Mỏng manh... “Cánh diều”

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:20, 23/04/2018

Giải thưởng Cánh diều 2017 đã được trao cho những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của năm, vào tối ngày 15/4/2018. Điều đáng mừng là không gian của lễ trao giải năm nay thực sự lộng lẫy - tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng với số phim dự giải khá khiêm tốn và chất lượng được cho là “thường thường bậc trung” khiến càng ngày càng cảm thấy nỗi mỏng manh của “Cánh diều”.
Tham dự Giải thưởng Cánh diều 2017 có 13 phim truyện điện ảnh, 16 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh sản xuất năm 2017. Trong đó, số phim truyện điện ảnh đăng ký tham dự, gồm: Bạn gái tôi là sếp, Giấc mơ Mỹ, Em chưa 18, Mẹ chồng, Cô gái đến từ hôm qua, Ở đây có nắng, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Sắc đẹp ngàn cân, Ngày mai Mai cưới, Đảo của dân ngụ cư, Cô Ba Sài Gòn, Yêu đi đừng sợ và Dạ cổ Hoài Lang với số phim này có thể thấy ít hơn hẳn so với các mùa giải trước và chỉ bằng 1/3 so với lượng phim ra rạp năm 2017 (39 phim). Đã thế, theo quy chế, các phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài như Yêu đi đừng sợ, Ngày mai Mai cưới, Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân không có cơ hội nhận tranh giải Cánh diều mà chỉ được dự thi giải cá nhân.

Mỏng manh... “Cánh diều”
Phim Cô Ba Sài Gòn giành giải Cánh diều Vàng 2017 hạng mục phim truyện điện ảnh.
Trước lễ trao giải, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức một buổi tọa đàm "Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2017". Đạo diễn Vũ Xuân Hưng, trưởng ban giám khảo hạng phục phim truyện điện ảnh đã nhận xét phim tham gia Cánh diều 2017 rất ít phim hoàn chỉnh. Phim còn thiếu nhân vật có sức vóc về thể chất lẫn tinh thần, thực hiện các nhiệm vụ xã hội, thể hiện triết lý sống sâu sắc… Nhiều bộ phim chủ yếu tập trung phản ánh đời sống đô thị giàu sang hoặc áp đặt câu chuyện và tình huống cho các nhân vật làm cho phim bị giả, xa rời cuộc sống. Các phim hài vẫn còn lạm dụng các yếu tố về giới tính để gây cười. 
Cũng là thành viên giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh, đạo diễn Nhuệ Giang cho rằng trong số 13 phim tranh giải năm nay, có nhiều phim còn thiếu chuyên nghiệp, trong quan niệm và vấn đề thẩm mỹ. 

Bên cạnh đó, dù có 34 phim tài liệu tham dự phản ánh đề tài đa dạng của cuộc sống và luôn tìm những cách thể hiện mới song theo đạo diễn Lương Đức, trưởng ban giám khảo phim tài liệu thì nhìn chung chất lượng giảm, đề tài không mới và đa phần phim lan man, thiếu định hướng. Riêng với hạng mục phim hoạt hình, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam lại tiếp tục “độc diễn” khi có tới 12 phim/13 phim dự thi. Chẳng thế mà đạo diễn Phương Hoa, trưởng ban giám khảo phim hoạt hình đánh giá phim hoạt hình năm nay không có đột phá trong đề tài cũng như cách thể hiện.


Mỏng manh... “Cánh diều”
Phim Thương nhớ ở anh giành giải Cánh diều Vàng 2017 hạng mục phim truyện truyền hình.
Có lẽ, trong mùa giải thưởng Cánh diều 2017 này chỉ có hạng mục phim truyền hình là có nhiều tín hiệu vui hơn cả với những bộ phim thu hút sự quan tâm của khán giả như Thương nhớ ở ai, Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử... Trong đó, phim Thương nhớ ở ai được đánh giá là bộ phim có cái nhìn sâu sắc vào đời sống của người Việt qua đề tài nhạy cảm là cải cách ruộng đất, với bối cảnh nông thôn xưa rất khó phục dựng. Còn với hai phim đình đám là Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng thì bị ban giám khảo chê là Việt hóa chưa hoàn hảo và cái kết thiếu nhân văn. 

Là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam song nhiều năm qua giải thưởng Cánh diều luôn thu hút sự quan tâm của truyền thông và dư luận. Sau vài mùa giải đầu được đánh giá cao thì dường như mấy năm qua chất lượng giải thưởng Cánh diều thêm mỏng manh. Và theo đạo diễn Nhuệ Giang, Cánh diều 2017 vẫn có "Vàng", nhưng là một Cánh diều Vàng chưa thực sự thỏa mãn. Bởi lẽ, tùy vào mỗi thời điểm, khi không có tài năng lớn, giải thưởng rơi vào cảnh huống "so bó đũa, chọn cột cờ" là điều đương nhiên. 

Hà Thanh