Ðiểm hẹn văn hóa nơi xứ Ðoài mây trắng
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:03, 24/08/2022
Coi sách như người bạn tốt
Từ quốc lộ 32 trên địa phận thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), tôi không khó khăn khi tìm vào Xứ Đoài Books. Đó là căn nhà 3 tầng tại một khu tập thể, trước cửa nhà chủ nhân treo mành tre, trồng trúc, và bố trí các chậu lan, tạo nên một không gian giao lưu, đọc sách thú vị. Khi mành được kéo lên, hai câu thơ thể hiện sự hiếu khách của “chủ quán” hiện ra: “Tháo phên trước cửa nghênh tân khách/ Lật vách sau hè tiếp cố nhân”.
Dáng người nhỏ nhắn, hoạt bát, “chủ quán” Nguyễn Mạnh Hùng niềm nở cho biết, anh mê đọc sách từ rất sớm. Từ hồi mới vào lớp 1, do nhà ở gần hiệu sách tại ngã tư Trạm Trôi nên buổi trưa anh thường ra hiệu sách để ngắm nhìn sách qua lớp kính, và cũng thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua truyện tranh đọc.
Khi học lên đại học, anh đã làm thẻ Thư viện Quân đội, Thư viện Hà Nội, Thư viện Quốc gia để thỏa mãn đam mê vào ngày nghỉ cuối tuần hay những kỳ nghỉ hè. Nhiều hiệu sách cũ có tiếng tại Hà Nội như hiệu sách của bác Cảnh ở phố Bát Đàn, anh Dư ở phố Bà Triệu hay bác Điền phố Thụy Khuê, chị Nga phố Trần Quốc Hoàn là những địa chỉ quen thuộc để anh tìm sách, nhờ mua mỗi khi cần.
Hiện nay, khi công nghệ phát triển, anh Hùng thường tìm sách, giao lưu, mua sách cũ và mới qua sàn Tiki, Shopee... hay các nhóm trên facebook, zalo...
“Tôi quý trọng sách và coi sách như người bạn tốt vì sách có tên (sách), có tuổi (năm in), có trọng lượng, kích thước, có kỷ niệm và ký ức riêng... Chính vì thế các sách cũ sưu tầm được nếu bị rách áo, mất gáy, long chỉ hay thậm chí thiếu ruột, tôi khâu tay, in bìa, đóng lại cẩn thận, thậm chí mò tìm bản gốc để photo bổ sung phần ruột sách đã mất. Những sách cũ sưu tầm được, tôi áp dụng quy trình bảo quản cẩn thận, sắp xếp, phân loại, đánh mã số, ghi thẻ, bọc nilon, lót chèn bìa các tông, để trong những vỏ hòm gỗ thông đựng đạn, ngày nắng bê thùng mang phơi, kê cao ráo... nhằm tăng tuổi thọ cho sách” - anh Hùng chia sẻ.
Điểm hẹn nhân văn
Đến với Xứ Đoài thi quán, ngoài việc đọc sách, khách sẽ được thưởng thức văn học nghệ thuật một cách độc đáo. Ở đó, anh Hùng thiết kế một dàn âm thanh cổ kết nối hệ thống máy tính cho phép người xem tìm và thưởng thức các tác phẩm thơ nhạc của thi nhân xứ Đoài, như “Tống biệt” (Tản Đà), “Mắt người Sơn Tây”, “Ba Vì mờ cao” (Quang Dũng), “Thuyền và biển” (Xuân Quỳnh)... qua giọng ca của các danh ca Thái Thanh, Duy Trác, Kim Ngọc... Ngoài các tủ và giá sách cũ, quán có một góc trưng bày dành cho nhà thơ Quang Dũng - người con của quê hương Đan Phượng.
Hiện quán có vài nghìn đầu sách của mọi thể loại: Từ điển, kỹ thuật, tin học, lập trình, ngoại ngữ (Anh, Nga, Pháp), sách Đông y, triết học, Phật giáo, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo, sách giáo khoa, luận văn, kỹ năng sống, nữ công gia chánh, gia đình, nấu ăn, nuôi dạy con, văn học nước ngoài, văn học Việt Nam... Trong đó, sách văn học chiếm số lượng nhiều nhất và có mọi thể loại thơ ca, chèo, lý luận phê bình, truyện ngắn, tiểu thuyết...
