Quê ơi!

Truyện - Ngày đăng : 07:54, 23/04/2018

Đứng một mình trên ban công tầng ba tòa chung cư ăm ắp không khí ngột ngạt của hiệu ứng nhà kính tọa lạc ngay mặt đường dẫn vào trung tâm thành phố ồn ào, tôi bỗng thấy nhớ da diết, thèm tha thiết những đêm buông vời vợi khí trời trong mát nơi quê.
Quê ơi!
Nét đẹp Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Xuân Chính
Vầng trăng của vũ trụ vẫn treo trên kia, cây đa chú cuội vẫn ở trên đó, nhưng có phải vì tôi đang đứng giữa sắt thép, xi măng chứ không phải đứng dưới tán cây thoang thoảng gió nơi quê nên tiếng đồng dao của lũ trẻ năm nào: “Cha còn cắt cỏ trên đồi. Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên”… chợt văng vẳng vọng về pha chút niềm xa xót hay chăng? Có phải là tôi đang tiếc nhớ những đêm quê yên ả đã trôi vào dĩ vãng hun hút phương nào? Phóng tầm mắt nhìn ánh sáng vàng vọt của hàng đèn cao áp ven đường, những đốm đỏ của đèn ô tô xe máy, những lấp lánh của biển hiệu cửa hàng nối nhau san sát, tôi lại nhớ vô cùng rặng núi xanh thẫm màu thời gian nơi quê. Rặng núi dài mà cao sừng sững vừa mang vẻ bí ẩn của rừng già, vừa mang vẻ thân tình như đã quen biết từ thuở khai thiên. Trên dải núi rừng trùng điệp tưởng như nếm được cả vị rêu phong ấy, tôi đã hưởng trọn sự ban ơn hào phóng của mẹ thiên nhiên suốt những mùa hè vô lo của tuổi thơ mình. Mùa nào thức ấy, mâm xôi chín đỏ mọng nước, duối dại vàng ươm, tầm bóp căng bóng, quả muối rừng mặn mòi vị biển, quả canh châu chua chua, những trái sim chín mọng ngọt ngào. Hoa dẻ vàng cánh mỏng, hoa giun trắng đỏ mà người thành phố gọi bằng cái tên mỹ miều là sử quân tử đan xen thơm nưng nức đánh thức toàn bộ giác quan đã ướp hương cả vùng trời ký ức trong trẻo của đám con nhà nghèo. Những đứa trẻ chưa biết đến chua, cay, mặn, ngọt của cuộc đời hồn nhiên hái lượm món quà hoang dã và thưởng thức cái vị chua cay mặn ngọt ấy với tất cả sự háo hức của lũ trẻ được quà. Đã có lần tôi cùng đám bạn tiểu học trèo qua một mỏm núi để sang thung lũng phía bên kia kiếm củi, củi thì chẳng kiếm được là bao mà len lỏi kiếm những thân cây le xanh óng thẳng tắp để về làm bộ que đánh chắt đánh chuyền và rúc ráy bờ bụi tìm quả dại thì nhiều. Đứng giữa mênh mông hoang sơ, rậm rạp đủ loài cây cỏ, xen lẫn những bụi cây hoa ngũ sắc mà chúng tôi quen gọi là linh trầm, không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng được mình lại đủ sức vượt qua rặng đá tai mèo để đặt chân đến một vùng bí mật mà trước đó chỉ dám đứng dưới chân núi ngưỡng vọng lên cao, tưởng tượng xem phía bên kia sẽ có gì và ấp ủ ước ao khám phá. Đám trẻ gầy guộc sinh vào những năm cuối của thời bao cấp, áo quần lem luốc, đôi chỗ còn có miếng vá bỗng chốc thấy mình vĩ đại như những anh hùng đi mở mang bờ cõi.

