Vai trò của nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Tin tức - Ngày đăng : 16:39, 19/05/2018
Nhân dân là gốc rễ, là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong rất nhiều bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm “dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc”. Sau gần 40 năm bôn ba tìm đường cứu nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người nhận thức đầy đủ và sâu sắc chân lý “nước lấy dân làm gốc”, Người khẳng định: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[1].
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc “trước hết là tập hợp, tổ chức, thống nhất được sức mạnh của toàn dân, phải làm cho dân mến dân tin để dân theo mình, mình mới có sức mạnh” [2].
Để dân là gốc rễ, là nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc thì người cán bộ phải tin dân, chăm lo cho lợi ích của dân, biết ơn dân và đền bù xứng đáng cho dân.
Người căn dặn: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân” [3]. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh vô địch, ở đó sức dân là gốc rễ. “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại được” [4].Đại đoàn kết toàn dân tộc phải lấy liên minh công - nông làm nòng cốt, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Người cũng chỉ rõ: “Dân vì không hiểu tình thế trên thế giới, không biết so sánh, không có mưu chước, chưa nên làm đã làm, khi nên làm lại không làm… Dân thường thường chia rẽ phái này, bọn kia… nên nỗi yếu sức đi, như đũa mỗi chiếc một nơi… Vậy nên cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có Đảng cách mệnh” [5].
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sở dĩ công - nông là nòng cốt bởi vì: “1- Là vì công nông bị áp bức nặng nề hơn. 2- Là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết. 3- Là vì công nông là tay không chân rỗi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới” [6].
Từ những lý do trên, Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” [7].
Dân là chủ thể của đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định dân là gốc rễ, nền tảng của đại đoàn kết, mà Người còn chỉ ra dân là chủ thể của quá trình đó. Bởi lẽ, dân không những có lực lượng đông mà còn cần cù, thông minh, khéo léo có nhiều kinh nghiệm quý báu. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra” [8].
Những nơi cách mạng còn yếu kém là do không cùng dân bàn bạc. Chỉ nơi nào “biết cùng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng” [9] nơi đó công việc cách mạng mới tiến triển khá. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đại đoàn kết toàn dân tộc không phải tự phát mà là tự giác. Dân giác ngộ cách mạng, tự nguyện đoàn kết theo Đảng làm cách mạng để giải phóng mình. Cách mạng là do dân, dân tự làm lấy, Đảng chỉ là người lãnh đạo.
Theo Người: “Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không nên” [10]. Dân là chủ thể của đại đoàn kết toàn dân tộc, dân phải làm chủ quá trình đó. Dân vừa là chủ của quá trình đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời dân phải có nghĩa vụ, bổn phận đối với quá trình ấy. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải giải thích cho dân hiểu và giúp dân thực hiện: nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải làm tròn bổn phận của công dân. Người dạy: “Nhân dân được hưởng những quyền lợi ấy cho nên mọi người cần phải hăng hái làm tròn nghĩa vụ của mình trong mọi công việc kháng chiến, cứu nước, xây dựng nước nhà” [11]. “Các tầng lớp nhân dân ta - công nhân, nông dân, lao động trí óc, các nhà công thương, đồng bào thiểu số - ai nấy hãy làm tròn nghĩa vụ của người công dân, người chủ nước nhà” [12].
“Trong mọi việc đều phải biết dựa vào quần chúng… Lấy sức quần chúng mà vượt qua khó khăn”
Vì dân là chủ thể của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc nên “trong mọi việc đều phải biết dựa vào quần chúng… phải động viên, tổ chức, đoàn kết quần chúng. Lấy sức quần chúng mà vượt qua khó khăn” [13], nhưng cũng phải để quần chúng tự giác giúp nhau “lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính”, “phải tự lực cánh sinh” [14] và phải mạnh dạn tác động quần chúng làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể.
“Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô và cuộc vận động quần chúng quyết tâm thực hiện kế hoạch Nhà nước… nhất định thắng lợi” [15]. Thành công của Đảng và Nhà nước là ở chỗ tổ chức và phát huy được lực lượng vô tận của dân.
Dân là sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ quan niệm dân là gốc, là nền tảng, là chủ thể của đại đoàn kết toàn dân tộc, mà trong tư tưởng của Người còn thể hiện rõ quan niệm dân là nguồn gốc sức mạnh vô tận và vô địch của đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khi phân tích rút kinh nghiệm bài học cách mạng Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng công nhân giải phóng” và “Công đảng” tuy lập được nhiều chiến công oanh liệt nhưng cuối cùng vẫn bị thất bại là do không có sức dân làm nền tảng” [16]. Từ đó, Người khẳng định: “ý chí của dân là ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực, ý chí đó mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, nó đánh đổ mọi sức mạnh của sự áp bức bóc lột” [17]. Người thường nhắc câu ca dao của nhân dân Quảng Bình: “Dễ mười lần không dân cũng chịu./ Khó trăm lần dân liệu cũng xong” [18].
Mỗi khi có dịp đến dự hội nghị cán bộ các cấp, Người đều phát biểu và căn dặn: “Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy cũng không làm xong. Có lực lượng nhân dân thì việc khó mấy, to mấy cũng làm được” [19], hay “Làm việc gì cũng phải có quần chúng, không có quần chúng không thể làm được” [20].
Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm: “Dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là đều nhờ ở dân hết” [21]. “Công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân” [22]. Mọi cuộc cách mạng chỉ có thể “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Trong lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Người cũng khẳng định “Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người” [23].
Người thường nhắc nhở cán bộ phải: “Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân rõ, có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình, sẵn sàng học hỏi ở nhân dân, tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo” [24]. Và “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với gậy tầm vông và súng hỏa mai lúc đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch” [25]. Dân như thế cũng chính là chỗ dựa vững chắc của Đảng, của hệ thống chính trị cách mạng.
Như vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ vững nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, đồng thời khẳng định, dân là gốc rễ, dân là nền tảng, dân là chủ thể, dân là nguồn gốc sức mạnh vô tận, vô địch của đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước khi đi gặp các cụ C.Mác, Lênin điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” [26], đây là một chứng minh hùng hồn cho điều đó.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chói ngời tỏa sáng, soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Việc nghiên cứu, nắm vững và vận dụng đúng tư tưởng đó của Người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tài liệu tham khảo:
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tập 5, trang 410.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, trang 438.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, trang 392.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 2, trang 272.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 2, trang 267.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 2, trang 266.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, trang 276.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, trang 295.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, trang 295.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, trang 293.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, trang 219.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 8, trang 248.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 8, trang 149.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 8, trang 150.
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, trang 249-250.
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 2, trang 201-202.
[17] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 1 trang 28, tập 2 trang 266.
[18] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, trang 212.
[19] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 6, trang 292.
[20] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, trang 212.
[21] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, trang 101.
[22] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, trang 409.
[23] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 8, trang 494-495.
[24] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 6, trang 293.
[25] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 6, trang 281-282.
[26] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, trang 500-501.