Những cuốn sách văn học, các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời kỳ trung đại, thời kỳ cận đại và của hơn 100 các nhà văn, nhà thơ thời hiện đại xứ Đoài đã được anh sưu tầm bằng nhiều nguồn khác nhau: Nhận sách tặng khi tham dự các buổi giao lưu tại Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài, Câu lạc bộ Thơ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian, tìm mua từ các hiệu sách cũ khắp Bắc - Trung - Nam mỗi khi đi công tác, trao đổi sách với khách ghé thăm, xin và vận động các nhà văn, nhà thơ ở khắp mọi miền Tổ quốc...
Là người có sách được trưng bày tại Xứ Đoài thi quán, nhạc sĩ Đoàn Bổng chia sẻ: “Trong thời đại hiện nay, số người yêu sách và trân trọng giá trị của văn học nghệ thuật như anh Hùng quả thật không nhiều. Xứ Đoài là mảnh đất có nhiều người làm văn học nghệ thuật nổi tiếng của cả nước, sự ra đời của Xứ Đoài thi quán là một sự tri ân, một cách giáo dục truyền thống với thế hệ trẻ rất thiết thực, bổ ích. Đối với những người có sách được trưng bày tại Xứ Đoài thi quán như tôi thì đó là niềm cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn”.
Là người theo sát hoạt động của Xứ Đoài thi quán, nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ sĩ xứ Đoài cho rằng, việc thành lập Xứ Đoài thi quán của anh Nguyễn Mạnh Hùng cần được khuyến khích, động viên. “Đó là một việc hết sức ý nghĩa. Câu lạc bộ văn nghệ sĩ xứ Đoài (với hơn 300 thành viên) cũng đã nhiều lần tổ chức về thăm Xứ Đoài thi quán và các thành viên đều cảm nhận đây là một ý tưởng độc đáo, thú vị, nhân văn, ý nghĩa” - nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hà nhấn mạnh.
Mơ về bảo tàng văn học
Dù Xứ Đoài thi quán đã thu hút được lượng không nhỏ người yêu văn học nghệ thuật nhưng anh Hùng vẫn mơ ước xây dựng Bảo tàng Văn học xứ Đoài để lưu giữ nhiều hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Vốn công tác tại một viện nghiên cứu đầu ngành của quân đội, trong thời gian tại ngũ anh đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, nhiều dự án và thường xuyên chuẩn bị các mô hình trưng bày sản phẩm nghiên cứu phục vụ hội nghị quốc phòng các cấp, nên anh đã tham khảo mô hình các bảo tàng tư nhân trong nước và của các nước khác trên thế giới qua internet rồi xem xét, tính toán thiết kế bảo tàng riêng.
Anh Hùng cho biết anh đã lên kế hoạch xin phép chính quyền, đã có đất để xây. Cụ thể, bảo tàng sẽ được thiết kế gồm có khu A và khu B. Khu A có diện tích đất gần 400m2, tọa lạc ven sông Hồng (thôn Thượng Trì, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng), anh dự kiến làm phần bảo tàng “Xứ Đoài thơ” trước (giai đoạn 1). Khu B tọa lạc tại trung tâm thị trấn Phùng, với diện tích gần 100m2 đất và sẽ xây 7 tầng với hơn 700m2 sàn để làm “Xứ Đoài văn” tiếp theo (giai đoạn 2).
“Tại đây, người yêu sách có thể thưởng ngoạn các bộ sưu tập sách, tìm một cuốn thơ mà mình thích, ngắm nhìn các bộ gỗ lũa kỳ dị hay thưởng ngoạn thư pháp, tranh, ảnh đen trắng về xứ Đoài xưa. Một vài ván cờ trong khi nhâm nhi chén trà dưới mái hiên khi mưa rơi hay đung đưa trên võng đay dưới gốc xoài mát mẻ vào một chiều gió..., đó sẽ là một khoảng trời trong trẻo, tinh khiết đưa bạn về gần với thiên nhiên, nơi tâm hồn bạn sẽ lắng dịu, tạm tránh mệt mỏi với cuộc sống ồn ào bộn bề nơi thành thị” - anh Hùng chia sẻ thêm.
Làm bảo tàng văn học sẽ rất kỳ công, tốn kém nhưng anh Hùng luôn lạc quan, tin tưởng vào những điều mình làm. Anh bảo, là người con của mảnh đất xứ Đoài anh luôn đau đáu về sự mất đi, sự phai nhạt giá trị của văn học nghệ thuật trong mỗi người. Giá trị của văn học nghệ thuật của “mảnh đất trù phú” như xứ Đoài thật không có tiền nào có thể mua được. Đó là niềm tự hào của những người con xứ Đoài hôm nay, mai sau. Bởi thế, anh sẽ cố gắng xây dựng, vận hành một bảo tàng văn học chuyên nghiệp, hiện đại, đặt giá trị của văn hóa lên trên hết, trước hết.