Phối cảnh trung tâm hành chính của TP Hồ Chí Minh trong tương lai
Tin tức - Ngày đăng : 12:40, 17/04/2018
Tòa nhà 10 tầng, rộng 18.000 m2, bốn mặt tiền và có phần mái là vườn cây xanh.
Phương án thiết kế, nâng cấp tòa nhà trụ sở HĐND - UBND TP Hồ Chí Minh vừa được Sở Quy hoạch - Kiến trúc đưa ra để lấy ý kiến người dân và chuyên gia.
Đồ án thiết kế do công ty Gensler (Mỹ) thực hiện. Đây là đơn vị đã thiết kế các công trình nổi tiếng như Temporary U.K Parliament (tòa nhà Quốc hội Anh), trụ sở làm việc của Microsoft London (Anh), sân bay Quốc tế Incheon (Hàn Quốc)…
Trung tâm hành chính rộng hơn 18.000 m2, diện tích xây dựng hơn 14.000 m2, bốn phía là mặt tiền các đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Đồng Khởi và Lý Tự Trọng.
Theo đồ án, toàn bộ trụ sở HĐND - UBND TP HCM hiện hữu ở đường Lê Thánh Tôn sẽ được giữ nguyên.
Trong ảnh là ở phía sau - tòa nhà đang là trụ sở của Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin - Truyền thông... quay mặt ra đường Lý Tự Trọng, sẽ được xây mới cao hơn và kết nối với tòa nhà UBND TP hiện hữu để trở thành trung tâm hành chính mới.
Công trình là tòa nhà có 4 tầng hầm và 6 tầng nổi, bao gồm tất cả các phân khu chức năng: làm việc, tiếp dân, đón khách, thư viện, hội trường…
Đây sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan, gồm: Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Sở Nội vụ, Thông tin - Truyền thông, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên - Môi trường, Ban Đổi mới doanh nghiệp.
Tổng cộng có 95 phòng ban trực thuộc với khoảng 1.700 nhân sự.
Thiết kế của Gensler được đánh giá "táo bạo" khi hạ hai tầng làm việc xuống dưới mặt đất, đưa sân vườn và ánh sáng tự nhiên xuống dưới lòng đất để giảm chiều cao công trình, khai thác tốt hơn không gian ngầm.
Đặc biệt, tầng mái công trình là sân vườn góp vào khoảng xanh của thành phố. Đây cũng là nơi trữ nước mưa, dùng chăm sóc công viên trong toàn khu vực.
Hai tòa nhà cũ và mới được kết nối bằng khu sân vườn trung tâm với diện tích khoảng 4.000 m2. Không gian xanh ở đây sẽ làm thông thoáng cho hai tầng làm việc ngầm và kết nối với mảng xanh của Công viên Chi Lăng, Công viên Bảo tàng lịch sử, cùng với trục đường hoa Nguyễn Huệ tạo thành điểm đến của người dân.
Các mảng xanh công cộng và tính tương tác với người dân cũng được đặc biệt lưu ý. Không gian làm việc từ tầng 3 đến tầng 6 được sắp xếp phù hợp với tần suất tiếp dân.
Theo đơn vị thiết kế, ý tưởng hình khối của toà nhà mới mang ý nghĩa là sự giao thoa của văn hóa, lịch sử lâu đời của thành phố với dòng chảy mạnh mẽ của nền kinh tế hiện đại.
Mặt tiền tòa nhà với những thanh lam chắn nắng và lấy sáng có thể điều chỉnh thay đổi góc nghiêng theo hướng nắng, nhằm tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là một trong những yêu cầu chính quyền TP Hồ Chí Minh đặt ra khi tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế.
Phối cảnh tổng thể tòa nhà trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh sau khi nâng cấp nhìn từ hướng Đồng Khởi - Lý Tự Trọng.
Mặt tiền tòa nhà được lùi sâu để làm đường nội bộ rộng 6 m, hai làn ôtô với vỉa hè đi bộ có mái che kết nối hai khu vực sảnh, để người dân đến làm việc tiện lợi và giúp giao thông quanh khu vực thông thoáng hơn.
Trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh được xây từ năm 1898 đến 1909, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế và là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng.
Thời Pháp thuộc, tòa nhà có tên Hôtel de ville trong tiếng Pháp, hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng hòa gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn - nơi làm việc và hội họp của chính quyền. Từ sau năm 1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của UBND TP Hồ Chí Minh.