Chương trình Côn Đảo - Huyền Thoại Biển: một hoạt động xã hội ý nghĩa

Tin tức - Ngày đăng : 17:51, 15/05/2018

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018); kỷ niệm 85 năm ngày sinh của chị Võ Thị Sáu (1933 - 2018), Hội Cựu chiến binh cơ quan Văn phòng Quốc hội, Báo Người Hà Nội tổ chức Chương trình Côn Đảo - Huyền Thoại Biển.

THƯ MỜI 

Kính gửi: Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà từ thiện

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018); kỷ niệm 85 năm ngày sinh của chị Võ Thị Sáu (1933 – 2018), Hội Cựu chiến binh cơ quan Văn phòng Quốc hội, Báo Người Hà Nội tổ chức Chương trình Côn Đảo - Huyền Thoại Biển.

Chương trình Côn Đảo – Huyền Thoại Biểnlà một hoạt động xã hội có ý nghĩa được sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và các đơn vị hữu quan, để cùng cộng đồng xã hội phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa”, của dân tộc. Truyền thống ấy đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ theo suốt chiều dài lịch sử đất nước để tri ân những hy sinh xương máu của các Anh hùng Liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng cho hòa bình, độc lập, tự do của đất nước.

Thông qua những bài ca đi cùng năm tháng; những hồi ức còn vẹn nguyên của các cựu chiến binh, các nhân chứng lịch sử từng là tù nhân cách mạng bị lưu đày tại Nhà tù Côn Đảo, Chương trình Côn Đảo – Huyền Thoại Biển còn được xem như một trải nghiệm về tâm linhđể tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng dân tộc đã hy sinh và nằm lại trên vùng đất này để bảo vệ hòa bình cho đất nước. Đồng thời Chương trình còn là dịp Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho các cựu chiến binh, doanh nhân cựu chiến binh tiêu biểu mãi xứng danh bộ đội Cụ Hồ vừa chiến đấu giỏi vừa làm kinh tế giỏi; trao chữ “Tín” để tôn vinh những doanh nghiệp có nhiều hoạt động vì cộng đồng, chữ “Tâm” để tôn vinh những doanh nhân, những nhà hoạt động từ thiện xã hội tiêu biểu, chữ “Đức” để tôn vinh những doanh nhân giầu lòng nhân ái cống hiến với cộng đồng năm 2018. Chương trình hướng về nguồn nhằm noi theo gương của người thiếu nữ anh hùng miền Đất Đỏ – Võ Thị Sáu và tri ân, báo công với các anh hùng, liệt sỹ.

Để chương trình được diễn ra có ý nghĩa và có sự lan tỏa trong công chúng, Ban tổ chức trân trọng đề nghị doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng tham gia chương trình Côn Đảo – Huyền Thoại Biển, thông qua việc tham gia các hoạt động hữu ích, giúp đỡ, hỗ trợ để chương trình thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý vị!

                                       BAN TỔ CHỨC


KẾ HOẠCH TỔ CHỨCCHƯƠNG TRÌNHCÔN ĐẢO – HUYỀN THOẠI BIỂN

MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA:

-Chương trình diễn ra nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018) và 85 năm ngày sinh chị Võ Thị Sáu (1933 – 2018). Với mong muốn  làm được nhiều việc ý nghĩa để “tri ân” và giúp được nhiều hơn nữa tới những đồng đội còn khó khăn, nhiều đồng bào khó khăn.

