Đẩy mạnh hoạt động phát triển làng nghề năm 2018

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:33, 12/04/2018

Để thực hiện có hiệu quả các quy định của Trung ương và thành phố về công tác phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đồng thời nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề trên địa bàn thành phố phát triển gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống, những bản sắc văn hóa của làng nghề, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về “Hoạt động phát triển nghề, làng nghề Thành phố Hà Nội năm 2018”.
Đẩy mạnh hoạt động phát triển làng nghề năm 2018
Năm 2018 Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động phát triển làng nghề. Ảnh: Đào Văn Trà
Kế hoạch đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như:  Thành phố sẽ hỗ trợ 14 cơ sở sản xuất có dự án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất; Hỗ trợ khoảng 10 - 12 làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu; Hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuộc các làng nghề Hà Nội, thuê chuyên gia tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu; Hỗ trợ các doanh nghiệp cơ sở sản xuất làng nghề tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho khoảng 24.000 lao động; Hỗ trợ cho 40 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn truyền nghề, nhân cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 lao động nông thôn, tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho khoảng 1.500 lượt cán bộ lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp nông thôn theo Chương trình khuyến công thành phố.

Nội dung của kế hoạch tập trung vào các vấn đề: Xây dựng chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách; Áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ; Công tác đào tạo nghề; Nguồn vốn và chính sách thuế cho phát triển làng nghề; Công tác bảo vệ môi trường làng nghề; Công tác phát triển làng nghề gắn với du lịch, xúc tiến thương mại. 

Theo đó, Sở lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo 1956 cấp huyện hướng dẫn phòng chuyên môn cấp huyện và các cơ sở dạy nghề triển khai đào tạo nghề cho 24.000 người. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tập huấn nâng cao tay nghề cho 2000 lao động của các làng nghề, làng có nghề trên địa bàn thành phố; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn cho 4 loại hình (nghề trồng nấm, nghề chế biến lâm sản, nghề chẻ tăm hương và nghề chế biến nông sản thực phẩm)… Sở Công thương Hà Nội chủ trì xây dựng và triển khai Đề án phát triển bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch; triển khai chương trình xét công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2018”, “Làng nghề” năm 2017. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì rà soát, đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề Thành phố Hà Nội. Sở Du lịch Thành phố Hà Nội triển khai khai thác, sử dụng kết quả sản phẩm thiết kế bộ sản phẩm xây dựng nhận diện thương hiệu, biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội; lập kế hoạch tổ chức các đoàn khảo sát, xây dựng các tour du lịch làng nghề phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của làng nghề; tiếp tục chuẩn hóa bài thuyết minh về địa danh, làng nghề, sản phẩm làng nghề của địa phương để giới thiệu, quảng bá cho du khách và các doanh nghiệp du lịch; chủ trì phối  hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch làng nghề, lập kế hoạch tập trung đầu tư phát triển 1 – 2 sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương… 

UBND Thành phố Hà Nội  cũng yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận huyện thị xã chủ động tổ chức triển khai kế hoạch; tập trung kinh phí từ nguồn ngân sách cho việc hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng tại khu vực nông thôn nơi hoạt động nghề, làng nghề còn nhiều khó khăn; bố trí kinh phí để hỗ trợ công tác phát triển nghề, làng nghề đảm bảo chính xác, kịp thời, trong đó tập trung ưu tiên các nhiệm vụ như đào tạo nghề, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của các nghệ nhân, sản phẩm làng nghề nhằm quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Không chỉ bổ sung, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác phát triển nghề, làng nghề và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, kế hoạch của Chính phủ, các Bộ ngành và của UBND Thành phố Hà Nội về phát triển nghề, làng nghề; công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ tại các làng nghề… Kế hoạch số 76/KH - UBND về “Hoạt động phát triển nghề, làng nghề Thành phố Hà Nội năm 2018” còn giúp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đến việc đào tạo nghề du lịch cho cộng đồng dân cư tại nơi có làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; phát triển các sản phẩm thủ công có thế mạnh của làng nghề, có giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống… 

Thanh Bình