Nguyễn Hòa Bình: Một tập thơ và một bài thơ
Truyện - Ngày đăng : 08:52, 26/04/2018
Nhà thơ Nguyễn Hòa Bình (sinh 1953 tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, nhưng sống và làm việc gắn bó nhiều năm với Hà Nội), từng tham gia quân ngũ (1972-1976), từng công tác tại báo An ninh Thủ đô, Hà Nội mới. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam. Ngoài thơ in chung trong các tuyển tập, anh là chủ nhân của ba tập thơ Tìm về (1998), Hỏi mình (2004) và Lửa than (2018).
Tập thơ Lửa than (gồm 54 bài) của nhà thơ Nguyễn Hòa Bình mới “ra lò” đã nhận được sự đồng cảm của độc giả. Đặc biệt hơn cả, trong tập có bài thơ Về với Quan Sơn, viết nhân chuyến thực tế tại một huyện miền núi Thanh Hóa, đã được trang trọng chọn in vào Sổ tay Đảng viên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Huyện ủy Quan Sơn (Nhà xuất bản Thanh Hóa, 2018). Ngoài những nội dung quan trọng thường thấy của một Sổ tay Đảng viên, bài thơ Về với Quan Sơn được coi như một tài liệu học tập của hơn 3000 Đảng viên trong một Đảng bộ lớn. Thiết nghĩ, đó là sự đánh giá cao công tác tư tưởng – văn hóa bằng văn học nghệ thuật, cụ thể hơn là văn chương/ thơ ca.
Lửa than, tên bài thơ được dùng đặt tên cho cả tập thơ gợi mở cảm hứng về sự sống. Lửa, với Nguyễn Hòa Bình là “Ta nhận về mình cực nhọc/ Ta nhận về mình cay đắng thời gian/ Ủ thành than/ Mơ cháy”. Đọc những câu thơ này độc giả cảm nhận được cái ý tứ sâu xa – trước khi hóa thành ngọn lửa hãy ủ kỹ, ủ từ than hừng hực nóng, từ sức nóng vô biên đó mới có thể “mơ cháy”. Ai sống trên đời mà chẳng mơ mình cháy lên thành ngọn lửa. Nhưng nếu không được chuẩn bị kỹ càng thì biết đâu là lửa rơm, bùng phát, bốc cao, nhưng chóng lụi tàn. Ngọn lửa sống tất nhiên phải xuất phát từ chính giữa cuộc đời, dẫu cho giữa dòng trong – đục. Nếu không từ ngọn nguồn đời sống thì chỉ có thể bùng lên lửa than như câu thơ kết “Từ trong hư ảnh có bùng lửa than?”. Lửa than là một bài thơ đậm chất triết lý. Nhưng may mắn không rơi vào “triết lý vặt” đang nhan nhản trong văn chương/ thơ ca hôm nay khi tác giả của nó còn tỏ ra hết sức non nớt, khi chưa sống đến độ, khi còn vội làm dáng, điệu đà.
