Hội làng Nguyên Xá

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:47, 05/04/2018

Tháng tư mồng bốn hội thề Xôi, chè, cơm, trứng tích về đón vua (Ca dao)
Đi theo quốc lộ Hà Nội – Sơn Tây, đến cột km12, bên đường Hồ Tùng Mậu, tay phải là miếu làng Nguyên Xá, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm - nơi thờ thần núi Đồng Cổ. Di tích tọa lạc trên một khu đất cao, có nhiều cây cổ thụ, phía trước có đường thiên lý, phía sau có giếng nước, tạo nên một quần thể thắng cảnh ở vùng ven sông Nhuệ.

Tháng 10/2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở VHTT Hà Nội khai quật phía sau miếu với 9 hố, diện tích 150m2 đã xác định được vết tích các tầng văn hóa và mộ táng giai đoạn Đông Sơn 2500 - 2000 năm trước CN đầu thời đại đồ sắt, đặc biệt phế tích lò nung thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII còn nguyên vẹn kiến trúc.

Sự tích kể: “Vào thời vua Hùng đi đánh giặc Chiêm Thành, đạo binh đi theo đường núi tiến đến làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (Cửu Chân xưa) đóng quân ở dưới chân núi Khả Lao. Đêm ngủ vua mộng thấy thần dân báo rằng: “Xin có cái trống đồng, dùi đồng giúp nhà vua đánh giặc”. Hôm sau, ở trận địa văng vẳng trên không tiếng trống đồng, quả nhiên quân ta thắng trận. Vua phong cho vị thần mộng là “Đồng Cổ Đại Vương”.

Thời Hai Bà Trưng năm 40 Kiến Võ bên Trung Hoa, các nghĩa sĩ Thanh Hóa trên đường ra Hát Môn, huyện Phúc Thọ (Chu Diên xưa) tụ nghĩa dưới cờ của vua đã mang theo vị Đồng Cổ, mong Thần phù hộ để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Qua Nguyên Xá (Kẻ Diễn xưa) thấy phong cảnh đẹp, dân chúng đức độ, nên đã cùng nhân dân lập miếu thờ thần.

Năm Canh Tuất 1010 sau khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đi kinh lý phía Tây kinh thành, tới địa phận ngã tư Canh tự nhiên voi bị cắm ngà xuống đất không đi được. Vua cho người xem xét có đền, miếu nào linh thiêng chăng? Tới Nguyên Xá, thấy miếu thờ thần Đồng Cổ, vua cho người sang chiêm bái. Voi lại đi được. Từ đó về sau, nhà vua thường về đây lễ bái.

Mùa đông năm Canh Thân (1020), vua Lý Thái Tổ sai con trưởng là Thái tử Lý Phật Mã đem quân đi đánh Chiêm Thành, tới bến Trường Châu. Sau canh ba, Thái tử mộng thấy một dị nhân khoác nhung phục, mặc giáp, đeo gươm tâu: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin chúa thượng Nam chinh, xin được theo lệnh công”. Thái tử chuẩn y, quả nhiên quân ta đại thắng. 

Năm 1028, vua Lý Thái Tổ băng hà, Thái tử Lý Phật Mã nối ngôi hiệu là Lý Thái Tông. Thần núi Đồng Cổ báo mộng tam vương làm phản. Dẹp xong loạn tam vương, vua về miếu Đồng Cổ - Nguyên Xá lễ tạ, cho khắc bài thơ xưng danh của thần lúc mộng và ban đôi câu đối.

Bài thơ:

Đồng Sơn vân lĩnh thị ngô gia
Kỷ độ chinh chiêm sắc tặng gia
Long Đỗ thành tây minh tác chúa 
Ngọc kim ký tích cựu sơn hà 

Lược dịch: 

Nhà ta ở non tiên Hồng Lĩnh
Phong tặng bao lần phù bình Chiêm 
Tây thành Long Đỗ làm chủ việc thề 
Tiếng tăm lừng lẫy từ cổ truyền 

Câu đối: 

Chu kỳ đức dĩ tôn thần Đồng Cổ chí kim truyền hiển tích.
Đại nhi hóa chi vị thánh Đan Nhai tự cổ bá linh thanh


Lược dịch: 

Diệt Vũ Đức thành tôn thần, Đồng Cổ tới nay truyền hiển tích 
Công thần lớn như vị thánh Đan Nhai tự cổ nổi tiếng linh

Nhân sự kiện này, vua Lý Thái Tông phong tước cho vị Đồng Cổ là “Thiên hạ minh chủ Đại Vương” (người chứng giám lời thề trong thiên hạ), lập đàn thề, treo kiếm kích trước thần vị. Các quan trong triều từ Hoàng thân, quốc thích đến người thường phải trích máu thề rằng: “Vi tử bất hiếu – Vi thần bất trung – Thần minh tử chi” (Làm con bất hiếu – làm tôi bất trung – Thần minh tru diệt). Lễ thề được quy định thành lệ thường hàng năm vào ngày 4 tháng 4 (Âm lịch). Đó là nguồn gốc hội thề trung hiếu đầu tiên mang tính Quốc lễ ở nước ta.

