thầy vẽ thêm râu ria câu chuyện cho hấp dẫn thôi", bà cười sằng sặc một lúc.
Làm người có ích
Chỉ có đôi chân là khỏe mạnh, còn lại miệng nói khó khăn, phát âm sùi cả nước giãi, tay co cắp, nhưng anh Cầm đang sống đầy nỗ lực.
Từ 12 tuổi, sau khi đi lại bình thường, anh đã chăn trâu. Người ta kể, anh buộc dây thừng vào cổ chân, có lúc trâu theo đàn, kéo anh đi khắp cánh đồng này, sang cánh đồng khác, tả tơi, người bình thường, e là chết chắc.
Đi chặt củi, đan lát, múc nước, giặt giũ quần áo, nấu cơm bằng đôi chân hết. Thậm chí, đan lát rổ, rá, lồng chim. Mỗi lần, anh chặt tre, vót tre bằng chân thì đó là nỗ lực bằng máu. Có những lúc, để hoàn thiện các sản phẩm rổ rá, lồng chim, máu chảy lênh láng. Thương con, mẹ anh và người thân can ngăn, mong được phụ giúp anh những việc hằng ngày, nhưng anh không đồng ý, tự làm hết.
Những nỗ lực trả giá bằng máu khiến đôi chân anh thuần thục đến kinh ngạc. Múc nước, rửa bát, nấu ăn, giặt giũ, vót tre, đan lồng chim… tất cả khiến người khỏe mạnh phải thán phục.
Hai mẹ con hiện được trợ cấp, anh Cầm 504 ngàn đồng/tháng, bà Cương 504 đồng/tháng công nuôi anh Cầm.
Biết ơn
Đến thăm nhà anh Cầm hôm đó có một người cùng xã. Bà đến tặng quà, tặng tiền anh Cầm. Thấy bà từ xa, anh Cầm đã mừng rỡ, biểu cảm xúc động. Bà Hồng, giáo viên về hưu ở thôn Quang Trung, Xã Kỳ Xuân, kể: “Con người này quý lắm. Gặp Cầm tôi vẫn biếu anh ấy tiền và hỏi han sức khỏe. Tàn tật, nhưng rất tử tế. Tôi rất xúc động về một chuyện cách đây gần 15 năm. Thời đó, chồng tôi có gặp Cầm và cảm phục con người tàn tật vượt lên số phận nên muốn đưa lên báo vừa giúp Cầm xây lại căn nhà, có chút vốn làm ăn, vừa để cho xã hội thấy, một con người như thế mà sống có ích, sống đẹp cho đời…
Chồng tôi là bộ đội phục viên có biết chút viết lách, đã viết bài và nhờ nhà báo biên tập, đăng. Bài báo đăng lên, nhiều người cảm phục, gửi tiền giúp đỡ. Có chút tiền, Cầm sửa lại nhà, và chắt chiu khoản dư dả để lo cho cuộc sống. Chuyện cứ thế trôi đi, đến năm 2004, chồng tôi đột ngột qua đời. Hôm đấy mưa to lắm, đường quê bùn lầy. Trong lúc mọi người đang viếng chồng tôi, tôi thấy đám đông đứng giãn ra và dưới chân một người tàn tật ướt sũng, run rẩy, toàn thân lấm bùn. Tôi nhận ra đó là Cầm. Cầm quỳ xuống, chẳng nói gì, nước mắt ứa ra. Cầm không thắp hương bằng chân, để bày tỏ tôn kính. Người khác đã giúp Cầm thắp hương cho chồng tôi. Cúi đầu lạy xong, Cầm lại lết về trong mưa gió, không ai giữ được”, kể đến đây bà Hồng khóc nhìn anh Cầm.
Trong thoáng chốc, tôi thấy anh Cầm không đong đưa cái miệng, cái đầu như thường lệ, anh im lặng, ngồi như tượng.
Bà Hồng nói: “Chẳng ai hiểu con người này nghĩ gì, vì Cầm không nói rõ. Cầm đã bày tỏ lòng biết ơn chồng tôi, từ một việc rất nhỏ. Một cách hàm ơn, khiến tôi chẳng bao giờ quên nổi. Quý lắm…”.
Có một mối giao hòa đặc biệt
Tôi ngồi nhìn anh Cầm làm mọi việc trong nhà và nghĩ, khó khăn với mình, quá nhỏ bé trước khó khăn và sự nỗ lực của anh Cầm. Đến ăn cơm cũng dùng chân, hạt vào miệng, nhiều hạt vương vãi khắp người, khó khăn đến thế mà anh ấy cũng làm nó mỗi ngày. Đúng là “chúng ta thường than vãn đôi giày mình chưa đẹp, trong khi nhiều người chẳng có chân”…