Thời gian “chiều” là một cảm hứng xuyên suốt tập thơ. Trong số bạn bè văn chương Hà Nội, Nguyễn Hòa Bình được “phong” cho một cái tên đặc trưng – Bình Chiều. Vì sao? Vì thơ anh tràn ngập cảm thức thời gian chiều trong sự tuần hoàn của một ngày hai tư giờ, rộng ra là sự tuần hoàn của vũ trụ. Có người thì cảm xúc nghiêng về ban mai. Có người thì ban trưa (chính ngọ), có người thì buổi tối. Tôi “đếm” được 36 từ “chiều” trong tập Lửa than. Chiều là một “thời gian nghệ thuật” trong thơ Nguyễn Hòa Bình. Nhưng “chiều” thật đa dạng, phong phú về màu sắc, âm thanh, đường nét, mùi vị, cảm xúc qua những câu thơ: Chiều sập xuống có gì hoang vu quá/ Thì vẫn biết, ngày sẽ chiều sập xuống/ Cái màu chiều bối rối/ Quán bia chiều/ Chiều đùng đục lạnh tanh hơn nước lã/ Chiều rơi một tiếng ru gày/ Chiều gày, tiếng mẹ lưng trời/ Chiều trôi dạt ngộp trong từng nhịp thở/ Nghe chiều chợt trở heo may/ Thì chiều nay cùng biển, cạn với mình/ Phố chiều luễnh loãng màu sương khói/ Phố chiều ngai ngái mùi cỏ mật/ Phố chiều xao xác lời gió trách/ Một Sùng Ân Tự ngân nga chuông chiều/ Tìm chiều trong chút heo may/ Sông Lò chảy vắt ngang chiều Thanh Hóa/ Bản Cột Mốc, trung thu, nghe chiều gọi/ Một chiều trăn trở Lạng Sơn/ Cho chiều nay ta bên em/ Chảy cùng day dứt vấn vương một...chiều/ Bóng lau ngả che khuất chiều Tây Bắc/ Cái màu chiều xanh đến rối lòng nhau/ Ai giữ lại chút màu chiều của gió/ Thành một chiều Soài Rạp nắng và... em/ Chỉ có chiều tím dại đến hoang vu... Nếu nói lý thuyết thì đấy chính là “thi pháp” thơ Nguyễn Hòa Bình khi nhà thơ nghiêng cảm xúc về thời gian sống, thời gian yêu. Và hơn thế, cái trực giác/ trực cảm trong thơ Nguyễn Hòa Bình rất mạnh, đậm, lan tỏa, chí cốt không kém phần lý tính. Đó là một sự cân đối, hài hòa của thơ dẫu là viết về thế sự hay tình yêu. Đọc thơ Nguyễn Hòa Bình, nhất là cảm xúc về thời gian “chiều”, thấy thơ này đã được “ủ” kỹ, tưới tắm kỹ, và khi chưng cất thành câu chữ thì có cái cảm giác mỗi lần đọc là “chầm chậm tới mình”. Thơ Nguyễn Hòa Bình vì thế phù hợp với người có tuổi, sống chậm, thích suy tư, với người trải nghiệm, đặc biệt trải nghiệm văn hóa.
Về với Quan Sơn là một bài thơ hay và ngắn (chỉ có 4 khổ, 16 dòng). Để biết vì sao nó được đưa vào Sổ tay Đảng viên của Đảng bộ huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), thiết nghĩ tốt nhất mời quý độc giả thưởng thức toàn văn:
Sông Lò chảy vắt ngang chiều Thanh Hóa,
Có lẽ nào không về với Quan Sơn.
Ta tìm lại Na Mèo phiên chợ ấy,
Mắt ai cười nghiêng ngả cả hoàng hôn.
Tìm Pha Dua truyện tình cũ say hơn,
Mường Xia nhắc tháng ba mùa lễ hội.
Màu áo cóm sáng bừng trời biên giới,
Bay bồng bềnh trong muôn nhịp xòe hoa.
Bay bồng bềnh trong khung cửi em ta,
Sơn Thủy gọi nồng nàn men rượu lá.
Pa pỉnh tộp (*) ai làm sao khéo quá,
Để nao lòng người và đất Quan Sơn.
Thì một lần qua Bo Cúng đi em,
Trong man mác hương rừng và hương núi.
Ngỡ ngàng quá cái cách em qua suối,
Gái Thái mà... anh chưa biết đâu anh!
