Sẵn sàng cho ngày hội lớn
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 12:51, 21/04/2018
Người dân cả nước đang đếm ngược tới ngày hội lớn của dân tộc - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng Ba âm lịch), thời khắc nhắc nhở về cội nguồn con Lạc cháu Hồng. Đáp lại mong mỏi của nhân dân cả nước, đến thời điểm này, những phần việc chuẩn bị cho Lễ hội Đền Hùng 2018 đã hoàn tất, nhằm mang đến một mùa lễ hội an toàn, văn minh, giàu bản sắc, gắn kết cộng đồng.
Vì một mùa lễ hội an toàn, văn minhKhông hành khất; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo, chặt chém; không gây mất vệ sinh môi trường và nói không với hành vi phản cảm… Đó là những mục tiêu chính mà UBND tỉnh Phú Thọ đề ra, quyết liệt thực hiện. Từ nhiều tháng trước, Ban Tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2018 đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, cụ thể hóa từng phần việc, dự liệu tình huống phát sinh và đề ra phương án xử lý hiệu quả nhất.
Các hoạt động chuẩn bị Lễ hội Đền Hùng 2018 đã hoàn tất, sẵn sàng mang đến một mùa lễ hội an toàn, văn minh, giàu bản sắc, gắn kết cộng đồng. Ảnh: Nhật Nam |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2018 Hà Kế San cho biết: Năm nay, hơn 1.000 chiến sĩ cảnh sát được huy động bảo đảm an toàn lễ hội. Lực lượng này sẽ túc trực thường xuyên trong khu vực tổ chức lễ hội để chủ động ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và quy định của Ban Tổ chức.
Cùng với đó, lực lượng đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên hỗ trợ, hướng dẫn du khách lên xuống các điểm thờ tự, tham gia phân luồng giao thông nhằm ngăn chặn tình trạng ùn tắc. Ban Tổ chức đã công bố số điện thoại đường dây nóng tại nhiều điểm trong khu vực lễ hội; 100% hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa kinh doanh, không tăng giá, chèo kéo, ép khách. Năm nay, số lượng cơ sở lưu trú tăng 10% so với năm trước, nên mối lo “cháy phòng” sẽ giảm đáng kể.
"Đặc biệt, trước ngày khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2018, Ban Tổ chức đã kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến… và ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Kế hoạch phân luồng giao thông từ xa, ứng trực giải tỏa ùn tắc, tổ chức đội thu gom rác thải, quy hoạch bãi xe, khu vực bán hàng… đã được hoàn thiện. Hiện tượng ăn xin trong khu vực di tích đã được ngăn chặn ngay trước khi mở hội" - ông Hà Kế San thông tin.
Năm nay, tỉnh Phú Thọ quản lý chặt thiết bị bay có gắn camera ghi hình trong không gian diễn ra lễ hội, để bảo đảm an ninh, an toàn và không khí trang nghiêm. Các tổ chức, cá nhân sở hữu thiết bị bay phải có hồ sơ cấp phép, hoạt động đúng thời gian, địa điểm đã đăng ký và không mang theo các chất gây cháy nổ hoặc những chất cấm khác. Việc kiểm tra, giám sát sẽ được tăng cường cả trước, trong và sau lễ hội.
Khơi dậy bản sắc, gắn kết cộng đồng
Một trong những mục tiêu của Lễ hội Đền Hùng 2018 (diễn ra từ ngày 21 đến 25-4) là khơi dậy bản sắc văn hóa, gắn kết cộng đồng. Theo Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Nguyễn Duy Anh, những nghi lễ truyền thống, như Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng… đã được chuẩn bị chu đáo, với sự tham gia của nhiều địa phương trên cả nước. Không gian lễ hội trải rộng từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến TP Việt Trì.
Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội tổ chức vào 20h ngày 21-4 (tức mùng 6 tháng Ba âm lịch) tại Quảng trường Hồ công viên Văn Lang, kết thúc bằng màn bắn pháo hoa tầm thấp. Cùng thời gian diễn ra lễ dâng hương tại Đền Hùng, các địa phương có đền thờ Vua Hùng và danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương cũng sẽ tổ chức lễ dâng hương.
Lễ hội Đền Hùng 2018 còn là dịp để nhân dân Phú Thọ giới thiệu rộng rãi hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội xoan sẽ được tổ chức ở nhiều nơi, từ di tích được cho là nơi khởi phát làn điệu xoan nổi tiếng (miếu Lãi Lèn, phường Phượng Lâu, TP Việt Trì) đến không gian lễ hội dân gian đường phố. Các chương trình nghệ thuật, như “Hát xoan làng cổ”, “Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương”, "Liên hoan hát xoan thanh, thiếu niên TP Việt Trì"… hứa hẹn mang đến cảm nhận sâu sắc về một loại hình di sản đặc biệt có số phận thăng trầm qua nhiều thế kỷ.
Cùng với đó, xuyên suốt lễ hội là hàng loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác nhằm quảng bá văn hóa đất Tổ, góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, như: Trưng bày tư liệu di sản hát xoan, tục thờ cúng Hùng Vương, lễ hội và tín ngưỡng vùng đất Tổ, Hội sách đất Tổ, Hội trại văn hóa; biểu diễn rối nước, giao lưu bóng chuyền, cờ tướng, vật truyền thống, bắn nỏ…
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các Vua Hùng và tiền nhân có công dựng nước, giữ nước; tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với sự chủ động, sáng tạo trong quản lý và chuẩn bị tổ chức lễ hội, Phú Thọ đã sẵn sàng chào đón đồng bào và du khách thập phương về miền đất Tổ.