“Nhớ về Yên Mạc mồng mười tháng ba”

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:49, 26/04/2018

Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ về Yên Mạc mồng mười tháng ba (Ca dao)
“Nhớ về Yên Mạc mồng mười tháng ba”
Hội làng Hát Môn (Phú Thọ) cũng hết sức độc đáo với tục rước bánh trôi.
Xã Liên Mạc, huyện Mê Linh cách trung tâm Hà Nội 30km gồm 3 thôn: Xa Mạc, Yên Mạc và Bồng Mạc.

Ba làng Mạc (Liên Mạc) như hình con tuấn mã đang tung vó câu trên đường thiên lý. Xa Mạc là cái đầu và bờm tuấn mã cất cao. Vì thế, người Xa Mạc có tính cách mạnh mẽ và nơi có nhiều ông đồ hay chữ và hát ví. Yên Mạc là phần lưng con tuấn mã, nơi thắng yên cương nên hưởng phần vững bền, yên ả. Còn Bồng Mạc, nơi vó hậu đã tạo cho người dân ở đây tính bộc trực “thẳng ruột ngựa”. Đất này, đất hương đảng, đất làm quan. Dân Bồng còn nổi tiếng về tính cơ chỉ làm ăn.

Một dòng suy nghĩ khác thiên về địa lý: Yên là nơi đất trũng, nước thường từ Xa, từ Bồng dồn chảy về Yên. Vì thế, thời nào cũng vậy, Yên luôn được yên ổn làm ăn.

Yên Mạc trước năm 1915 thuộc tổng Xa Mạc, phủ Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên, năm 1950 thuộc Vĩnh Phúc, năm 1968 thuộc Vĩnh Phú, năm 1977 thuộc Hà Nội, năm 1999 thuộc Vĩnh Phúc và từ năm 2008 lại trở về Hà Nội.

Đình làng thờ các vị thần như Quí Minh (thời Hùng Duệ Vương), Ả Nang Ả Nương (thời Hai Bà Trưng), Lý Nhã Lang (Cối Kê Đại Vương) và thờ Vương Hính, Tạ Thị Long, Đệ nhất Lộc Ni, đệ nhị Cội Cúc…

Câu đối ghi:

Cửu thần tự triều vang tự quốc
Uy trừ tô tặc đức ư danh

Ý nói 9 vị thần có tiếng vang cùng đất nước. Uy danh trừ giặc để lại công đức mãi cho đời sau. Dân làng kiêng gọi Minh là Miêng.

Truyền thuyết kể: Cao Sơn và Quý Minh là hai anh em sinh đôi ở trang Thanh Uyên (Phú Thọ). Cả hai đều khôi ngô, tuấn tú và có mưu trí, bắt cọp săn hươu đều giỏi lại tự đặt ra các môn võ nghệ. Dân trong vùng đều mến phục. Một hôm, Tản Viên đi săn qua đó gặp hai người đang dồn con cọp lớn mà đánh. Tản Viên mời hai người lại hỏi chuyện, trong lòng yêu mến liên kết làm anh em.

Hùng Vương thứ 18 tức Hùng Duệ Vương tuổi già không có con trai nên có ý định truyền ngôi cho con rể là Tản Viên (tức Sơn Tinh, chồng của Ngọc Hoa công chúa). Khi có loạn, tin cấp báo gửi về, Hùng Vương lo sợ cho gọi Tản Viên về triều hỏi mưu kế. Tản Viên lĩnh mệnh cầm quân cho mời Cao Sơn và Quý Minh cùng đi đánh trận.

Cao Sơn và Quý Minh về trang Thanh Uyên chiêu mộ quân sĩ, sắm sửa khí giới, lương thực, dạy quân làm bánh dày, xôi nén, mổ lợn ướp muối mang theo. Nhân dân cũng làm bánh dày, xôi nén, mổ lợn khao quân nhưng không kịp ăn vì lúc đó có lệnh của Tản Viên cấp tốc lên đường, quân vừa đủ vừa đón lấy những thứ quà nhân dân tặng.

Đến Xuân Quang, dân làng dắt trâu ra rừng, quân sĩ lấy dây thiếu đem từ Thanh Uyên (dây đã tết sẵn) để buộc trâu rồi mổ, lột da căng lên làm nồi nấu, bày thịt lên mâm làm bằng tre ghép vòng tròn ăn vội vàng rồi lại kéo quân đi ngay (loại mâm này tới nay dân địa phương vùng Vĩnh Phúc vẫn còn làm). Sợi dây thiếu làm thành thừng ở thuyền chài cũng bắt nguồn từ xa xưa ấy.
Thế giặc rất mạnh, Tản Viên bị bao vây bốn mặt. Cao Sơn và Quý Minh quyết tâm phá vòng vây, lập nhiều công lớn. Cao Sơn được phong làm Hữu Tướng quân, Quý Minh được phong làm Tả Tướng quân ở trên hàng các tướng cùng lo tính việc phòng bị đất nước. Tản Viên tên Nguyễn Tuấn, tài đức song toàn, được Hùng Duệ Vương quý mến nên ba lần định truyền ngôi cho nhưng Tản Viên đều từ chối vì là con rể, sợ ngôi vua sang họ khác, triều thần và nhân dân không phục, do đó ngôi vua nhường lại cho An Dương Vương.

