Chuyện ở Berlin - Truyện ngắn của Sherzod Artikov (Uzbekistan)
Truyện - Ngày đăng : 09:29, 03/01/2022
Hôm ấy, khi tàu điện ngầm sắp sửa bắt đầu di chuyển, tôi thấy một cô gái đang cố chạy về phía cửa toa và tôi đã giữ cửa mở bằng cách đứng chặn ở ngưỡng cửa. Sau khi vào được bên trong, cô cảm ơn tôi: “Cảm ơn anh đã giúp tôi khỏi đến chỗ làm muộn nửa tiếng đồng hồ”. Tôi nhìn cô, mái tóc dài bị ướt, khuôn mặt phúng phính dính những hạt mưa. Bộ đồ màu hồng đơn giản và chiếc quần đen theo kiểu cổ điển với chiếc túi xách bình thường khiến cô có vẻ ngoài khiêm tốn. Nhưng sự bình an nội tâm và chiều sâu của đôi mắt khiến tôi muốn nói chuyện với cô.
Sau khi xuống ga, tôi đến hiệu sách ở Heerstrasse. Mushtariy nồng nhiệt chào tôi, đôi môi đỏ mọng nở một nụ cười, sau đó tư vấn rất nhiều sách. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng cô đến từ Uzbekistan. Cô là sinh viên, du học ở nước tôi và đi làm thêm ở hiệu sách này.
- Tại sao anh nhìn tôi kỹ thế? Cô đỏ mặt.
- Cô đến từ quê hương của ông tôi.
Mushtariy có vẻ ngạc nhiên. Về hình thức thì tôi có vẻ giống người Đức vì mẹ tôi là một phụ nữ Đức. Tôi có thể nói tiếng Đức gốc. Tôi là người Đức về mặt tinh thần ngay cả khi ông tôi là người Uzbekistan. Ông không nói một lời nào về điều này với bố và tôi, nhưng tôi đã vô tình biết điều đó. Cách đây vài năm tôi đã tìm thấy cuốn nhật ký mà ông đã viết cho đến ngày mất, bao gồm thời thơ ấu, những năm chiến tranh và phần còn lại của cuộc đời. Lúc đó tôi còn là một học sinh. Trong nhật ký, ông viết rằng ông đến từ một thành phố có tên là Marghilan, tọa lạc trong một thung lũng tuyệt đẹp được bao quanh bởi những ngọn núi cao. Lần đầu tiên tôi đọc về quê hương của ông và vô cùng khao khát được biết mọi chi tiết đầy đủ về vùng đất ấy, tuy nhiên bầu không khí căng thẳng ở nhà không cho tôi cơ hội làm điều đó.
Bất kể là ngày lễ hay bên bàn ăn, ông tôi luôn ít nói với vẻ mặt thản nhiên. Ông đặc biệt kín tiếng về quê hương mình. Trước khi dùng bữa, ông luôn thì thầm bằng thứ tiếng mà tôi không biết, cầu nguyện quay mặt về hướng Tây 5 lần trong một ngày, trên một chiếc chiếu có viền xung quanh. Thế nhưng ông lại xa quê hương và những kỷ niệm liên quan đến nó. Để thoát khỏi những hồi ức này, ông kết hôn với một phụ nữ Đức, nuôi dưỡng bố tôi là người Đức, tìm vị hôn thê người Đức cho con. Thậm chí ông đã nuôi nấng và dạy tôi dựa trên ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống của Đức. Nói một ngôn ngữ khác là bị cấm trong nhà của chúng tôi ngay cả khi không cần thiết. Vì tất cả chúng tôi đều trở thành người Đức tận xương tủy nhờ nỗ lực của ông tôi.
Tôi không thể hiểu hết lý do tại sao ông đặt tên cha tôi là Bakhtiyor, và tên tôi là Isfandiyor giống với cái tên gợi nhớ nơi sinh ra ông. Như thể là một sự kỳ quặc của số phận. Và vì cái tên này chúng tôi không được coi là người Đức và người ta cho rằng chúng tôi đến từ những ngôi làng xa xôi của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi tôi kể điều này, Mushtariy đã rơi nước mắt. Ông của cô không trở về sau chiến tranh. Có lẽ ông ấy đã chết vì một viên đạn của Đức Quốc xã.
