Người phụ nữ nghèo tình nguyện làm “barie”

Tin tức - Ngày đăng : 10:45, 17/05/2018

Người dân ở khu vực chợ Nam, phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên dần quen với hình ảnh chị Nguyễn Thị Tình, 46 tuổi, trú tại tổ 22, phường Phú Xá khi có tiếng còi hú báo hiệu tàu đi qua là lao vội ra cầm chiếc ô đứng trước đường ray báo hiệu cho người tham gia giao thông biết tàu sắp qua để thận trọng sang đường. Hơn 10 năm qua, hành động của chị Tình đã cứu sống nhiều người trước “tiềm ẩn” tai nạn giao thông…
Gặp chị “barie”

Những ngày đầu hè tháng 5, trong một buổi chiều mưa như trút nước, chúng tôi đã đến phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên sau khi nghe được câu chuyện cảm động và đáng khâm phục về chị Nguyễn Thị Tình. Cứ nghĩ mưa lớn như thế sẽ khó gặp được chị, ai ngờ, khi đến nơi vẫn thấy chị Tình kiên trì ngồi đó, bán hàng, mắt không rời đường ray. Chị bảo, 10 năm qua làm nghề “buôn thúng bán mẹt” ở khu chợ Nam này cũng là ngần ấy năm chị gắn bó với công việc gác tàu ở đoạn đường sắt không có gác chắn, không đèn tín hiệu. 

Người phụ nữ nghèo tình nguyện làm “barie”
Hằng ngày, nắm vững số giờ tàu chạy, chị Tình cầm chiếc ô nhỏ lao ra giữa dòng xe cộ làm hiệu lệnh để mọi người dừng lại, qua đường an toàn.
Cách đây mấy năm, khu chợ Nam được hình thành, họp ngay cạnh đường sắt nên rất nguy hiểm. Hằng ngày, nơi đây, mỗi ngày có từ 5 đến 8 chuyến tàu chạy qua, nhưng khu vực này vẫn chưa có gác chắn barie. Đường ray nằm ngang lại ở khu vực đông dân cư, vị trí rất nguy hiểm, do có độ dốc và lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bà Nguyễn Thanh Thúy bán hàng ở chợ khu Nam tâm sự: “Ngày nào cũng có tàu băng qua mà người ta cứ thản nhiên đi qua đường tàu vô tư như ở nhà. Dù tiếng còi rú vang inh ỏi từng hồi dài, họ vẫn cứ lao xe qua coi như không có chuyện gì. May thay, từ lúc có chị Tình tình nguyện làm gác chắn thì các vụ va chạm cũng giảm hẳn. Nhà chị ấy hoàn cảnh lắm, anh chồng mất đã lâu, hai mẹ con bấu víu vào nhau sống qua ngày. Cực thế mà cô ấy vẫn sống hết mình vì cộng đồng, gặp những người khó khăn vẫn nhiệt tình giúp đỡ. Ở đây, chúng tôi vẫn gọi vui là người đàn bà tử tế của khu chợ đấy”.

Câu chuyện của chúng tôi bị dở dang khi bất thình lình một chuyến tàu từ phía trong bến lầm lì đi tới, bấy giờ là khoảng 11h trưa. Không chần chừ, nhanh như cắt, chị Nguyễn Thị Tình vác trên vai chiếc ô lao ra giữa dòng xe cộ làm nhiệm vụ gác chắn. Trước hiệu lệnh của chị, người tham gia giao thông khu vực nghiêm chỉnh chấp hành. Chuyến tàu vừa chạy qua, dòng xe cộ qua đường an toàn, chị lại trở về ngồi bán hàng như cũ. Cứ thế, ngày nào cũng như ngày nào, công việc này của chị được lặp lại như một quy trình hoàn hảo. Chị nói, bán hàng ở đây đã lâu, tận mắt chứng kiến nhiều vụ va chạm thương tâm giữa người tham gia giao thông và tàu nên chị không đành lòng. Từ năm 2001 chị tự nguyện đứng ra cảnh giới cho các phương tiện tham gia giao thông khi tàu chuẩn bị qua đường ngang.

Suốt hơn chục năm làm việc như vậy, nhiều lúc chị Tình cũng hứng chịu không ít điều trái chiều. Nhưng chị vẫn bỏ ngoài tai mọi lời thị phi, hằng ngày cứ giờ tàu chuẩn bị đi qua, chị lại trở thành “lá chắn sống” tự nguyện cảnh báo để mọi người sang đường an toàn, góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đường sắt có thể xảy ra trên tuyến đường. 

Trò chuyện cùng chúng tôi, một công nhân lái tàu tuyến Gang Thép - Trại Cau kể: “Tôi làm nghề lái tàu đã gần chục năm nay, nhưng hiếm thấy ai tận tụy vì mọi người như chị Tình. Chị như lá chắn sống để cảnh báo người dân mỗi khi tàu qua chợ khu Nam. Trên tuyến đường từ Gang Thép đi Trại Cau có một số đường ngang, nhưng đoạn cắt qua chợ khu Nam là nguy hiểm nhất vì có lượng người tham gia giao thông đông, cộng thêm chợ họp sát với hành lang đường tàu. Thời điểm cuối giờ trưa và cuối giờ chiều khi người dân đi chợ đông, cũng là lúc tàu vận chuyển quặng sắt từ Trại Cau đổ về. Mải buôn bán hoặc vội về nhà người ta không để ý đến tiếng còi tàu báo hiệu sắp qua khu vực này, vì thế việc làm của chị Tình không chỉ giúp cho đơn vị chúng tôi mà còn cho tất cả mọi người”.