Cao Sơn và Quý Minh nhiều lần tham gia chiến trận, có lần vợ Cao Sơn là Đàm Hoa cũng đem quân giúp sức khiến cho quân địch đại bại góp phần công lao làm cho đất nước yên bình trong đời Hùng Vương 18 và mãi mãi về sau. Người đã hiển Thánh cứu dân, giúp nước. Cao Sơn và Quý Minh (là Nguyễn Hiền và Nguyễn Sùng), anh em kết nghĩa và là trợ thủ của Tản Viên… Nhiều nơi thờ vọng, trong đó có đình Yên Mạc.

Trước đây do chiến tranh và thiên nhiên, di tích đã xuống cấp nhiều. Từ năm Canh Thìn (2000) và đặc biệt năm Nhâm Ngọ (2002) được nâng cấp nhiều hạng mục như tôn sân, nền, chín bậc lên xuống, xây tường bao quanh, đảo ngói, kè ao, trồng vườn hoa cây cảnh, có hàng cây cau vua từ đất Tổ Hùng Vương. Đình làm theo hướng Đông Nam có bảy gian và một hậu cung, năm cửa thông thoáng. Tường đình phía ngoài đắp nổi linh vật voi, ngựa, phía trên cao là trụ biểu có hổ phù, rồng chầu mặt trời, mây tia mũi mác.

Trong năm, làng mở hội vào ngày 10/3 và ngày 10/11, chính hội trùng dịp Giỗ Tổ các Vua Hùng. Ngày 9/3 làm lễ nhập tịch, ngày 10/3 rước kiệu, tế thần, có tiệc bánh trôi do 5 giáp Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung dân cúng. Ngày 11/3 lễ tạ. Vào năm Đại hội, năm năm một lần có mời cha anh từ Thanh Điềm (xã Tiến Thịnh) sang dự. Theo già làng kể, xưa kia dân làng Thanh Điềm đã hỗ trợ dân làng Yên Mạc trong việc chở bè gỗ từ sông Hồng qua Vạn Yên, theo sông Cà Lồ về để dựng đình. Sau đó những lúc mất mùa, hỏa hoạn, trộm cướp, cả hai làng đều cử trai tráng tuần đinh sang giúp đỡ nhau bảo vệ định chùa, nhà cửa, ruộng nương, hoa màu…

Lệ quy ước trước ngày hội, cha anh Thanh Điềm mang trầu, cau, vàng, hương tới miếu xóm Trại (Bồng Mạc) đợi. Từ mờ sáng, cha em mang lọng dù, đi bộ khoảng nửa cây số rước đón cha anh về đình làng nhập hội dự tiệc làng. Đoàn rước xưa rầm rộ với cờ thần, bát âm, long đình, hai kiệu thánh, quan viên, chức sắc và dân làng. Một kiệu do 16 chàng trai áo nâu đỏ, váy đỏ, khăn đỏ. Một kiệu do 16 cô gái cũng áo nâu đỏ, váy đỏ… Theo nhịp trống dồn dập, nhịp chiêng thôi thúc, nhịp thanh la não bạt âm vang, đoàn rước vượt quãng đường gần một cây số từ đình qua chùa tới miếu Bà ở phía Tây đầu làng thì dừng để lấy nước giếng về bài ban mộc dục và cúng thánh bốn mùa. Vào dịp hội mồng 10 tháng ba, cả làng nhộn nhịp chày giã bật làm bánh trôi. Năm giáp xưa (nay là 2 xóm và 1 trại) sửa mâm lễ có xôi trắng, thủ lợn, hoa quả, vàng hương, oản, kẹo, 9 đĩa bánh trôi… để dâng Thành hoàng. Lệ làng không ăn tiệc bánh trôi vào ngày mồng 3 tháng ba như nhiều làng quê khác mà chỉ dịp mồng 10 tháng ba sau khi cúng Thánh và tổ tiên… Bất kể người lạ người quen dịp này về làng đều được mời mọc ân cần rồi còn được gói khước bánh trôi về làm quà. Bánh trôi làng Yên Mạc ngon, dẻo, thơm hơn mua ở hàng quán. Hỏi các gia đình, ta mới rõ cách chế biến, phải chọn mua nếp hoa vàng ở ruộng những gia đình có kinh nghiệm gieo trồng. Gạo nhặt kỹ không xát hạt gẫy, hạt đầu ruồi. Gạo được đổ ra chậu, đãi sạch rồi để cho ráo nước. Ba giờ sau đem giã trong cối đá. Cối và chày đều rửa lau sạch, để khô. Gạo giã từ lượt 1 đến lượt 5. Phần ngọn ở lượt 3,4 để làm bánh dâng Thánh. Gạo ngâm ủ có một đêm, hôm sau rảy nước cho vừa độ dẻo, rồi giã cho mềm, cho mịn, cho trắng. Sau đó bắt ra mâm, nặn bánh tròn tổng đều đặn như quả táo ta. Khi luộc, lửa không to quá, không nhỏ quá. Phải “ba chìm, bảy nổi” mới dùng vợt vớt ra đĩa, sắp vào mâm lễ rồi đội ra đình làng.

Dự hội làng Yên Mạc, huyện Mê Linh và được mời tiệc bánh trôi, ta nhớ tiệc Bình Đà (huyện Thanh Oai) và Hát Môn (huyện Phúc Thọ). Tục cúng bánh trôi là tục lễ tốt đẹp có từ lâu đời. Phải chăng, đó là lễ nghi nông nghiệp, có ánh xạ từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhắc nhở cháu con nhớ về dòng dõi cha Rồng mẹ Tiên, nơi đất tổ Phong Châu cội nguồn của bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. 

Văn Hậu