-Qua ba lần chương trình Khúc quân hành được tổ chức thành công (năm 2015, 2016, 2017), Ban tổ chức đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân; xây nhà tình nghĩa cho thương – bệnh binh; tặng nhiều phần quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, cho gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người và gia đình có công với cách mạng, các nạn nhân da cam, các gia đình và đồng bào có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai lũ lụt…

-Côn Đảo từng là nỗi ám ảnh của không ít người và được biết đến như là chốn “Địa ngục trần gian” của Việt Nam khi nơi đây đã từng là một nhà tù “một đi không trở lại” của các chiến sĩ cách mạng. Câu thơ Côn Lôn đi dễ khó về/ Già đi bỏ xác, trai về nắm xương đã phản ánh sinh động, chân thực về địa ngục trần gian, nơi chứng tích còn lại vẫn khiến người đời ghê rợn. Tại mỗi phòng giam, lúc cao điểm có đến hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Cai ngục thực dân dùng nhiều hình thức tra tấn từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sĩ. Cùng với nhà tù Phú Quốc, đây là một trong những địa điểm giam giữ các tù chính trị lớn nhất của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Nơi cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày.

-Tháng 2 năm 1862, thống đốc Nam Kỳ Bonard đã ký quyết định thành lập hệ thống nhà tù trên đảo Côn Sơn (Côn Đảo) với rất nhiều những phòng biệt giam, chuồng cọp.

-Côn Đảo là nơi từng giam giữ nhiều người yêu nước Việt Nam nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân..., các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh… và các chiến sĩ cách mạng khác.

-Côn Đảo có 11 nhà tù, lịch sử hơn 100 năm ở Côn Đảo đã có 20.000 người yêu nước, chiến sĩ cách mạng... bị sát hại, trong đó chỉ có 1907 người có mộ, số mộ có tên chỉ có 702 ngôi.

-Dù đã trải qua hơn 40 năm từ khi bị phơi ra ánh sáng nhưng hệ thống Nhà tù Côn Đảo vẫn khiến nhiều người liên tưởng chúng như những nhà tù khủng khiếp thời Trung cổ.

-Năm 2013, nhà tù Côn Đảo được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu di tích lịch sử Côn Đảo (Nhà tù Côn Đảo) thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần.

-Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo. Đây là nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975.Khác với các nghĩa trang lớn khác trên cả nước, nghĩa trang Hàng Dương dù ngày hay đêm vẫn luôn đông khách viếng thăm.

-Côn Đảo còn đặc biệt hơn nữa bởi gắn liền với cuộc đời cách mạng và sự hy sinh bất khuất của người con gái miền Đất Đỏ - người thiếu nữ Anh hùng – chị Võ Thị Sáu. Cuộc đời chị Võ Thị Sáu đã trở thành huyền thoại, sống mãi cùng dân tộc, cùng đất nước. Tấm gương chị Võ Thị Sáu lạc quan, yêu đời, luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, chấp nhận hy sinh đời mình vì tương lai tươi sáng của dân tộc vẫn còn vang mãi như một bài ca đi cùng năm tháng.

-Hiện nay phần mộ của chị Võ Thị Sáu nằm tại khu B2 - nghĩa trang Hàng Dương, là ngôi mộ được nhiều người thăm viếng nhất. Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển, quanh năm lộng gió.Những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, nhưng ẩn chứa một sự ngưỡng mộ, tôn thờ theo truyền thống Á Đông đối với những người anh hùng vì dân, vì nước đã được bất tử hóa của chị Sáu như một vị thần…Theo một cựu tù Côn Đảo kể rằng, ở Côn Đảo bây giờ, nam nữ thanh niên trước khi làm đám cưới thường ra Hàng Dương viếng mộ chị Sáu. Họ thắp hương, cúng gương lược, rồi lầm rầm khấn vái mong chị phù hộ cho "đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc".

- “Thiên đường từ địa ngục” và “địa ngục ngay giữa thiên đường” – đó chính là những trải nghiệm mang ý nghĩa tâm linh vô cùng  thú vị và hấp dẫn mà Đoàn hành trình Côn Đảo – Huyền Thoại Biển sẽ có được khi hành hương đến Côn Đảo – một trong những hòn đảo bí ẩn và quyến rủ bậc nhất hành tinh để tìm về những ký ức một thời kỳ bi hùng của dân tộc từ nơi biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

-Chương trình Khúc quân hành lần thứ IV năm 2018 Côn Đảo – Huyền Thoại Biển là sự kiện đặc biệt được Báo Người Hà Nội, Hội Cựu chiến binh cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức thường  niên nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp, đạo lý “uống ước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần cùng toàn Đảng toàn dân, toàn quân ta tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với đất nước.

