Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội giám sát về quy hoạch chợ đầu mối nông sản
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 22:46, 18/04/2018
Chiều 18-4, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng mạng lưới chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2017”. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có thành viên Đoàn giám sát và đại diện lãnh đạo các sở: Công Thương; Quy hoạch - Kiến trúc; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; chủ tịch UBND các quận, huyện và ban quản lý các chợ đầu mối.
Báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 2 chợ đầu mối là chợ đầu mối phía Nam (khu đô thị Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) và chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm).
Ngoài ra, trên địa bàn TP Hà Nội còn có 4 chợ kinh doanh bán buôn nông sản, thủy sản đang hoạt động có tính chất đầu mối, gồm: Chợ Long Biên (kinh doanh hoa quả và rau các loại), chợ cá Yên Sở (kinh doanh thủy sản), chợ gia cầm Hà Vỹ (kinh doanh gia cầm, thủy cầm), chợ hoa Quảng An (kinh doanh hoa).
Hoạt động của 2 chợ đầu mối và 4 chợ bán buôn này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của thành phố, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm, phần lớn hàng hóa tại chợ chưa thể truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Do quy mô phân phối còn nhỏ nên các chợ này chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường.
Theo Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 5-11-2012 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng mới 5 chợ tại: Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai; xã Thanh Lâm, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh; xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên; xã Cam Thượng, huyện Ba Vì.
Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2017, trên địa bàn TP Hà Nội không có chợ đầu mối được đầu tư xây dựng mới. Đại diện các sở, ngành cũng nêu ra khó khăn, hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng chợ đầu mối. Các chợ được quy hoạch xây dựng mới chưa có điểm nào thành phố thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đề xuất dự án; TP Hà Nội không thuộc danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư nên không bố trí vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư dự án công trình chợ...
Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị Sở Công Thương khẩn trương chủ trì phối hợp với các sở, ngành rà soát, tham mưu với UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch chợ đầu mối cho phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô theo hướng rõ tiêu chí phân loại, phân hạng chợ đầu mối. Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu xem xét tính phù hợp của tiêu chuẩn thiết kế chợ hiện nay để đề xuất điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với đô thị lớn. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu đề xuất kêu gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư sắp tới, đồng thời, nghiên cứu cơ chế thu hút đầu tư vào chợ đầu mối. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với UBND quận Hoàng Mai và quận Bắc Từ Liêm - hai quận có chợ đầu mối cần tăng cường công tác chỉ đạo quản lý thực hiện quy hoạch chợ đầu mối, nhất là quy hoạch chi tiết, phối hợp với ban quản lý chợ thực hiện hoàn thiện quy hoạch, ổn định an ninh trật tự, kiểm tra an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy. Ban quản lý chợ tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh trong chợ…
Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của các sở, ngành, đơn vị quản lý chợ đầu mối và sẽ tổng hợp, chuyển các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ theo đúng quy định.