Đâm chết người vì bị đuổi đánh đến đường cùng, phạm tội gì?
Tin tức - Ngày đăng : 10:58, 02/04/2018
(Ảnh minh họa)
Nội dung vụ việc
Nhóm của Q. liền xông vào đánh H. Trong lúc chống trả lại nhóm của Q., H. móc trong túi quần ra một con dao đâm trúng vào người khiến Q. gục tại chỗ. Sau khi người dân can ngăn, Q. được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Bản thân H. chỉ bị thương tích nhẹ. Kết luận giám định pháp y xác định Q. tử vong do thủng tim, tỷ lệ thương tật của H. là 2%.
Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là với hành vi của mình, Đoàn Mạnh H. đã phạm tội gì?
Ý kiến bạn đọc
Phạm tội giết người
Trong vụ việc này, Đoàn Mạnh H. đã phạm tội giết người quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi bị Q. và nhóm của Q. dùng gậy tấn công, Đoàn Mạnh H. đã có hành vi dùng dao đâm vào vùng nguy hiểm là tim của Nguyễn Thành Q. Hậu quả dẫn đến việc Q. bị tử vong. Tôi cho rằng đây là hành vi cố ý tước bỏ quyền sống của người khác, một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Trong trường hợp này, mặc dù H. bị nhóm của Q. tấn công trước nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tôi giết người theo quy định tại khoản 2, Điều 123, Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Thành Trung (Ba Đình - Hà Nội)
Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Tại khoản 1, Điều 22, Bộ luật Hình sự quy định về hành vi phòng vệ chính đáng là: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Trong vụ việc này, Đoàn Mạnh H. bị nhóm của Nguyễn Thành Q. cầm gậy truy đuổi đến cầu phà. Bản thân H. không biết bơi nên không còn đường khác để thoát. Khi H. bị nhóm Q. tấn công trước thì quyền phòng vệ của H. đã phát sinh. Tuy nhiên trong trường hợp này, hậu quả do hành vi của H. gây ra lớn hơn nhiều so với hành vi nhóm của Q. gây ra đối với H. (Q. bị H. đâm chết trong khi H. bị nhóm của Q. gây thương tích với tỉ lệ thương tật là 2%). Như vậy, H. phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 126, Bộ luật Hình sự.
Trần Thị Hường (Thủy Nguyên - Hải Phòng)
Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Vụ việc này xuất phát từ mâu thuẫn trong tiệc đám cưới, Nguyễn Thành Q. cùng bạn bè đã có hành vi cầm theo gậy, đuổi theo để đánh Đoàn Mạnh H. Hành vi của Nguyễn Thành Q. và bạn bè mình đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, do không làm chủ được bản thân, tinh thần bị kích động mạnh nên Đoàn Mạnh H. đã dùng dao đâm vào ngực trái Q. gây tử vong. Việc H. dùng dao để đâm Q. xuất phát từ lý do Q. và bạn bè đã cậy đông để bắt nạt H. Vì vậy, hành vi của H. phạm vào tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, theo quy định tại Điều 125, Bộ luật Hình sự.
Đoàn Quốc Huấn (Mộc Châu - Sơn La)
Bình luận của luật sư
Theo tình huống của vụ việc này, có thể thấy sau khi xảy ra mâu thuẫn tại đám cưới, Đoàn Mạnh H. ra về đến phà thì Nguyễn Thành Q. cùng các bạn của mình trên tay đều cầm đoạn cây gỗ dài khoảng 1m, đường kính 5cm, đuổi đến để tìm đánh H. Thấy nhóm của Q. đến, H. liền chạy bộ xuống cầu phà thì không còn đường chạy tiếp. Trước mặt H là sông, bản thân H lại không biết bơi nên H đành đứng lại.
Nhóm của Q. liền xông vào đánh H. Có thể thấy, thương tích mà nhóm của Q. gây ra cho H chỉ có 2%, mà H. lại dùng dao đâm chết Q. chứng tỏ tính chất và sức tấn công của nhóm Q. đối với H. là chưa phải muốn dồn H. vào tình thế sống còn. Tuy nhiên, trong tình huống trên, nhóm của Q. gồm có 3 người đều tấn công H., lúc này H. chỉ có một mình, thế lực yếu hơn nên trong lúc bị đánh như thế, buộc H. phải có hành vi chống trả lại các đối tượng có hành vi xâm hại đến mình.