“Từ chỗ ông của anh tới chỗ bà của tôi cách nhau 80 dặm” - Mushtariy nói, sau khi đã bình tĩnh trở lại.
Khi nói chuyện với cô, có một khao khát cháy bỏng được biết về thành phố đó đã được khơi dậy trong tôi. Marghilan, Andijan, Fergana... Mushtariy kể về từng ngôi làng xinh xắn được bao quanh bởi khung cảnh núi non hùng vĩ, với những truyền thống, phong tục, cách sống của người dân ở đó một cách nhiệt tình.
Sau khi xong việc ở ngân hàng, tôi cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể ở hiệu sách. Đương nhiên Mushtariy luôn ở đó. Một bàn tay vô hình dẫn dụ tôi đến hiệu sách. Nếu tôi không đến hiệu sách trong một thời gian dài, tôi cảm thấy như thể bị cạn kiệt oxy, và chỉ sau khi nói chuyện với cô ấy tôi mới có thể bắt đầu thở sâu và êm ái.
Tôi nghĩ thỉnh thoảng sẽ tặng Mushtariy một bó hoa hoặc đưa cô đi ăn ở một nhà hàng sang trọng, nhưng tôi chưa biết cách để gây chú ý của phụ nữ vì bản thân còn nhút nhát. Tôi nghĩ mình nên tiếp cận thân thiết hơn với Mushtariy vì hầu như tôi chỉ hỏi cô về quê hương của ông tôi và né tránh trò chuyện về các chủ đề khác.
***
Ngày qua ngày, Mushtariy đã mở rộng tầm nhìn và kiến thức cho tôi bằng cách miêu tả vùng đất xa xôi nơi cô và ông tôi sinh ra. Kết quả là một ngọn lửa khao khát mãnh liệt để mong có cái nhìn toàn cảnh của thung lũng đã bùng cháy trong tôi. Cuối cùng, một ngày nọ, tôi lấy hết can đảm mời Mushtariy đi ăn trưa. Đầu tiên cô có vẻ không tin tưởng tôi nhưng sau một thời gian cô nói rằng sẽ xem xét lời đề nghị của tôi.
Tôi nhớ lại ngày chúng tôi ăn trưa cùng nhau. Hôm đó là chủ nhật, tôi và Mushtariy ngồi trong một nhà hàng với vẻ thư thái, nhẹ nhõm.
- Anh có muốn tôi dạy anh tiếng Uzbekistan không? Mushtariy hỏi khi đang ăn cá mòi.
Chúng tôi đã có buổi học sơ khai tại một nhà hàng không quá lớn ở Tornstrasse. Tôi học các từ và cụm từ khác nhau như “Chào”, “Bạn khỏe không?”, “Chúc một ngày tốt lành!” bằng tiếng Uzbek. Trong khi phát âm, tôi đã trải qua những cảm xúc kỳ lạ. Lần đầu tiên tôi nói tiếng của ông nội. Nhìn từ khía cạnh khác, tôi bắt đầu thấy Mushtariy là một phụ nữ lý tưởng. Cô ấy đáng yêu, vô tư và chân thành.
- Anh có biết ý nghĩa của tên mình không?
- Tôi biết ý nghĩa của Peter, Paul, Sebastian vì đó là tên của các vị thánh. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến ý nghĩa của tên mình.
- Một món quà từ Chúa. Tên anh có nghĩa là như vậy.
Mushtariy đã đúng. Ông nội đặt cho tôi tên này là có mục đích. Mẹ đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn khi sinh nở tôi. Ông còn lo lắng hơn cả bố tôi, quỳ xuống chiếc chiếu trong phòng ngủ của mình và cầu Chúa giúp mẹ tôi.
Sau câu nói đó, Mushtariy nhìn chằm chằm đường phố qua cửa sổ nhà hàng và thì thầm ý nghĩa tên của chính mình.
Tôi gắn bó với Mushtariy bằng sợi dây vô hình trong 6 tháng và cảm nhận được điều đó từ đáy lòng mình. Cái tin cô tốt nghiệp đã làm tôi lo lắng. Tôi không ngừng tự nói: Vậy là không còn lý do gì để cô ấy ở lại Đức. Tôi đã bị thiêu đốt bởi lo lắng dâng cao.