“Bao giờ có “barie” tôi mới ngừng làm gác chắn”

Ngồi trong căn nhà cấp bốn ọp ẹp, chị Tình kể: chị lấy chồng từ năm 1998. Gia đình nhà chồng cũng chẳng khá giả gì nên chỉ cho vợ chồng chị được có mấy chục mét vuông đất để dựng nhà. Không lâu sau con gái Nguyễn Quỳnh Hoa của họ chào đời. Hạnh phúc nào hơn khi vợ chồng chị dù nghèo vẫn luôn biết yêu thương nhau. Năm 2008, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, chị đưa chồng tới bệnh viện thì bác sĩ nói anh bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối và chỉ một thời gian ngắn anh đã qua đời. Một tháng sau ngày chồng mất, bố chị cũng bị đột tử. 

Người phụ nữ nghèo tình nguyện làm “barie”
Hằng ngày chị Tình vừa bán hàng vừa tình nguyện làm gác chắn cạnh đường sắt.
“Anh ấy ra đi tôi cũng không thiết sống nữa, mọi thứ đến quá nhanh, quá đột ngột. Nhiều lúc tôi muốn tìm đến cái chết để giải thoát bi kịch cuộc đời. Bởi, nỗi đau và mất mát kia là quá lớn đối với một người trẻ như tôi. Có lần, quẫn quá, tôi đã toan mua một vốc thuốc ngủ để thiếp đi mãi mãi nhưng nhìn con gái mới 3 tuổi, nó quá ngây thơ. Mất bố đã là quá thiệt thòi, giờ mất nốt cả mẹ thì không biết nó sẽ sống ra sao. Nghĩ vậy, tôi vứt nắm thuốc xuống đất, gắng gượng sống nuôi dạy con nên người”, chị Tình nhớ lại.

Nỗi đau chưa nguôi ngoai, thì đúng hai năm sau ngày chồng mất, chị Tình bị gia đình chồng gây sức ép, đòi lại miếng đất đã cho vợ chồng chị trước đó. Tuyệt vọng và chán nản, chị không biết làm gì chỉ biết đành dắt díu con thơ ra đi. Những tháng ngày sau đó, hai mẹ con chị lưu lạc khắp chốn sau trụ lại ở xóm trọ nhỏ Phú Xá này. Chị làm đủ thứ nghề để hai mẹ con sống qua ngày. Phải một thời gian dài, chị mới chọn được một chỗ cạnh đường tàu để buôn bán. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm chị Tình gắn bó với nơi này. Nhìn lên các tấm giấy khen treo trên tường, chị Tình tự hào: “Mỗi lần về nhà, ráo mồ hôi, nhìn những tờ giấy khen của con gái tôi như được an ủi phần nào, thấy cuộc đời trở nên ý nghĩa. Năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi, thậm chí còn có 2 lần đoạt giải trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học. Cháu nó còn được nhận học bổng “Nữ sinh tài năng Việt Nam” của Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa cơ chú ạ”.

Nhiều người bảo, đời sống khó khăn như thế chị nên tập trung lo cho đời mình, chứ suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thế, cực lắm. Chị bảo, công việc này cũng không nặng nhọc gì, vả lại làm phúc làm đức - như giáo lí của nhà Phật thường dạy “cứu một người phúc đẳng hà sa/ cứu một người còn hơn xây bảy tòa pháp phù đồ” đó sao! Hằng ngày, nhìn người ta đối mặt với cái chết mà mình thì có khả năng, không cứu thì có tội lắm. Mai này, nếu có được một cái barie chị sẽ ngừng không làm việc này nữa. Chứ bây giờ, ngày nào còn chưa có, còn có những cái chết được báo trước, chị sẽ đeo đuổi công việc đến cùng. 

Chị Tình còn khoe với chúng tôi, đó là năm 2015, trong dịp lên nhận bằng khen của Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên trao tặng, chị đã vô tình gặp bà Nguyễn Thị Thụy ở Phú Bình (Thái Nguyên), là bà nội của hai em Dương Thị Trà My và Dương Văn Linh mồ côi cha mẹ vì tai nạn giao thông. Cảm thông trước hoàn cảnh éo le của My và Linh, chị Tình đã chủ động đến tận nhà thăm hỏi và nhận 2 chị em làm con nuôi. Bản thân vẫn đang phải sống trong căn phòng trọ tồi tàn nên chị Tình không thể đem My và Linh về ở cùng. Nhưng hằng tuần chị Tình vẫn cố gắng sắp xếp công việc đi thăm hai người con nuôi. 

Chị tâm sự: “Nói thì quá xa xôi nhưng tôi có hai ước nguyện. Đó là có một căn nhà tử tế, có điều kiện kinh tế khá hơn để đón 2 đứa bé về nuôi. Chúng còn quá nhỏ, quá thiệt thòi, giờ ông nội nằm liệt giường, chỉ còn bà nội già yếu, sống nay chết mai cũng không đoán trước được. Và, điều ước cuối cùng, ấy là mong ngành đường sắt sớm xây dựng gác chắn vì lưu lượng phương tiện qua đây rất đông, nguy hiểm rình rập, có như vậy mới đảm bảo an toàn giao thông”. 

Đăng Chung