-Trên tinh thần ấy, Chương trình Côn Đảo – Huyền Thoại Biển sẽ là cầu nối kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng với công tác tri ân, giúp đỡ gia đình cựu chiến binh khó khăn, những người có công, giúp đỡ trẻ em và các gia đình khó khăn khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt để họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, hòa nhập vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.

-Thông qua chương trình này cũng là để chúng ta tôn vinh, ghi nhận và biểu dương những nghĩa cử cao đẹp, các tấm lòng thiện nguyện.

-Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và trao kỷ niệm chương cho các cựu chiến binh, doanh nhân cựu chiến binh vừa chiến đấu giỏi vừa làm kinh tế giỏi; trao chữ “Tín” cho doanh nghiệp có nhiều hoạt động vì cộng đồng; chữ “Tâm” cho doanh nhân, nhà hoạt động từ thiện xã hội tiêu biểu năm 2018 như một lời báo công, ngợi ca, biết ơn các Anh hùng liệt sĩ và noi gương Người thiếu nữ anh hùng miền Đất Đỏ - Anh hùng LLVT Võ Thị Sáu.

-Côn Đảo – Huyền Thoại Biển dự kiến được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc Hội vào ngày 20/7/2018

HOẠT ĐỘNG TRI ÂN - TRAO TẶNG QUÀ:

-Đoàn làm lễ cầu siêu tại nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo.

-Làm lễ viếng mộ Chị Võ Thị Sáu

-Thăm và trao quà các cho đồng chí bị địch bắt tù đày tại Côn Đảo xưa và sau ngày giải phóng vẫn tiếp tục ở lại cống hiến, xây dựng vùng đất Côn Đảo được như ngày hôm naynhư ông Nguyễn Văn Ước (77 tuổi, bị địch bắt tù đày từ năm 1959 đến năm 1975) và ông Lê Văn Bảnh (66 tuổi, bị địch bắt tù đày từ năm 1973 đến năm 1975)…

-Trao quà cho gia đình người có công và cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, gia đình thương bệnh binh,các gia đình chính sách, gia đình thương binh huyện Côn Đảo

-Trao học bổng cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Côn Đảo

-Tặng  quà cho các gia đình thương binh liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh khó khăn tại Chương trình giao lưu nghệ thật.

-Đoàn tham quan Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, khám phá các địa danh thắng cảnh nguyên sơ, đẹp và nổi tiếng trên Côn Đảo như Cảng Bến Đầm, Bát Nhát, Bãi Đầm Trầu, Chùa Núi Một, Miếu Bà Phi Yến, Miếu ngũ hành (Miếu 5 cô)…

HÀNH TRÌNH TRI ÂN VÀ CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Nêu cao truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc, Chương trình Côn Đảo – Huyền Thoại Biển mở đầu bằng hành trình “Côn Đảo – Hồi ức bi hùng nơi đảo xa” thông qua việc tham quan và tìm hiểu về Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, nơi đã từng giam cầm và tra tấn dã man nhiều chiến sĩ cộng sản yêu nước Việt Nam nhằm dập tắt phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Nhiều chiến sĩ cách mạng của ta đã một đi không trở lại tại Côn Đảo, họ đã yên nghỉ tại mảnh đất này để bảo vệ cho nền độc lập tự do của đất nước hôm nay.