“Tôi sẽ dạy tiếng Đức tại ngôi trường mà tôi đã học” - Mushtariy nói khi tôi hỏi kế hoạch tương lai của cô.
Trong khi nói lời cáo biệt, Mushtariy quay sang tôi: “Tôi nhớ nước Đức hơn bao giờ hết” và cố gắng không nhìn vào mắt tôi.
Đã 3 tháng kể từ ngày Mushtariy rời đi. Cô không còn ở Berlin, nơi đầy những con người như rô bốt bên dưới bầu trời buồn tẻ, hoạt động chính xác như một cơ chế đồng hồ. Bất cứ khi nào có thời gian tôi đều đi lang thang đến ga tàu điện ngầm, cửa hàng sách và nhà hàng ở Tornstrasse để khơi gợi lại những cảm xúc và kỷ niệm về Mushtariy. Tôi ngồi đó hàng giờ để phát âm từng từ và cụm từ tiếng Uzbek mà cô đã dạy tôi. Thật đau lòng khi bây giờ tôi không thể nói chuyện với ai về mảnh đất của ông tôi nữa.
Vào buổi tối, tôi đi bộ từ Heerstrasse về nhà dưới trời mưa. Bố bận đọc báo trong khi mẹ có thói quen đan những đôi tất ấm áp ngay khi trời sang đông. Sau khi đi dọc hành lang, tôi liếc nhìn bức ảnh của ông nội khi tôi đến gần bàn ăn ở giữa phòng. Ông mặc quân phục thể hiện sự đau đớn hơn là sự cảm kích. Mẹ dọn cho tôi một bát súp.
- Bố! Con muốn về thăm quê của ông nội - tôi ngẩng đầu lên nhìn bố.
Bố ngừng đọc, gấp tờ báo lại và nhìn tôi ngạc nhiên. Rồi bố tiếp tục đọc như không có chuyện gì xảy ra. Một khoảng lặng bao trùm.
- Còn công việc của con trong ngân hàng thì sao? Một lúc sau bố hỏi.
- Con xin nghỉ phép.
- Việc đến đó có quan trọng đối với con không? Bố nhăn trán.
- Hãy để con nó đi! Mẹ nói khi đang đan.
Bố suy nghĩ một lúc rồi gật đầu đồng ý. Mẹ vào phòng ông nội và lấy một thứ gì đó cho tôi. Đó là một chiếc khăn tay cũ có họa tiết những con lạc đà nhiều màu sắc khác nhau xung quanh đường viền và nhà thờ Hồi giáo hình mái vòm ở giữa. “Cầm lấy đi” - mẹ đưa nó cho tôi. "Ông của con luôn mang theo chiếc khăn tay này trong suốt cuộc đời của mình".
Tôi dậy sớm vào ngày khởi hành với cảm xúc mạnh mẽ. Cơ hội để nhìn thấy vùng đất đầy nắng của ông nội, nơi cũng là quê hương của Mushtariy trên thực tế đã gây ấn tượng rất nhiều đối với tôi. Hơn nữa, tôi đã hoàn toàn bị Mushtariy mê hoặc.
Bố đi làm sớm nên tôi chỉ chào tạm biệt mẹ khi taxi đến. Mẹ thút thít ôm chặt và vẫy tay với đôi mắt ngấn lệ.
***
“Đầu tiên, chúng ta sẽ đến thăm nghĩa trang ở Heerstrasse”. Tôi nói với tài xế taxi khi xe chạy trên đường cao tốc.
Khi chúng tôi đến nghĩa trang, mặt trời đã sáng. Tôi đã tìm thấy ngôi mộ của ông và xem bức tranh chạm khắc trên đá cẩm thạch. Tôi thấy như thể ông đang hỏi: "Cháu đi đâu vậy Isfandiyor?".
Khi tôi quỳ xuống trước mặt ông, bức ảnh càng hiện ra rõ hơn. “Ông ơi, cháu về quê của ông đây” - tôi nói, tay vuốt mặt đá cẩm thạch.
Không một tiếng động phát ra từ ngôi mộ nhưng hình ảnh của ông lại dẫn dụ tôi đến câu hỏi: "Isfandiyor, cháu đi đâu vậy?!".
Từ trong sâu thẳm, tôi nhận ra rằng cội nguồn của quê hương thật ra là điều vô cùng linh thiêng!