Các triều đại đã phong 41 đạo sắc cho thần Đồng Cổ. Hiện nay còn giữ được 13 đạo sắc phong. Sớm nhất đạo Long Đức 1735, muộn nhất đạo Khải Định 1825. Triều Tây Sơn có đạo Bảo Hưng (1793). Bộ VHTT xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa 21/01/1989.

Trước đây miếu có kết cấu kiểu “Nội công ngoại quốc”. Trải qua thời gian biến đổi, căn cứ vào tấm bia đá (1677), miếu nay kiến trúc kiểu chữ Quốc với 5 gian tiến tế, cung thượng, 2 dãy nhả tả mạc, hữu mạc song song. Tòa cung thượng vuông tạo kiểu mái chồng diêm 2 tầng 8 mái với những đầu đao uốn cong đắp nối hình rồng cao vút.

Miếu có bài trí ngoài cửa có bốn chữ “Thánh cung Vạn Tuế”. Gian giữa thờ thần Đồng Cổ, gian tả vu thờ các quan bộ hạ, gian hữu thờ quan Đương Niên hành khiển. Bài vị ghi “Đương cảnh Thành Hoàng, Đồng Cổ Sơn Minh thệ đại vương thượng đẳng thần”.

Đình bài trí hơi khác, gian giữa cũng thờ thần Đồng Cổ, gian tả vu thờ các trụ gia Tiên linh và ban thờ kị hậu. Đó là cụ Vương Thị Nhượng, vợ Uy vệ Tướng Công (TK 17) không con, đã cúng 5 mẫu ruộng để trùng tu đình, miếu, chùa. Gian hữu vu thờ thần Thổ Địa. Làng Nguyên Xá trong năm có hội: Ngày 8/2 lễ kì phúc, Nguyên Xá vào hội trước 7 làng của Tổng Diễn (Phú Diễn, Đức Diễn, Đình Quán, Kiều Mai, Ngọa Long, Nguyên Xá và Văn Trì). Ngày 4/3 thi chè, xôi, gà. Ngày 4/4 làm lễ thề, “Uế mao huyết”, tượng trưng cho cắt tiết gà cho vào rượu uống rồi thề trước thần linh. Vào năm đại hội hoặc nhân dịp khánh thành trùng tu đình, miếu làng tổ chức đám rước tưng bừng với cờ, tàn, tán, long, kiệu, kèn, trống… Rước quanh xóm Đình, xóm Cả, xóm Trên, xóm Cờ, xóm Gỗ, xóm Lò Rào. Cỗ khao 4 người 1 mâm có cơm tẻ, trứng gà luộc, canh bí, giá luộc, nộm giá sống trộn vừng… Trò dân gian có thi nấu xôi chè, thi gà sống thiến, đánh cờ người, hát quan họ… Đoàn đại biểu từ Đan Nê (Thanh Hóa) cũng thường về dự. Còn vào ngày 15/3, đoàn Nguyên Xá lại vào lễ ở Đan Nê. 

Di tích đình, miếu gắn với những trang sử hào hùng của Thủ đô ta. Năm 1908, chí sĩ Lương Văn Can về tuyên truyền Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1946, Trung đoàn Thủ đô trước khi rời lên chiến khu Việt Bắc tập kết tại đây. Miếu Nguyên Xá tô đẹp truyền thống hội thề của Thăng Long - Hà Nội. Trong dân gian từ xưa vẫn có tục lệ thề nguyền, lấy trời đất, trăng sao, núi sông làm vật linh chứng giám. Người ta thề nguyền kết nghĩa anh em, cắt tóc ăn thề, thề nguyện vợ chồng chung thủy. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nó có sức lay động mạnh mẽ tâm thức mọi người, gieo vào trong sâu thẳm  của tâm linh họ một niềm tin bất diệt, hướng thiện, trừ ác vừa có tính chất giáo dục, vừa răn đe phản nghịch. 

Văn Hậu