Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược: Nhận diện tố chất cần và đủ

Tin tức - Ngày đăng : 13:01, 01/05/2018

Có người lầm tưởng người lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ càng cao, quyền hành càng lớn thì uy tín cũng lớn. Không có uy tín thì người lãnh đạo không thể quản lý tốt được.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là đội ngũ nắm giữ trọng trách trong toàn bộ bộ máy của hệ thống chính trị, trên tất cả các phương diện của đời sống kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của quốc gia. Nói một cách hình ảnh, đây là những “người gác đền” của “ngôi đền thiêng liêng” của Đảng, của quốc gia.

Vì vậy, dù làm công tác lãnh đạo hay quản lý, người cán bộ cấp chiến lược phải thể hiện mình trước hết tối thiểu là: Người có tầm nhìn chiến lược quốc gia; Người có khả năng định chế tư tưởng, kế sách và quyết định vấn đề chiến lược quốc gia; Người có hành động mang tầm quốc gia; “khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn. Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”. Một nhà chính trị, một nhà văn hóa trọn vẹn mang tầm vóc quốc gia, theo mục tiêu của chiến lược; Người trở thành biểu tượng quốc gia.
Dám chịu trách nhiệm và biết hy sinh
Với vị thế và chức năng như vậy, người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược, cần có những tố chất chuyên biệt phù hợp với yêu cầu và tương xứng với đòi hỏi của tiến trình lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Xuất phát từ yêu cầu và trọng trách phát triển quốc gia trên lộ trình công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, có thể hình dung hệ tố chất của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược có mấy nhân tố chung nhất.
Đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, trước hết là, sự trung thành, mẫn cán và sáng tạo. Thứ hai là sự trong sáng và không vụ lợi. Thứ ba là dám chịu trách nhiệm và biết hy sinh. Thứ tư là trung thực, thành tín và không xu thời. Thứ năm là tự biết xấu hổ với chính mình, vì nói như người xưa: Không biết xấu hổ thì không thành người được. Thứ sáu là tự biết giấu mình, tức không ba hoa, khoe khoang, hợm hĩnh. Thứ bảy có tinh thần kỷ luật và giữ nghiêm kỷ luật.
Về năng lực trí tuệ, trước hết, cần có sự nhạy cảm, có tầm nhìn chính trị chiến lược, khả năng tiên lượng hợp quy luật và hợp lòng dân. Thứ hai, cần có tầm nhìn xa trông rộng đồng thời có khả năng định chế thiết thực và tính khả thi cao. Thứ ba, có óc thực tế và tính quyền biến, mềm dẻo. Thứ tư, phải vừa bao quát vừa sâu sát, cụ thể hay nói cách khác vừa có óc chiến lược vừa có khả năng ứng phó sách lược an toàn và hiệu qủa. Thứ năm, kiến thức phải vừa rộng lại phải vừa sâu về lĩnh vực mình đảm trách. Thứ sáu, vừa đột phá vừa thận trọng vừa quyết đoán trên nền một sức bật chuyên môn hùng hậu, một nền tảng văn hoá chính trị phong phú và dày dạn. Thứ bảy, năng lực ra quyết định.
Người lãnh đạo quản lý phải có phương pháp vừa khái quát vừa cụ thể. Phải có gan nghĩ việc, có gan quyết đoán, có gan làm việc và có gan chịu trách nhiệm trước tập thể, trước cấp trên và trước toàn xã hội. Thứ hai về phong cách, mềm dẻo về hành xử nhưng cứng cỏi trong biện luận, thuyết phục. Nghe tất cả, nhìn tất cả nhưng quyết sách phải độc lập, trên cơ sở thâu thái ý kiến tập thể và nhân dân. Phải chủ động trước mọi sức ép để thực hiện một cách linh hoạt và sáng tạo. Bao quát nhưng không hời hợt.