Thời gian tổ chức HÀNH TRÌNH dự kiến: Từ ngày 16,17,18/7/2018 (03 ngày 02 đêm)

Địa điểm: Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Hoạt động chính:

Ngày 16-7 (Thứ hai): Hà Nội – Côn Đảo

-04h00: khởi hành từ Văn phòng Quốc hội (22 Hùng Vương – Ba Đình – Hà Nội) ra sân bay Quốc tế Nội Bài làm thủ tục.

-06h00: Chuyến bay đưa đoàn đi Hồ Chí Minh.

-08h15: Đến sân bay Tân Sơn Nhất, thành viên trong Đoàn lấy hành lý và tiếp tục làm thủ tục bay đi Côn Đảo.

-12h05:  Máy bay cất cánh đưa đoàn đi Côn Đảo

-13h05: Đến sân bay Côn Đảo. Đoàn di chuyển về khách sạn dùng bữa trưa, sau đó nhận phòng và nghỉ ngơi.

Buổi chiều: Đoàn tham quan và khám phá Địa ngục trần gian Côn Sơn

(Phối hợp với Ban quản lý di tích Nhà tù Côn Đảo)

-Dinh chúa Đảo: Trước đây là nơi ở và làm việc của các đời chúa đảo, tìm hiểu lịch sử hình thành Côn Đảo thông qua các hiện vật, cổ vật, hình ảnh và các tư liệu được lưu lại từ thời Pháp đến nay.

-Trại tù Phú Sơn, Phú Hải: Nơi ghi dấu bước chân lưu đày của hàng trăm nghìn người tù chiến sĩ cộng sản với các truyền thuyết về Hầm Xay Lúa, phòng tra tấn mang tên Phòng Tối, ...

-Chuồng cọp kiểu Pháp: Khám phá hệ thống "chuồng cọp" được xây dựng kiên cố ẩn giữa các mê cung cổng trong, cổng ngoài nhằm làm mất phương hướng tù nhân chính trị và đánh lạc hướng quan sát. Các hình thức tra tấn dã man nhất đã diễn ra tại đây.

-Chuồng cọp kiểu Mỹ: Với các dãy phòng giam nhỏ hẹp và ẩm thấp được xây dựng vào năm 1971 nhằm tra tấn và suy nhược hóa tinh thần cách mạng của tù nhân chính trị Cộng Sản Việt Nam.

-Khu biệt lập Chuồng Bò: Vốn từng là nơi chăn nuôi bò, nuôi heo với 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa heo, 2 chuồng nhốt bò và 1 hầm chứa phân bò. Năm 1930, Pháp biến chuồng bò thành một trại giam các tù nhân nữ. Năm 1963, để mở rộng nhà tù, Mỹ sửa 24 hộc nuôi heo thành 24 phòng giam. Tù chính trị chống chào cờ, bị còng xiềng cầm cố lâu ngày, bị bại liệt cơ thể bị đưa về về đây để tiếp tục đày ải.

-16h00: Thăm Miếu Bà Phi Yến: Còn có tên là An Sơn Miếu, nơi thờ bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh. Ở Côn Đảo, người dân địa phương tôn sùng hai người phụ nữ như những bậc thánh nữ linh thiêng, đó là Bà Phi Yến và liệt sĩ anh hùng dân tộc chị Võ Thị Sáu.

Thăm Miếu Cậu: đây là nơi thờ con trai bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh (hoàng tử Cải). Hoảng từ Cải chết khi mới được 5 tuổi và cũng trong hoàn cảnh rất đặc biệt nên rất linh thiêng.

-Biểu Tối: Đoàn ăn tối tại nhà hàng hoặc tự do dạo chơi.

-23h00: Xe ô tô đưa Đoàn đến nghĩa trang Hàng Dương: Nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975. Đây cũng là nơi chôn cất chị Võ Thị Sáu, phần mộ gắn liền với những câu chuyện có thật về sự linh thiêng.

