Đường Nguyễn Trãi, thuộc quận Đống Đa và quận Thanh Xuân, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:36, 04/05/2018
Đường Nguyễn Trãi dài 2.170m, rộng 40m.
Nay là phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, các phường Thượng Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân. Đường này qua khu công nghiệp Thượng Đình và nhiều xí nghiệp, nhà máy lớn trước đây.
Tên đường được đặt năm 1980.
Đường này đã có từ lâu đời, là đoạn đầu của con đường thượng đạo, một con đường giao thông quan trọng có từ thời Lý - Trần. Thời kỳ này, nối Thăng Long với các trấn phía Nam có hai con đường: một là đường thượng đạo còn gọi là đường lai kinh. Đường này có đoạn là đường Nguyễn Trãi ngày nay, rồi theo quốc lộ số 6 đến Chúc Sơn rẽ sang quốc lộ 21B, vượt sông Yên Duyệt, sang quốc lộ 21A, qua Nho Quan vào vùng đồi núi phía tây Thanh Hóa.
Ngày ấy đường không thẳng như ngày nay, cụ thể là ở đoạn đầu đường Nguyễn Trãi nay, cầu bắc ngang sông Tô Lịch không phải là Cầu Mới bây giờ mà là cầu Nhân Mục hay còn gọi là Cống Mọc, cách Cầu Mới khoảng 300 mét về phía bắc. Chính ở đây đã diễn ra hai trận chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn hồi thế kỷ XV.
Tháng 10 năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn vây thành Đông Quan (Hà Nội). Ngày 20, tướng Minh là Viên Lượng đem quân ra giải vây. Quân ta do Lý Triện và Đỗ Bí chủ huy đã mai phục ở cầu Nhân Mục. Đợi giặc sang hết bên kia cầu, quân ta đổ ra đánh, tiêu diệt trên một nghìn tên bắt sống Viên Lượng.
Nửa tháng sau, nghĩa quân Lam Sơn lại đánh thắng quân Minh trận nữa tại đây: đầu tháng 11/1946, Vương Thông sang giữ chức Tổng binh (tổng chỉ huy quân xâm lược nhà Minh). Hắn muốn giành thế chủ động trên chiến trường nên sai Sơn Thọ, Mã Kỳ đem quân đánh nống ra vùng Bình Đà hạ trại thì tới buổi chiều, quân ta do Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ huy ập tới, nhử giặc về phía Ba La (gần Hà Đông) để quân mai phục đổ ra đánh. Giặc chết tới hàng ngàn tên. Bọn sống sót chạy về Đông Quan. Nghĩa quân truy kích đến tận cầu Nhân Mục, tiêu diệt thêm một số và bắt sống năm trăm tên tại cầu này.
Nguyễn Trãi (1380-1442) hiệu là Ức Trai, con đầu của Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái (con gái Tư đồ Trần Nguyên Đán). Quê gốc ở làng Chi Ngại nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau này mới dời về ở tại làng Nhị Khê, huyện Thường Tín - Hà Nội ngày nay.
Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) năm 1400 đời Hồ Quý Ly. Sau đó có ra làm quan cùng triều với cha. Năm 1407, quân Minh xâm lược nước ta. Nhà Hồ mất. Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi theo cha đến ải Nam Quan rồi trở về tìm cách cứu nước. Có thể là ông bị địch giam lỏng ở Đông Quan (Hà Nội ngày nay). Mãi đến khoảng 1415 ông mới trốn thoát, tìm tới Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa, dần dần trở thành người cộng sự xuất sắc nhất của Lê Lợi.
Năm 1927, sau khi đánh đuổi được quân Minh, ông thay Lê Lợi thảo Báo cáo bình Ngô có tính chất một bản Tuyên ngôn độc lập. Sau đó ông đã tích cự góp phần xây dựng đất nước về mọi phương diện chính trị, văn hóa, xã hội... Nhưng rồi triều đình chia bè phái, dèm pha lẫn nhau. Ông về nghỉ ở Côn Sơn, gần làng Chi Ngại quê gốc đồng thời là nơi ẩn dật cũ của ông ngoại.
Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông ra giúp nước. Ông vâng theo. Nhưng 2 năm sau, Thái Tông nhân đi duyệt binh ở Chí Linh, vua có ghé qua Côn Sơn thăm ông và khi trở về, nhà vua nghỉ đem tại Vườn Vải (Lệ chi viên thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Ai ngờ ngay đêm ấy Thái Tông qua đời, bên cạnh có bà Nguyễn Thị Lộ là người thiếp của Nguyễn Trãi. Thế là bọn quyền thần vốn ghen ghét Nguyễn Trãi liền khép ông vào tội giết vua và đem tru di ba họ.
Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, một nhà quân sự thiên tài, đồng thời là một nhà văn hóa uyên bác, một nhà thơ, một nghệ sĩ lỗi lạc. Ông để lại nhiều tác phẩm viết về chính trị, lịch sự, địa lý cùng nhiều thơ văn chữ Hán, chữ Nôm... có giá trị về nội dung tư tưởng cũng như về nghệ thuật.