Sự tích Thành hoàng và di tích xã Thịnh Đức, Thịnh Đức Hạ
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:28, 24/05/2018
Trang Thịnh Đức, tổng Thịnh Phúc, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông đời Trần - Hồ (TK 13) thuộc huyện Phù Lưu, châu Thượng Phúc, lộ Đông Đô gồm 5 thôn: Thịnh Đức Thần (thôn Thần, Minh Đức, Ứng Hòa), Thịnh Đức Thượng (thôn Giẽ Thượng, Phú Yên, Phú Xuyên), Thịnh Đức Hạ (thôn Giẽ Hạ, Phú Yên, Phú Xuyên), Thịnh Đức Cầu (thôn Cầu, Minh Đức, Ứng Hòa) và Thịnh Đức Bùng (thôn Bùng, Minh Đức, Ứng Hòa) cùng thờ Thượng Đẳng thần Đại Đô Thành hoàng là Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương Đức Hoàng Hai và Đức Hoàng Hậu Ngọc Tiên D
Đình Giẽ Hạ
Theo cuốn Ngọc phả trong Thư viện Hán Nôm tựa đề “Lễ bộ Thượng thư, Quản giám Bách thần, triều Lê, phụng sao Thần tích cổ truyện” do PGS. TS Đỗ Thị Hảo (Viện Hán Nôm) dịch: “Kính phục sắc chỉ của Hoàng Đế Bệ Hạ. Sắc phong cho Sa Giang Quảng Bác, đền thiêng linh ứng, hùng tuấn uy linh, tôn nghiêm chính thuận, sơn xuyên tạo dựng tinh anh, sông biển hun đúc khí, cao phối tới trời, dầy sánh với đất. Bảo vệ đất nước, che chở cho dân, tiếng tăm và anh linh của Thần rạng rỡ. Âm phù vận nước, cao vời sáng suốt, dựng công tích lớn lao. Đã lấy anh linh tạo dựng việc tốt lành, vận dụng thần cơ kỳ diệu, lại thể hiện thần công cảm ứng rõ ràng. Cơ đồ nhà vua được bền vững, ban ân huệ rộng khắp nơi nơi, giáo hóa văn minh, căn cứ theo ngọc phả sắc phong cho Thần vào hàng Thượng Đẳng. Sắc cho Thần là: Đại Đô Thành hoàng Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương Đức Hoàng Hai, Sa Giang linh từ kính phục sắc chỉ. Ban cho trang Thịnh Đức, tổng Thịnh Phúc, huyện Phù Lưu thờ phụng Ngài. Ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn, Đệ nhị tiên cung là Tiên Dung Châu, xuất thần hiện ra, là tiền nhân giáng sinh, tên là Giáng Tiên. Khi nàng trưởng thành da trắng mịn màng, tóc óng như gương, mắt sáng long lanh như trăng thu. Người xưa ví nàng như hoa biết nói, như ngọc sinh hương, sắc đẹp tuyệt vời không tả xiết. Nàng thường ở nhà một mình chuyên tâm học hành đọc sách, không cần người dạy mà vẫn giỏi sáo đàn, tinh thông âm luật, tài năng sánh được với nàng Lộng Ngọc vợ vua Thuấn. Những lúc rỗi rãi, nàng thường nhàn du ở Thăng Long đất Giao Chỉ, tình cờ gặp gỡ vua Hùng thứ 8 là Hùng Vỹ Vương, vua rất ưng ý triệu về cung và phong nàng làm Cung phi chính thất. Hai năm sau thì có thai, tròn 12 tháng, vào ngày 10 tháng 6 năm Giáp Ngọ, Mẫu chèo du thuyền xuôi tới Ngã Ba Sa (nơi hội