Công ty XKLĐ Tracodi: Bài 1 - Người lao động mắc bệnh và ôm nợ
Tin tức - Ngày đăng : 22:53, 19/04/2018
Ác mộng “đổi đời”: Bài 3 - Công ty Cổ phần TMS Nhân lực thu phí cọc vượt gần gấp đôi quy định
Công ty XKLĐ Tracodi: Bài 2 - Người lao động kêu cứu vì bị vu khống nhận 900 USD
Cụ thể theo người lao động, vào tháng 8 năm 2016, anh Phạm Hồng Tân, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Đài Loan tại Trung tâm hợp tác lao động quốc tế Tracodi trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI) địa chỉ ở số 45 phố Đồng Me, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội trên đơn hàng sản xuất chế tạo với số tiền 5.100 USD (tương đương với 113.000.000 VNĐ) và nhiều khoản tiền thu ngoài luồng khác. Anh được một chị tên D (phụ trách tư vấn) hứa hẹn sẽ làm tại công ty sản xuất ốc vít và có nhiều lao động Việt Nam ở cùng.
Cứ tưởng công việc sẽ như công ty nói nhưng, lúc sang Đài Loan thì Tân vỡ lẽ ra khi phải đưa hơn 100 khối sắt với cân nặng từ 30 đến 40 kg/1 khối lên máy cắt sắt mỗi ngày. Đồng thời không có một người Việt Nam nào sinh sống cùng trong khi ngoại ngữ của Tân lại mới bập bẹ, gây khó khăn trong công việc.
Trong ca làm của Tân có 2 người Đài Loan, 2 người này thường hay cấu kết với nhau để ép những việc nặng nhọc cho người lao động Việt. Do tiếng Đài Loan không sành sỏi nên Tân hay bị dọa dẫm sẽ mách chủ nếu như không siêng năng làm việc. Vì công việc quá nặng nhọc, đến tháng thứ 7 thì hiện tượng đau lưng của Tân bắt đầu xuất hiện, năng suất giảm nên công ty sở hữu lao động bắt ép phải ký hợp đồng về nước để đưa người khác sang làm. Nghĩ đến gia đình nên Tân quyết tâm vừa tiêm thuốc giảm đau vừa đi làm. Kết quả, Tân phải nằm viện liên tục 2 tháng vì sức khỏe giảm sút.
Trong khi đang điều trị tại bệnh viện Đài Trung, công ty sở hữu lao động chỉ hỏi thăm sức khỏe để ép Tân đi làm lại đúng với năng suất mà họ cần. Cuối cùng Tân đành phải ký vào đơn về nước để đảm bảo sức khỏe. Sau một thời gian khám bệnh tại Việt Nam, Tân phát hiện mình mắc căn bệnh thoát vị đĩa đệm do bưng bê nặng trong một thời gian dài.
Anh Phạm Hồng Tân ra Hà Nội cung cấp thông tin cho phóng viên. Chỉ vì tin theo những lời tư vấn ngon lành của Công ty XKLĐ Tracodi mà bây giờ anh rơi vào cảnh khốn cùng
Khi ký vào đơn về nước thì Tân cũng là người bỏ ra số tiền 4 triệu động để mua vé máy bay về Việt Nam và được môi giới hứa hẹn sẽ trả lại tiền sau. Vừa đặt chân đến sân bay Nội Bài, Tân đến thẳng công ty tại Hà Nội nhưng chị D hẹn ít bữa nữa sẽ thanh toán. Sau một tháng không thấy liên lạc, Tân tìm cách liên lạc lại, chị D lại hẹn một lần tiếp theo. Đến bây giờ công ty thông báo với Tân là sẽ không đền bù nữa. Được biết, trước khi ký hợp đồng, Tân được chị D tư vấn rằng: nếu chưa hết hợp đồng mà người lao động bị tai nạn lao động không đủ khả năng làm việc, sau khi về nước, hợp đồng 3 năm trong số tiền 5.100 USD sẽ được tính và trừ lại khoảng thời gian mình không tiếp tục lao động ở Đài Loan. Có nghĩa số tiền Tân nộp sẽ được chia cho 36 tháng trừ dần, nếu như về nước tháng nào với lý do chính đáng thì sẽ được công ty Tracodi đền bù bằng số tiền còn dư những tháng sau. Tân đi được 10 tháng, khi về nước có lý do chính đáng thì số tiền đáng ra được nhận lại là gần 3.700 USD, tương đương với gần 85.000.000 VNĐ.
Bên cạnh đó, còn một số điều bất cập giữa hợp đồng và thực tế. Điều 2.8 trong hợp đồng có ghi: “Tiền lương, tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, phụ cấp, và các khoản khấu trừ (nếu có): Tiền cơ lương cơ bản: 20.008 NT$/tháng (tương đường với 14.000.000 VNĐ-PV)”, nhưng không có bất kỳ một khấu trừ nào mà Tân vẫn chỉ nhận được số tiền hàng tháng là 10.000.000 VNĐ, ít hơn so với hợp đồng đến 4.000.000 VNĐ.
Điều 2.9 trong hợp đồng có ghi: “Người lao động được Công ty sử dụng lao động cung cấp chỗ ở hợp lý, an toàn và thuận tiện cho việc nghỉ ngơi, sinh hoạt. Bữa ăn, Công ty sử dụng lao động cung ứng ngày ba bữa ăn kể cả ngày nghỉ trong tuần, ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ phép và nghỉ ốm. Hàng tháng người lao động phải đóng góp một số tiền ăn, ở nhất định cho Chủ sở hữu lao động là 2.500 Đài tệ/tháng (tương đương với 1.750.000 VNĐ-PV). Số tiền này sẽ được khấu trừ từ tiền lương hàng tháng của người lao động”. Nhưng khi sang Đài Loan, Tân phải tự thuê phòng trọ, tự chi trả tiền ăn uống ở ngoài mà không được công ty sử dụng lao động cung ứng như trong hợp đồng.
Hiện nay, gia cảnh Tân đang rất khó khăn và hoang mang vì có Tân là con trai làm chỗ dựa trụ cột gia đình sau này thì bây giờ mới tý tuổi đã mắc bệnh. Bây giờ mặc dù Tân còn trẻ mà mọi việc nặng trong gia đình gần như không làm được. Bố mẹ Tân phải gồng gánh từng ngày; đi phụ thợ xây kiếm vài trăm nghìn một ngày để nuôi các con và trả lãi số tiền hàng trăm triệu VNĐ vay ngân hàng đang sinh lời từng ngày.
Báo Người Hà Nội tiếp tục thông tin đến bạn đọc để có cái nhìn rõ nhất về việc làm của công ty Tracodi, ăn chặn từng giọt mồ hồi, nước mắt của người mà họ gọi là “thượng đế”. Bỏ lơ đi những lời hứa hẹn, những điều khoản đã ký với người lao động, để họ nhận lại là bệnh tật và một món nợ “khổng lồ” không biết lúc nào trả đủ.
Bạn đọc có thắc mắc gì về Xuất khẩu lao động xin gọi số điện thoại đường dây nóng: 0988 200 599
Công ty XKLĐ Tracodi: Bài 2 – Mang con, bỏ chợ!