Lễ hội Đền Hùng 2018: Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 07:42, 23/04/2018
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất - 2018 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21 đến ngày 25/4/2018 (tức ngày 6 đến ngày 10 tháng 3 năm Mậu Tuất) do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của 4 tỉnh: Bình Dương, Kiên Giang, Thái Nguyên và Quảng Nam.
Điểm nhấn và nét mới trong lễ hội
Theo kế hoạch, thời gian tổ chức nghi lễ dâng hương tại Đền Thượng từ 6 giờ 30 phút, ngày 25/4/2018 (tức ngày mùng 10 tháng 3 năm Mậu Tuất). Các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng cùng thời gian với tỉnh Phú Thọ.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống (lễ dâng hương tưởng niệm vua Hùng, lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ rước kiệu về Đền Hùng), không gian lễ hội được trải rộng từ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, đặc sắc như: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng trên hồ Công viên Văn Lang, lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô, hội sách Đất Tổ và triển lãm ảnh nghệ thuật “Quê hương, con người Phú Thọ”; biểu diễn múa rối nước, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh tham gia tổ chức giỗ Tổ; tổ chức hội trại văn hóa, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI; trình diễn diễn xướng dân gian, biểu diễn văn nghệ quần chúng; các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống...
Điểm nhấn trong lễ hội năm nay, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về di sản “Hát Xoan Phú Thọ” vừa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động trình diễn hát Xoan làng cổ gắn với điểm du lịch di sản văn hóa tại miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Kim Đái (thuộc xã Kim Đức), đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình An Thái (xã Phượng Lâu); trưng bày tư liệu về di sản hát Xoan tại miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì); Tổ chức Liên hoan hát Xoan thanh, thiếu nhi thành phố Việt Trì lần thứ V.
Cam kết thực hiện “5 không”
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào và du khách thập phương về dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất - 2018, tỉnh Phú Thọ cam kết thực hiện “5 không” (không có tình trạng ùn tắc giao thông; không để xảy ra tình trạng kinh doanh, dịch vụ với giá cả mạng tính “chặt chém”; không có người ăn xin ăn mày; không để xảy ra các hành vi mang tính phản cảm; không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm). Tỉnh cũng đã xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; phương án chống ùn tắc, chen lấn, xô đẩy và đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời có các phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống khi có sự cố xảy ra. Tăng cường kiểm soát tình hình giá cả dịch vụ nhằm ngăn chặn tình trạng ép giá, tăng giá bất hợp lý; không để xảy ra tình trạng ăn xin, hàng quán chèo kéo khách. Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng tại các địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng để tiếp nhận nhanh nhất thông tin phản ánh của nhân dân và du khách (Điện thoại: 0210.3860.026 hoặc 0210.6551.666).
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ là tổ chức phần Lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; gắn các hoạt động Hội phong phú nhằm tôn vinh di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" và "Hát Xoan Phú Thọ" với các hoạt động vui tươi, lành mạnh, giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn, văn minh, tiết kiệm; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại tạo sức lan tỏa rộng rãi.
Thông qua tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO vinh danh.