Trong vụ việc này, nếu xét về ý thức chủ quan thì H. nhận thức được rằng việc mình đâm Q. thì sẽ dẫn đến việc Q. tử vong nhưng H. không mong muốn Q. chết, việc Q. chết là ngoài ý muốn của H. Do Q. có hành vi tấn công trước nên hành vi của H. chỉ là phòng vệ nhưng rõ ràng vượt quá hành vi xâm hại đến mình. Như vậy, theo chúng tôi, Đoàn Mạnh H. không phạm tội giết người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ, giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.
Như vậy, ý thức chủ quan của người phạm tội là cố ý, mà chủ yếu là cố ý trực tiếp. Tức là, người phạm tội giết người đều có chung một mục đích là tước đoạt tính mạng người khác, nhưng động cơ thì khác nhau. Người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình là tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết. Người bị hại không có hành vi trái pháp luật đang xâm phạm trực tiếp đến lợi ích của người phạm tội.
Trong trường hợp này, nhóm của Q. hoàn toàn có hành vi trái pháp luật đang xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của H. và H. đã có hành vi chống trả lại, hậu quả làm Q. tử vong. Chúng tôi cho rằng, Đoàn Mạnh H. cũng không phạm tội giết người do tinh thần bị kích động theo quy định tại Điều 125, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ người bị kích động mạnh về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường.
Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy được hết tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Theo quan điểm của chúng tôi thì trong trường hợp này, Đoàn Mạnh H. tuy có bị kích động nhưng chưa rơi vào trạng thái mất tự chủ. Điều này thể hiện ở việc khi bị nhóm của Q. tấn công, H. đã rút dao từ trong túi quần ra để chống trả.
Hơn nữa theo Điều 125, Bộ luật Hình sự quy định, người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó… Trong vụ việc này, nhóm của Q. dùng gậy đánh H. gây thương tích 2%, tuy là là trái pháp luật nhưng theo chúng tôi là chưa đến mức nghiêm trọng.
Căn cứ theo nội dung vụ việc, chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng Đoàn Mạnh H. phạm tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây: Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi tội phạm hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội; hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ; phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại; hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe doạ gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Nếu sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và đã gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không cần thiết và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Mặt khác, nạn nhân (người bị chết hoặc bị thương tích) phải là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của các nhân người phòng vệ hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm phải là hành vi trái pháp luật.
Trong tình huống này, nhóm của Nguyễn Thành Q. gồm 3 người, mỗi người đều cầm hung khí trên tay kéo đến đánh Đoàn Mạnh H., trong khi đó H. chỉ có một mình. Anh H. bị nhóm của Q. cầm gậy truy đuổi đến cầu phà, sau đó nhóm của Q. xông vào đánh H. Như vậy, rõ ràng nhóm của Q. đã có hành vi trái pháp luật đối với H. Đồng thời, hành vi trái pháp luật trên của Q. và nhóm bạn đang diễn ra, chưa kết thúc.
Đang đe dọa ngay tức khắc đến lợi ích của anh H. Bản thân H. không biết bơi nên không còn đường khác để thoát khi bị nhóm Q. tấn công, bắt buộc H. phải dùng dao chống trả lại nhóm của Q. Xét về tượng quan lực lượng giữa hai bên thì H. đã phát sinh quyền phòng vệ chính đáng được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên trong trường hợp này, xét về công cụ phạm tội, cường độ tấn công và hậu quả do hành vi của H. gây ra thì lớn hơn nhiều so với hành vi nhóm của Q. gây ra đối với H.
Hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại (hậu quả làm Q. tử vong). Việc H. rút dao trong người ra đâm Q. dẫn đến Q. tử vong trong khi thương tích nhóm của Q. gây ra cho H. chỉ 2% là quá cao, không tương xứng với hành vi xâm hại của Q. Đoàn Mạnh H có quyền phòng vệ nhưng trong tình huống này hành vi của H. đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Như vậy, Đoàn Mạnh H. phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 126, Bộ luật Hình sự năm 2015.