tụ của sông Sa, sông Nhuệ và sông Mang Giang) thấy cây cối tốt tươi, dân cư đông đúc, bèn hạ lệnh cắm thuyền lại tắm gội; đến ngày 12 tháng 11 năm Thân, Đức Hoàng hậu Ngọc Tiên Dung Châu sinh hạ được một bọc nở ra 5 người con trai. Người xưa vẫn ca ngợi “Nhất bào ngũ tử”, hôm đó hương thơm ngào ngạt không gian, mọi người đều mừng rỡ. Vua cha ban thưởng nhiều bạc vàng, châu báu, gấm vóc, ban cho sắc phong và quan chức thật vinh hiển. Nhưng Đức Hoàng Hai đều khước từ, chỉ một mực xin: Khi nào hóa được về yên nghỉ tại chỗ Mẫu thân đã khai hoa, chôn rau cắt rốn. Công lao của các thánh thần lưu truyền vạn cổ, Quảng Bác hiển linh tên tuổi ngàn năm còn trong sử sách, mãi mãi linh thiêng phù giúp cơ đồ. Công tích lớn lao trừ di át dịch, vận nước dài lâu, công lao Thần ghi rõ trong thần tích của các địa phương. Cả 5 anh em đều là quý tử, sinh cùng ngày, rồi lại cùng hóa. Sau khi hóa, vua ban cho sắc chỉ phong là Thủy thần, hội họp các quan trong triều sai quan Giám Quốc sư phát sắc phong thần cho 72 nơi thờ phụng. Giám Quốc sư mang sắc đến trang Thịnh Đức, thuộc huyện Phù Lưu triệu tập các vị bô lão trao sắc và 30 quan tiền để dân thiết lập đền miếu thờ thần. Đền nằm theo hướng Tây Bắc, nhìn sang Đông Nam, phía trước là ngã ba sông, phía sau có núi, nước bao quanh, ngôi đền cao vọi ở giữa, thế đất ở đây giúp cho nhiều người giàu có và sản sinh ra nhiều anh tài. Dân trang Thịnh Đức được trao nhiệm vụ phụng sự linh từ mãi mãi muôn đời”.
Đình Giẽ Thượng
Sau khi được tấn phong Hoàng hậu Tiên Dung Châu có dịp lưu dấu ở chùa Phúc Nhuệ Tự (chùa Rồi) thuộc thôn Cựu (Vân Từ, Phú Xuyên) để xin đức Phật ban phước lành cho mình và cho muôn dân. Chùa xây dựng khoảng trên 500 năm nay, chùa rất linh, trong chùa có một giếng thiên tạo quanh năm nước đầy; trong hậu cung ở đền Ba Sa thôn Thần có một cái giếng nhỏ rất sâu lỗ khoảng 40 phân vuông, nếu thả một quả bưởi xuống đó thì theo mạch nước ngầm nó sẽ trôi về giếng chùa Rồi. 5 Lạc tướng được các đền thờ thần là: Thượng Thượng Đẳng Tối linh từ Quảng Xung Linh Tế Đại Vương (tại xã Hữu Vĩnh, huyện Hoài An – nay là đền Đức Thánh Cả); Thượng Thượng Đẳng Tối linh từ Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương (tại xã Thịnh Đức, huyện Phú Xuyên); Thượng Thượng Đẳng Tối linh từ Quảng Xuyên Linh Quang Đại Vương (tại xã Quảng Tái, huyện Sơn Minh); Thượng Thượng Đẳng Tối linh từ Quảng Tế Linh Ứng Đại vương (tại xã Bài Nhiễm, huyện Duy Tiên); Thượng Thượng Đẳng Tối linh từ Quảng Hóa Cư Sỹ Đại vương (tại xã Vĩnh Trung, huyện Thanh Trì).
