Xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp: Cần quyết liệt hơn

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:41, 24/04/2018

Một thực trạng diễn ra phổ biến hiện nay tại hầu hết các xã của Hà Nội là đất nông nghiệp bị lấn chiếm hoặc sử dụng không đúng mục đích, xây công trình trái phép, nhưng chưa được chính quyền cơ sở kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc xử lý dứt điểm. Vấn đề này đang gây nhức nhối trong dư luận, rất cần biện pháp quyết liệt hơn từ các cấp, ngành và địa phương liên quan.
Xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp: Cần quyết liệt hơn
Một bãi chứa vật liệu xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn xã Phương Độ (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Thái Hiền

Vi phạm nhiều, xử lý ít

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, thời gian gần đây, nhiều địa phương đã buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây công trình trái phép, chuyển nhượng trái quy định đất nông nghiệp… Có địa phương để một số tổ chức, cá nhân lấn chiếm hàng chục nghìn mét vuông đất bãi ven sông Hồng, sông Đà, sông Đuống… làm bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, như: Phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), phường Giang Biên (quận Long Biên), xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn), xã Cẩm Đình, Phương Độ (huyện Phúc Thọ), xã Đường Lâm, phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây)…

Thông qua công tác kiểm tra, rà soát của các quận, huyện, thị xã theo Kế hoạch số 122/KH-UBND của UBND thành phố ngày 1-6-2017, về “Tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng đất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố”, năm 2017 và quý I-2018, toàn thành phố có gần 46.000 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp các loại, với tổng diện tích khoảng 1.409ha…

Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm những vi phạm đạt kết quả thấp. Đến nay, theo thống kê của UBND các quận, huyện, thị xã, đối với đất nông nghiệp giao đến hộ theo Nghị định số 64/CP ngày 27-9-1993, có khoảng 7.400 trường hợp vi phạm đã bị xử lý; hơn 280ha đất nông nghiệp đã được khắc phục, đạt gần 40%. Đối với đất nông nghiệp công ích, đất công, đất chưa sử dụng do UBND cấp xã đang quản lý, sử dụng, có khoảng 4.400 vi phạm đã bị xử lý, hơn 160ha đất đã được khắc phục, đạt gần 25%…

Khảo sát thực tế của phóng viên tại nhiều địa phương cho thấy, những vi phạm chưa được xử lý dứt điểm đa phần là công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích lớn, tồn tại từ năm 2016 trở về trước. Tại huyện Quốc Oai, điển hình là trường hợp ông Vương Trí Quý ở xã Cộng Hòa xây dựng tường bao quanh thửa đất nông nghiệp tại bãi Âm Sa Dài và xây dựng các công trình trái phép với tổng diện tích 832m2 từ năm 2015-2016, sau đó cho thuê để kinh doanh karaoke. Hay như tại địa bàn xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) tồn tại hơn chục trường hợp xây nhà, xưởng trên đất nông nghiệp với diện tích từ hơn 110m2 đến 1.274m2. Trường hợp ông Nguyễn Duy Toản ở xã Viên An (huyện Ứng Hòa), xây hàng loạt chuồng trại chăn nuôi trên hành lang thoát lũ sông Đáy, trên cơ kè, thậm chí phá cả mái kè Viên Ngoại để trồng cây... Song, tất cả vi phạm nêu trên đều chưa bị xử lý dứt điểm. 

Còn tại các xã: Xuân Thu, Kim Lũ (huyện Sóc Sơn), theo Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn Đào Văn Sửu, đã có nhiều vi phạm bị xử lý, nhưng do chính quyền sở tại thiếu kiên quyết, nên những công trình nhà, xưởng lợp mái tôn, móng, tường rào xây trên đất nông nghiệp vẫn mọc lên nhan nhản…

Cần phối hợp đồng bộ

Xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp: Cần quyết liệt hơn
Trên những thửa đất nông nghiệp ven tỉnh lộ 16, đoạn qua thôn Thu Thủy (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) “mọc” lên nhiều nhà xưởng.

Bên cạnh những khó khăn do người dân lợi dụng dịp nghỉ lễ, Tết... hoặc cố tình vi phạm, thì việc thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng khiến tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng. Đơn cử, tại xã Xuân Thu, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo xử lý dứt điểm một số trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp ở thôn Thu Thủy trong tháng 12-2017, nhưng đến nay xã vẫn chưa xây dựng được kế hoạch cưỡng chế… UBND huyện Sóc Sơn đã xử lý kỷ luật, đình chỉ một số nhiệm vụ đối với Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND, cán bộ địa chính các xã, thị trấn: Sóc Sơn, Phú Minh, Xuân Thu, Kim Lũ, Phù Lỗ... và yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm những vi phạm này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, vấn đề mấu chốt vẫn là chính quyền cấp xã cần nêu cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý ngay, không để vi phạm có cơ hội tiếp diễn; không né tránh, đùn đẩy việc xử lý lên cấp huyện hoặc các cơ quan chức năng...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những vi phạm trên đất nông nghiệp chưa bị xử lý dứt điểm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: “Sở tiếp tục thống kê, rà soát các trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, từ đó phân loại, phân dạng vi phạm để kiến nghị UBND thành phố áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp. Những vi phạm sẽ được giao cụ thể cho từng cấp, từng ngành để xử lý ngay hoặc tiến hành thanh tra; đồng thời làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 14-1-2014 về “Tăng cường công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố”.

Mặc dù thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng nếu các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương không có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý đất đai nói chung; kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm lĩnh vực đất đai nói riêng; hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thì tình trạng "vi phạm nhiều, xử lý chẳng được bao nhiêu" sẽ tiếp tục kéo dài và gây hệ lụy khôn lường...

Theo thống kê sơ bộ, tính đến nay, toàn thành phố còn gần 20.000 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp được giao đến hộ dân theo Nghị định 64/CP, với diện tích khoảng 460ha; hơn 13.000 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp công ích, đất công, đất chưa sử dụng do UBND cấp xã đang quản lý, với diện tích gần 500ha...

Ánh Dương/HNM