Bài thơ có một chú thích nhỏ, tuy nhiên không làm rối độc giả (pa pỉnh tộp là món cá suối nướng lật úp, được coi là món ẩm thực cổ truyền của người Thái). Phải nói ngay rằng bài thơ đã hiển hiện cái trạng thái tình cảm người ta vẫn thường gọi là “phải lòng đất nước”, ở đây là phải lòng cảnh và tình một vùng đất đặc biệt - Quan Sơn, Thanh Hóa. Không gian sống ở đây còn giữ được cái trinh nguyên của tự nhiên, nó khác xa cái ồn ào, xô bồ của phố thị. Ở đây có những phiên chợ vùng cao với đặc sản của một vùng quê có thể tìm thấy ở đó những “ánh mắt cười nghiêng ngả cả hoàng hôn”, ở đó vẫn còn giữ nguyên được “màu áo cốm sáng bừng trời biên giới” và còn nguyên vẹn những cổ truyền ẩm thực “pa pỉnh tộp ai làm sao khéo quá”. Nghĩa là nếu ai muốn trở về với tự nhiên, đôi lúc còn nguyên sơ và hoang dã, thì hãy đến miền đất này. Nghĩa là, ở Quan Sơn bạn có thể thư thả, ung dung hòa mình vào trời đất, sản vật, tình người. Nhưng đẹp nhất, ấn tượng nhất vẫn là “ngỡ ngàng quá cái cách em qua suối”. Không nói thì với ai dù chỉ một lần nhìn các cô gái Thái qua suối, sẽ bị thôi miên. Cái cách mà các cô gái vùng sơn cước tự hào “gái Thái mà... anh chưa biết đâu anh!” là gì vậy? Xin phái mày râu cứ tha hồ phát huy trí tưởng tượng nhưng đừng có... tưởng bở! Nhà văn Nga I. Erenbua có một câu tôi ghi vào sổ tay văn học cách nay đã 50 năm, giờ đọc lại vẫn thấy như mới được viết, đại ý, lòng yêu nước phải được bắt đầu từ lòng yêu gia đình, người ruột thịt, quê hương làng xóm; lòng yêu từ dòng suối nhỏ đổ ra sông, nhập vào dòng sông lớn, rồi đổ ra biển cả. Không có lòng yêu nước trừu tượng, thậm chí huyễn hoặc, hoang đường.
Trở lại câu hỏi vì sao bài thơ Về với Quan Sơn của Nguyễn Hòa Bình lại được đưa vào Sổ tay Đảng viên của một Đảng bộ lớn ở Thanh Hóa? Như chúng ta biết, công tác tư tưởng - văn hóa lâu nay thường xuyên được tiến hành không chỉ với đảng viên, cán bộ có vị trí lãnh đạo từ thấp đến cao, mà quan trọng hơn với quảng đại quần chúng. Cái nhan đề bài thơ Về với Quan Sơn, riêng tôi chú ý nhiều đến chữ “về”. Người Việt Nam thường hay nói “về nhà”, “về quê”, “về nước”, “về nguồn”,... nó khác với chữ “đi” – đi học, đi làm, đi nước ngoài, đi xa... Đây là hai động hướng khác nhau trong đời người. Đi thì xa, về thì gần, trong tiếng Việt thân thương nghĩa của mỗi từ hàm súc đến tận cùng. Về là chân tủy của tình cảm. Đi là thôi thúc của lý trí (đi tới, đi lên, đi xuyên văn hóa). Nhà thơ Đồng Đức Bốn có bài thơ hay Ta về với mẹ ta thôi. Nghĩa là khi nào ta “về” chính là lúc ta trở lại cội rễ, trở lại những gì căn cốt nhất của con người. Trong các phương pháp giáo dục thì giáo dục bằng nghệ thuật là hữu dụng, linh nghiệm nhất.
Nguyễn Hòa Bình là người lính trở về nhà sau chiến tranh cũng do số phận đã mỉm cười với anh. Một đồng đội đã hy sinh trong vòng tay anh trong chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975, tại mặt trận Buôn Ma Thuột. Một người mãi mãi không trở về nhà. Một người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần chiến tranh trở về nhà. Tiếp tục học hành theo nguyện vọng. Tốt nghiệp ngành Hán Nôm khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học văn nhưng làm báo. Đấy chính là anh trở về với sự lựa chọn có vẻ ngẫu nhiên nhưng tất nhiên. Nghề báo nhưng nghiệp văn. Ấy cũng là duyên nghiệp đưa anh về với căn tính của mình. Vậy nên nói vui “Bình Chiều” đến tận hôm nay đã thành “Bình Về” - về đúng nơi mong muốn từ thuở nhỏ - về với thi ca.