Tôn vinh và phát huy tài năng những “bàn tay vàng” của nghề gốm Chu Đậu

Tin tức - Ngày đăng : 08:37, 09/04/2018

Chiều 8-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu - doanh nghiệp gặt hái nhiều thành công trong việc phục dựng, sản xuất gốm Chu Đậu - một trong những cái nôi của nghề gốm Việt Nam đã từng bị thất truyền suốt 400 năm tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Tôn vinh và phát huy tài năng những “bàn tay vàng” của nghề gốm Chu Đậu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi người lao động tại Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Theo các nghiên cứu, di tích làng gốm Chu Đậu bắt đầu từ khoảng thế kỷ XI và suy tàn vào khoảng thế kỷ thứ XVII. Cho đến năm 1992, khi trục vớt con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm, các nhà khoa học đã tìm ra gần 40 vạn cổ vật gốm nằm sâu dưới đáy biển được định giá rất cao, trong đó có rất nhiều tinh hoa của làng gốm Chu Đậu. Đến lúc đó, thương hiệu gốm sứ Chu Đậu bắt đầu được hồi sinh. 

Hiện nay, ngoài thị trường trong nước, gốm Chu Đậu được xuất khẩu đến nhiều thị trường khác ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á… Đặc biệt, gốm Chu Đậu có mặt tại gần 50 bảo tàng trên thế giới, trong đó có những sản phẩm được định giá tới hàng triệu đô la. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham quan cơ sở sản xuất, quy trình chế tác; chiêm ngưỡng các sản phẩm đặc sắc của Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu và tham quan Không gian gốm Chu Đậu. Nói chuyện với cán bộ, công nhân viên của Công ty, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến giá trị nghệ thuật to lớn của gốm cổ Chu Đậu - một sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Việt Nam đã từng xuất khẩu đi khắp năm châu từ nhiều thế kỷ trước. 

Nhấn mạnh đến vốn quý của làng nghề gốm Chu Đậu, Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu tiếp tục gìn giữ và phát huy tài sản quý giá này. Cùng với đó, Công ty cần có chính sách phù hợp nhằm tôn vinh, đãi ngộ và phát huy tài năng các nghệ nhân, những “bàn tay vàng” của nghề gốm Chu Đậu; nâng cao hơn nữa đời sống công nhân, người lao động. Thủ tướng cũng lưu ý Công ty cần gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ, không ngừng mở rộng thị trường, coi đây là hướng đi quan trọng của doanh nghiệp. 

Nhắc lại câu nói của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: “Gốm Chu Đậu, tinh hoa văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng mong muốn Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu phát triển mô hình sản xuất ở quy mô lớn hơn, để những sản phẩm gốm Chu Đậu tiếp tục vươn xa hơn trên thị trường thế giới. 

Song song với đó, Thủ tướng cũng gợi ý Công ty thường xuyên thay đổi mẫu mã, đầu tư, ứng dụng nhiều hơn nữa khoa học, công nghệ vào sản xuất và chú trọng hơn đến thị trường trong nước. Muốn vậy, Công ty cần bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn về sản phẩm để được người tiêu dùng chấp nhận. 

TTXVN