Mô hình chăn nuôi theo chuỗi: Khó nhân rộng
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:52, 05/05/2018
Chăn nuôi theo chuỗi giá trị là mô hình có nhiều tác động tích cực, tuy nhiên việc mở rộng chuỗi chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội vẫn gặp nhiều trở ngại.
Ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên, chủ chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm Tiên Viên cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của TP Hà Nội, mô hình chuỗi chăn nuôi gà đẻ trứng của đơn vị đã được hoàn thiện và có sự liên kết với hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Hiện, quy mô sản xuất của công ty đạt 72.000 quả trứng/ngày, cung cấp cho hơn 100 điểm bán lẻ, siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, ngoài Công ty cổ phần Tiên Viên, đơn vị đã và đang tư vấn cho nhiều doanh nghiệp phát triển hệ thống trang trại chăn nuôi vệ tinh, bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu. Đơn vị cũng bố trí 20 cán bộ kỹ thuật tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn hộ chăn nuôi tuân thủ quy trình sản xuất; ghi chép, cập nhật thông tin diễn biến từ khâu chăn nuôi, giết mổ, đóng gói sản phẩm để thiết lập hệ thống theo dõi phục vụ hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, đã có một số mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động hiệu quả như chuỗi thực phẩm AZ (Hợp tác xã Hoàng Long), chuỗi trứng gà 729 (Công ty TNHH Chăn nuôi và Trồng trọt Phú An)...
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá: Thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thiện 11 chuỗi chăn nuôi an toàn, hiệu quả cao, tuy nhiên việc phát triển và mở rộng các mô hình chuỗi vẫn đang gặp không ít khó khăn. Bởi, một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi đã phê duyệt như hỗ trợ đầu tư lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi còn thấp, chưa thu hút được doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố, chưa có doanh nghiệp tham gia khâu chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi, nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng. Đa số người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng nên việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích chuyên bán và giới thiệu các sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông còn hạn chế.
Ngoài ra, theo ông Đặng Đình Tiên, việc triển khai nhà máy giết mổ gia cầm của một số đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội cũng gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai, quy hoạch, hạ tầng...
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Chỉ phương thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định và chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Do vậy, cần có thêm cơ chế đặc thù để hỗ trợ các chuỗi phát triển theo hướng gắn với sản xuất, chế biến theo công nghệ cao cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tuyên truyền cho người dân về sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời, huy động sức mạnh của các sở, ngành, đơn vị liên quan quản lý tốt công tác thị trường, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho xã hội về thực phẩm an toàn, qua đó thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm tham gia chuỗi liên kết.