Hà Nội: Thêm 13 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính trong năm 2018

Tin tức - Ngày đăng : 16:33, 03/04/2018

Chiều 3-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì Hội nghị công tác phối hợp giữa Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai.

Cơ bản không còn tình trạng quá tải và nằm ghép giường bệnh

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2018, hầu hết các dịch bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017, như ghi nhận 69 trường hợp sốt xuất huyết (giảm 84%), 8 trường hợp ho gà (giảm 36 trường hợp), 2 trường hợp mắc liên cầu lợn (giảm 1 trường hợp)… Tuy nhiên, một số dịch bệnh có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017 là tay chân miệng (ghi nhận 70 trường hợp), sởi (41 trường hợp) với số mắc tản phát, chưa có ổ dịch.
Hà Nội: Thêm 13 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính trong năm 2018
Hội nghị công tác phối hợp giữa Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội.

Về công tác khám, chữa bệnh, số lượt khám bệnh hằng năm trên địa bàn thành phố là 5,8 triệu đến 6,4 triệu lượt. Số giường bệnh theo kế hoạch năm 2018 là hơn 11 nghìn giường (tăng hơn so với năm 2017 là 270 giường). Công suất sử dụng giường bệnh tính theo giường kế hoạch 3 tháng đầu năm 2018 là 105%, giường thực kê là 84,5%, cơ bản không còn tình trạng quá tải và nằm ghép.

Năm 2017, Hà Nội có 5 bệnh viện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, gồm: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Hoè Nhai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Năm 2018, Sở Y tế giao cho 13 bệnh viện xây dựng phương án tự chủ chi thường xuyên, 16 bệnh viện còn lại sẽ thực hiện tự chủ trong năm 2019. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2018, ngành Y tế Thủ đô sẽ tập trung chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tự chủ, trong đó tăng cường công tác quản lý tài chính (gồm: quản lý thu, chi; phát triển nguồn thu bằng nâng cao chất lượng dịch vụ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…); xem xét sắp xếp bộ máy, sắp xếp nhân lực hợp lý, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ lãnh đạo và đội ngũ kế toán...

Đề xuất thu hồi vĩnh viễn giấy phép hành nghề nếu tái phạm

Trong năm 2017, Sở Y tế đã tiến hành khảo sát 67 bệnh viện trong và ngoài công lập để đánh giá sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế. Kết quả, tỷ lệ người bệnh ngoại trú hài lòng và rất hài lòng là 84,2%, người bệnh nội trú hài lòng và rất hài lòng là 91,36%. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, trong 5 năm qua, chất lượng các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã được nâng lên. Bên cạnh đó, các kỹ thuật cao được triển khai tại một số bệnh viện (như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn…) cũng đã ngang tầm các bệnh viện trung ương và trên thế giới.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền đưa ra 11 đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Y tế, trong đó mong muốn tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ nội trú cho Hà Nội từ 25 chỉ tiêu/năm lên 50 chỉ tiêu/năm, cho phép bệnh viện hạng I là cơ sở đào tạo bác sĩ nội trú. Mặt khác, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trung ương hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện của thành phố thông qua mô hình bệnh viện vệ tinh và luân phiên người hành nghề khám chữa bệnh. Ngoài ra, ngành Y tế Thủ đô cũng kiến nghị Bộ Y tế ban hành quy định về việc thu hồi vĩnh viễn Giấy phép hành nghề y dược trong một số trường hợp cơ sở vi phạm, tái phạm nhiều lần nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ngay từ những tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã chủ động tập trung các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy, 35% bà mẹ và 76% trẻ sinh ra không có kháng thể phòng bệnh sởi. Do đó, thành phố nên tập trung dự phòng bệnh chủ động bằng vắc xin. Ngoài việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và tiêm vắc xin phòng một số bệnh khác như: Quai bị, rubella, bại liệt, tiêu chảy… để tạo miễn dịch cho thế hệ tương lai. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị TP Hà Nội đẩy mạnh hoạt động dự phòng bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe toàn dân và tập trung triển khai các chương trình nâng cao sức khỏe thể hiện qua cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể lực...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã làm được trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn thời gian qua. Về công tác bộ máy tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Hà Nội nên đi đầu trong việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy các đơn vị y tế theo tinh thần của các văn bản pháp quy về vấn đề này. Còn về công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao của Hà Nội để đáp ứng nhu cầu của người dân về y tế chuyên sâu, Bộ trưởng gợi ý Hà Nội nên có đề án phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội để bàn hướng đào tạo bác sĩ nội trú.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, ngành Y tế sẽ quyết liệt đổi mới và điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và tập trung cho y tế dự phòng. Bởi nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư cho y tế đang theo hướng “chân to, chân bé”, nghĩa là tập trung cho điều trị hơn dự phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, mảng y tế dự phòng lại quan trọng nhất. Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội xây dựng 4 trạm y tế chuẩn theo đề án mới đã được Bộ Y tế đề ra để quản lý, chăm sóc sức khoẻ người dân. Thậm chí, khi có bệnh, người dân tìm đến trạm y tế khám, không phải vượt tuyến.