Hầu hết những buổi chiều không phải đến lớp trong quãng đời tuổi thơ của đám trẻ con vùng núi chúng tôi đều rong ruổi bên sườn đồi và trên núi đến tận khi trời báo hiệu sắp hoàng hôn mới rủ nhau về. Trong đầu óc non nớt của tôi ngày ấy, một ngày trôi qua hoàn hảo và ổn thỏa chính là khi nhìn ánh nắng và phỏng đoán thời điểm cần ngừng việc rong chơi, nhanh chóng xuống núi, băng qua những vạt dương xỉ êm ái, lách người qua những khóm hoa sim hoa mua cánh mỏng tím rịm giữa mênh mang chiều để trở về nhà, kịp rửa rau bắc bếp trước giờ mẹ tan làm. Hình ảnh con bé con thỉnh thoảng lẽo đẽo theo mẹ đi làm trên con đường mòn ra phân xưởng của nhà máy, men theo rạch suối nhỏ, nước trong đến mức nhìn thấy sỏi, hoa sim hoa mua tím mọc đầy bên bờ suối của hơn hai mươi năm trước luôn về lại nhiều lần trong những giấc mơ thanh tịnh hiếm hoi giữa buổi cơm áo gạo tiền nơi thành phố của tôi. Trong tâm tưởng luôn đau đáu hàng vạn nỗi niềm của mình, lúc nào tôi cũng chực bật ra tiếng gọi: quê ơi!

Quê à, tôi rưng rưng nhớ những sớm, chiều thu sương trắng giăng khắp cánh đồng nơi chân núi. Nhìn thảm lúa xanh đương thì con gái trải thanh bình giữa màn sương như ảo ảnh, tôi có cảm giác như mình sắp chạm chân đến cảnh giới của tâm hồn. Mỗi sáng nhích ga từng chút một để lái xe giữa dòng người đông đúc nơi thành phố, tôi lại nhớ biết bao những con đường nhỏ thưa vắng người qua lại nơi quê, hai bên vệ đường hoa xuyến chi trắng ngần cần mẫn khai hoa dâng đời nhan sắc mộc mạc đơn sơ. Tôi ước những ngày dài phía trước của mình cũng luôn tìm thấy bình yên như khi bước trên con đường hoa xuyến chi nở ngập bình minh. 

Quê ơi, đôi lúc giật mình bởi tiếng rầm rầm của động cơ xe tải, đôi khi thảng thốt bởi tiếng còi xe cứu thương, xe cảnh sát đột ngột inh ỏi trong sáng sớm, tôi bỗng nhớ xiết bao tiếng chim sẻ líu ríu bên hiên nhà, nhớ xiết bao âm thanh vồn vã hớn hở của bầy chích chòe trên ngọn hồng xiêm, trên cành đu đủ mùa quả chín. Có nhiều khi nghe tiếng ù ù của cục nóng điều hòa ngoài ban công, tôi lại thèm được nghe tiếng côn trùng nơi quê đến rã rời. Nếu được lựa chọn, có lẽ trong lúc nhớ quê đến sắt se, tôi cũng sẵn lòng được nghe tiếng chim lợn kêu eng éc mà khi còn ở quê tôi vốn không ưa vì âm thanh rờn rợn ấy gợi cho người ta cảm giác bị bủa vây bởi những bất an cùng với nỗi sợ hãi mơ hồ giữa đêm yên tĩnh.

Xa quê, món tôm rang trong bữa cơm tối muộn nơi thành phố đành thiếu mất lá chanh tươi nếu như quên mua vào buổi chợ sáng vội vàng, vì không thể vài bước là ra đến mép vườn nơi có cây chanh quanh năm xanh mướt nhưng lười ra quả để thong thả hái vài ba lá đem bỏ vào cho dậy mùi thơm. 

Quê à, nói làm sao hết nỗi lòng của đứa con tha hương. Nỗi nhớ dành cho quê có thể không nặng sâu như tình con nhớ mẹ, nhưng ở chốn thăm thẳm tận cùng tâm hồn của một đứa con sinh ra và lớn lên ở quê, nỗi niềm nhớ thương vĩnh viễn ấy luôn như bông hoa rừng tỏa ra thứ hương thơm an ủi trong góc lòng, giúp gánh lo cuộc sống của những đứa con xa quê trên đường đời xa ngái vơi bớt đi một chút nhọc nhằn. 

Bùi Thu Hiền