Kiểm toán tại 30 dự án BT, kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng
Tin tức - Ngày đăng : 17:29, 21/05/2018
Chiều 21-5, trình bày trước Quốc hội báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc nêu một số sai sót, hạn chế của một số chương trình dự án, trong đó có các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. |
Cụ thể, việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản công.
Qua kiểm toán các dự án BT trong năm 2017 cho thấy hầu hết đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư; thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm Luật Đất đai và là kẽ hở do định giá thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Việc giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát; công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát lớn trong quá trình thực hiện dự án.
Qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.
Bên cạnh đó, qua kiểm toán 40 dự án đầu tư theo hình thức BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467 tỷ đồng (năm 2016 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án).
Đồng thời, qua kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 9.639 tỷ đồng, trong đó kiểm toán toàn diện 7 doanh nghiệp xác định tăng 9.140 tỷ đồng và rà soát báo cáo của 7 doanh nghiệp tăng 499 tỷ đồng.
Báo cáo cũng chỉ rõ, một số bộ, ngành và địa phương giao biên chế công chức vượt mức Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người (vượt được giao 44.667 người, vượt định mức 18.612 người).
Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi NSNN 859 tỷ đồng. Ngoài ra, một số đơn vị được chọn mẫu kiểm toán có số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, ban, ngành vượt so với quy định; giữ chức danh hàm và hưởng phụ cấp hàm không có trong quy định của Nhà nước.