Đó là những nhân tố cần, có tính chất chung nhất đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược nói chung, cấp chiến lược nói riêng. Bởi lẽ, họ chính là người đại diện cho Đảng, cho Nhà nước bảo đảm cho chủ trương, đường lối của Đảng được thực hiện thông qua bộ máy của Nhà nước và hệ thống chính trị; là người thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực của Nhà nước trên thực tế; và là một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển của đất nước.
Vì vậy, phẩm chất và rèn luyện để có phẩm chất là riêng là vấn đề có tầm quan trọng hết sức đặc biệt. Nó là một nhân tố cơ bản nhất để tạo nên người cán bộ, quyết định sự thành hay bại, uy tín cao hay thấp của người cán bộ trong công tác và trong cuộc sống hằng ngày của họ. Phẩm chất của họ đạt tới mức độ nào thì việc bảo đảm sự thực hiện đường lối của Đảng, phát huy sức mạnh của Nhà nước và việc thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, khả năng làm việc và uy tín đạo đức của người đứng đầu ở mức độ đó.
Đừng lầm tưởng chức vụ càng cao, uy tín càng lớn
Những tố chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược yêu cầu trước hết là phẩm chất chính trị - tư tưởng. Đây là phẩm chất hàng đầu, cơ bản nhất. Bởi, thiếu nó thì không thể nói tới việc định hướng về lý tưởng, về khả năng  nhận thức đúng đắn và phấn đấu có hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, càng không thể nói đến việc nghiên cứu, xem xét những đường lối, chủ trương và chính sách đó với tính cách là điểm xuất phát, bao trùm và quán xuyến toàn bộ những hoạt động của mình.
Nhân tố không thể đứng hàng thứ hai là nhân cách. Nó thể hiện trước hết trên phương diện tiềm năng trí lực và văn hoá. Đó là trình độ văn hoá tổng hợp rộng lớn đủ để nắm vững và làm chủ sự phát triển phức tạp, đa dạng của xã hội. Đó cũng là trình độ chuyên môn của công tác lãnh đạo, của khoa học quản lý, trong đó tiêu chuẩn hàng đầu là năng lực  khám phá, hiểu biết về con người và tâm lý con người, về các phương pháp làm việc phù hợp với mọi người, từ đó, xây dựng một tập thể hoạt động có mục tiêu rõ ràng và tiềm lực sáng tạo cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Phải biết đoàn kết với những người ngoài Đảng, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng lao động.
Thứ ba là, phong cách công tác. Nó bao hàm: tính nguyên tắc sự tinh tế nhạy bén; sự chú ý đến mọi người, quan tâm tới những yêu cầu cần thiết hằng  ngày của tập thể và từng cán bộ, bảo đảm sức khoẻ và khả năng làm việc của họ; tính khiêm tốn và thái độ nghiêm khắc đối với tất cả những thiếu sót của bản thân mình, song cũng phải rất độ lượng với những khuyết điểm của cấp dưới và quần chúng…
Uy tín của người lãnh đạo quản lý là một trong những điều kiện có tính chất quyết định. Bởi vì, không có uy tín thì người lãnh đạo, quản lý không thể lãnh đạo được tốt, nếu không nói là không thể lãnh đạo, quản lý được gì. Có người lầm tưởng người lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ càng cao, quyền hành càng lớn thì uy tín cũng lớn. Theo ý nghĩa  nào đó, có  thể  hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín thực chất là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Thực tế cho thấy, uy tín của người lãnh đạo, quản lý phải được hình thành trên cơ sở của chính phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và phẩm chất trí tuệ của người đó.
Năng lực lãnh đạo, quản lý giữ vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không nói là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định. V.I. Lenin nói, ngoài những điểm cần phải có như niềm tin, lòng trung thành, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm…, cần phải có trình độ nghiệp vụ nữa. Điểm sau cùng này là hết  sức quan trọng, vì không có khả năng am hiểm công việc, không thành thạo chuyên môn thì “không thể lãnh đạo được”.

VOV