Tại đây, Đoàn sẽ làm Lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ và viếng mộ chị Võ Thị Sáu

-Đoàn nghỉ đêm tại nhà khách sạn

Ngày 17-7 (Thứ ba): Các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa tại Côn Đảo và khám phá vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí mê hoặc của Côn Đảo

Buổi sáng: Hoạt động Đền ơn đáp nghĩa.

                  (Phối hợp với: UBND huyện Côn Đảo, Phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Côn Đảo)

-6-7h30: Đoàn ăn sáng

-Thăm và tặng quà 2 trong số 5 gia đình tử tù đã từ bị lưu đày tại Nhà tù Côn Đảo, và nay hòa bình lặp lại vẫn tiếp tục ở lại Côn Đảo để góp phần xây dựng và phát triển đất nước nơi vùng biển thiêng liêng huyền thoại của tổ quốc.

-Dự kiến trong Chương trình BTC sẽ trích một phần kinh phí huy động được tặng cho 1 gia đình chiến sỹ tử tù năm xưa tại Côn Đảo tu sửa lại nhà cửa. Do đó Đoàn công tác sẽ đến thăm, tặng quà và dự lễ khánh thành nhà mới của gia đình chiến sỹ cách mạng.

-Tặng quà cho các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh; gia đình có công với cách mạng huyện Côn Đảo

-Tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Côn Đảo

12h00: Đoàn ăn trưa

Buổi chiều: Khám phá Côn Đảo – Thiên đường giữa địa ngục trần gian

(dự kiến Đoàn đến từ 2 đến 4 danh thắng nổi tiếng nhất Côn Đảo – phụ thuộc thời gian di chuyển của toàn Đoàn)

-Cảng Bến Đầm: Nằm gọn trong vịnh Bến Đầm, xung quanh được bao bọc, che chắn bởi các dãy núi và đảo nhỏ. Từ cầu cảng, du khách có thể trải nghiệm cảnh sinh hoạt đời thường của ngư dân địa phương nơi đây hay đắm chìm trước thiên nhiên biển đảo tuyệt đẹp của hòn Bà và hòn Vung cách đó không xa

-Bãi Nhát: Một bãi biển vốn chìm ngập trong nước và chỉ hiện ra khi thủy triều xuống mà không phải bất cứ ai khi đến Côn Đảo cũng có dịp thấy được bãi cát trắng tuyệt đẹp này.

-Bãi Đầm Trầu: Côn Đảo có nhiều bãi biển đẹp nhưng không thể không nhắc đến Đầm Trầu, một bãi biển gắn liền với sự tích chàng Cau và nàng Trầu. Đến với Đầm Trầu, du khách có thể thỏa thích tắm biển và tận hưởng làn nước trong mát của bãi biển được nhiều người nhắc đến này.

-Bãi Suối Nóng: Từ bãi Đầm Trầu, du khách có thể vượt một đoạn ngắn đường rừng để đến được bãi Suối Nóng, một bãi biển còn giữ nguyên nét hoang sơ và ít người biết đến. Đây là bãi biển tuyệt đẹp như một bức tranh sống động của vùng biển nhiệt đới với bãi cát trắng phẳng lì và một hệ sinh thái rừng ngập mặn hiếm có ở các hòn đảo khác.

-Trên đường đến Bãi Đầm Trầu, du khách có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy mê hoặc của Côn Đảo với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của những Mũi Lò Vôi, Mũi Chim Chim và Hòn Cau, Hòn Bảy Cạnh ẩn hiện theo con đường quanh co nối liền trung tâm thị trấn của huyện với sân bay Côn Sơn.

Buổi tối và đêm:Các thành viên trong Đoàn sau khi ăn tối - Nghỉ ngơi trong khách sạn hay tự do khám phá Côn Đảo về đêm.

Ngày 18-7 (Thứ tư): Côn Đảo – Sài Gòn – Hà Nội

-Buổi sáng: Quý khách ăn sáng tại khách sạn, sau đó tự do đi chợ mua sắm, tắm biển...