Sẽ có thêm cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản trung ương và Nhi trung ương

Tiếp thu ý kiến đóng góp của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân là một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong 2 năm qua, Hà Nội tập trung các giải pháp chống quá tải bệnh viện như: Sắp xếp lại khoa, phòng; tăng thêm giường bệnh… Về vấn đề nâng cao chất lượng nhân lực y tế, Hà Nội sẽ lựa chọn hình thức thực hiện phù hợp. Còn về giá dịch vụ y tế, ngành Y tế Thủ đô đang hướng tới thực hiện theo lộ trình tính đúng, tính đủ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hiện tại, Hà Nội đang thí điểm mô hình một đơn giá dịch vụ tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn). Cụ thể, bệnh nhân chỉ thanh toán một lần không có các chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ. Mô hình này đang được người bệnh hưởng ứng.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội xây dựng 4 trạm y tế xã, phường mẫu. Ngoài ra, Hà Nội đang hướng đến xây dựng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trở thành bệnh viện mẫu. Theo đồng chí Nguyễn Đức Chung, chuyên gia nước ngoài đều chung quan điểm, trình độ y bác sĩ của Việt Nam không thua kém thế giới. Thế nhưng, quy trình tổ chức khám chữa bệnh, cơ sở vật chất… tại các cơ sở y tế của nước ta chưa đạt tiêu chuẩn thế giới. Hiện tại, Hà Nội đang đánh giá lại toàn bộ ngành Y tế Thủ đô để xây dựng các cơ sở y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu, hiện đại theo đúng xu hướng của thế giới. Về vấn đề xây dựng Trung tâm phân phối thuốc, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho rằng, Hà Nội đang hướng đến trao đổi với các công ty dược lớn trên toàn quốc để cùng bàn phương án xây dựng phù hợp.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố tập trung triển khai, trong đó là việc xây dựng chương trình sữa học đường, lập hồ sơ quản lý bệnh án điện tử cho 7,5 triệu dân, mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và các điểm kinh doanh thực phẩm sạch có kiểm soát, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho người dân thành thị và nông thôn, cải tạo ô nhiễm môi trường, tập trung triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ mang thai…

Liên quan đến việc xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản trung ương và Bệnh viện Nhi trung ương trên địa bàn huyện Quốc Oai, theo đồng chí Nguyễn Đức Chung, trước ngày 15-4, thành phố sẽ có thông báo về quy hoạch chi tiết gửi Bộ Y tế. Bên cạnh đó, UBND thành phố tiếp tục yêu cầu Công an TP Hà Nội duy trì các tổ công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho các bệnh viện hoạt động hiệu quả tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người bệnh.

Gia Phong/ảnh: Anh Tuấn/HNM