-Buổi trưa: Đoàn làm thủ tục trả phòng ăn trưa tại nhà hàng, sau đó xe đưa Đoàn ra sân bay làm thủ tục.

-13h30: Máy bay cất cánh đưa đoàn về Hồ Chí Minh.

-14h30: Đến sân bay Tân Sơn Nhất, Đoàn lấy hành lý và tiếp tục làm thủ tục đi Hà Nội.

-17h15: Máy bay cất cánh đưa đoàn về Hà Nội. 19h15: Đến sân bay Nội Bài, xe đón đoàn về điểm tập kết

-Kết thúc hành trình “Côn Đảo – Hồi ức bi hùng nơi đảo xa"

CHƯƠNG TRÌNH DIỆN KIẾN LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ THAM QUAN NHÀ QUỐC HỘI

Thời gian: Sáng ngày 20/7/2018

Bao gồm các hoạt động chính:

- Lễ báo công dâng báo tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Bắc Sơn – Đa Đình – Hà Nội

- Diện kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Dự kiến là diện kiến Lãnh đạo Quốc hội

- Tham quan Nhà quốc hội mới

CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU NGHỆ THUẬT “CÔN ĐẢO – HUYỀN THOẠI BIỂN”

-Thời gian dự kiến: Ngày 20/7/2018

-Địa điểm dự kiến: Nhà hát Lớn Hà Nội

-Truyền hình trực tiếp: Trên kênh Truyền hình Quốc Hội

Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt Khúc quân hành lần thứ IV – Côn Đảo – Huyền Thoại Biển là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) và 85 năm ngày sinh chị Võ Thị Sáu (1933 – 2018)

Chương trình sẽ bao gồm những ca khúc về cách mạng, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ và những ca khúc bất hủ đã đi theo năm tháng chiến tranh, qua sự thể hiện của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng. Chương trình sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước với thế hệ trẻ hôm nay, đồng thời là dịp cổ vũ đạo lý Uống nước nhớ nguồn, phong trào Đền ơn đáp nghĩa vốn đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.

Chương trình sẽ là cuộc giao lưu giữa những người đã đi qua chiến tranh, những nhân chứng trực tiếp tham gia chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Trong khuôn khổ Ban Tổ chức sẽ trân trọng kỷ niệm chương mãi xứng danh Anh bộ đội cụ Hồ cho các cựu chiến binh tiêu biểu, các doanh nhân cựu chiến binh; trao chữ “Tín” cho doanh nghiệp, chữ “Tâm” để tôn vinh những doanh nhân, những nhà hoạt động từ thiện xã hội tiêu biểu, chữ “Đức” để tôn vinh những doanh nhân giầu lòng nhân ái cống hiến với cộng đồng năm 2018.

QUY ĐỊNH VỀ THÀNH PHẦN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH

-Tất cả các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội

-Các doanh nhân , doanh nghiệp và các cá nhân quan tâm, hưởng ứng cuộc vận động hướng về cội nguồn của dân tộc.

-Những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có tấm lòng nhân ái, tích cực đóng góp trong công cuộc vì sự nghiệp nhân đạo

-Những người lính doanh nhân, cựu chiến binh doanh nhân luôn nỗ lực vươn lên trong thời hội nhập, có tình cảm tốt đẹp, có tấm lòng vàng với các Mẹ VNAH với đồng đội, quê hương

-Những doanh nghiệp có nhiều hoạt động vì cộng đồng

-Những doanh nhân tiêu biểu, nữ doanh nhân trẻ, doanh nhân nữ thành đạt, mẹ của các doanh nhân 

Mọi chi tiết xin liên hệ Thường trực Ban tổ chức:

Địa chỉ: 126 Nam Cao - Ba Đình - Hà Nội

Hotline: 0939 10 12 81

Số ĐT: 024. 668 11308

Email: lyminh.baonguoihanoi @gmail.com