Ngày 12 tháng 6 âm lịch, dân chúng hàng tổng Thịnh Đức, cả 6 thôn (Thượng, Hạ, Thần, Bùng, Cầu và Thủy Phú) lại mở đám lớn lễ hội cầu phúc (xưa 10 ngày) nay còn 2 ngày (ngày 11/6 âm lịch tổ chức lễ Bao sái mục dục dâng cúng thanh bông hoa quả). Ngày 12/6 âm lễ chính cầu phúc (có cờ quạt rước Thủy thần Tam Giang về nhập tịch, tổ chức hát xướng, dâng cúng hoa quả + cỗ chay + xôi + rượu + gà + lợn) tại đền, đình thờ Thần Đức Thánh Quảng Bác và Đức Quốc Mẫu Ngọc Tiên Dung Châu. Ngày 12 tháng 11 âm ngày hóa của Thần làm lễ cầu phúc dâng cúng thanh bông hoa quả, cỗ chay. Lệ hàng năm, ngày Rằm tháng Giêng Tiên Mẫu giáng hạ (dùng lễ cỗ chay, cắt giấy ngũ sắc, tổ chức ca hát). Ngày 10 tháng 2 âm hàng năm, làm lễ tế xuân (lễ vật tùy nghi). Ngày 10 tháng 5 âm hàng năm, làm lễ cơm mới (lễ vật tùy nghi). Ngày 12 tháng 6 âm hàng năm, làm lễ cầu phúc (dùng cỗ chay, cờ quạt rước Thủy thần Tam Giang về nhập tịch, làm lễ mục dục, tổ chức hát xướng. Ngày 12 tháng 11 âm hàng năm, làm lễ cầu phúc (lệ như trên). Ngày 10 tháng 8 âm hàng năm, tế thu (tùy nghi). Cả 6 thôn đều thờ thần Thượng Đẳng Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương Đức Hoàng Hai và Đức Hoàng Hậu Ngọc Tiên Dung Châu đều có tục kiêng húy: Chữ + tên chỉ “châu” gọi chệch là “nghé”, chữ + tên “Bác” gọi chệch là “Bá”. Năm 1989, khi nhân dân đào ao (sau đình thôn Bùng) phát hiện được 7 ngôi mộ cổ đã bị phá hủy, chỉ còn 1 mộ nguyên vẹn. Thi hài trong 7 mộ còn lại nhiều ít khác nhau. Hiện vật tùy táng phong phú, đủ các vật liệu đồng, chì, sắt, tre, gỗ, sành sứ (rìu đồng, chậu đồng, giáo đồng, vại sánh, đĩa gỗ, thước gỗ...) thuộc văn hóa khảo cổ học Đông Sơn, cách ngày nay trên 2500 năm.
Đình Giẽ Hạ xây dựng vào thế kỷ thứ 17, có quy mô to lớn. Tương truyền, vào năm Lê Chính Hòa thứ 7 (1686), cụ Đặng Đình Tướng là người Thượng Đức Hạ làm quan ở vùng Thanh Nghệ đã sai người em con ông chú là Vân Trung hầu Đặng Đình Bác đi kén mua gỗ xin trở về cung tiến cho làng. Sau khi có gỗ, dân làng đã đứng ra dựng 5 gian đại đình, dáng lùn, chiều dài 20,8 m rộng 10,4 m có 4 mái đao cong. Cột to chu vi 1,8 m cao 4,3 m trên đỉnh có đấu vuông thót đáy. Những bộ vì làm theo kiến trúc chồng giường kẻ bẩy và chồng giường cốn. Trên kiến trúc của 2 bộ vì gian giữa là bức cốn trang trí những mảng khối hoa văn nghệ thuật khá chuẩn mực đậm nét truyền thống.
Đình Giẽ Thượng còn lưu giữ được 11 đạo sắc. Đến triều Nguyễn vua Duy Tân thứ 6 (1912), nhân dân địa phương tu bổ tôn tạo gian giữa nâng cao thêm một tầng mái. Hiện nay có hai tầng tám mái đao cong mang nhiều ý nghĩa về hình học. Lớp mái phía trên như thái cực dương, lớp mái phía dưới như thái cực âm, tám lá mái là hiện thân của bát quái. Việc nâng cao gồm gian giữa 2 tầng 8 mái tạo như một tòa thiêu hương làm cho đình Giẽ Thượng thêm khang trang bề thế. Lớp kiến trúc chính vẫn còn giữ nguyên được thời khởi dựng gồm: Hàng cột gỗ lim to búp măng, trên đầu có đấu vuông thót đáy để đặt câu đầu. Hệ thống xà nách, bẩy hiên, bẩy hậu, con giường trê thân má đều được đục chạm hình đầu rồng hoa lá đuôi vút bút lông; vì đốc trái còn khối tượng voi, tượng người phong cách mỹ thuật giữa thế kỷ 17. Những bộ vì giường cốn ở gian chính giữa đều được chạm trổ kênh bong với các đề tài vân xoắn, đầu rồng hình mắc lửa, hoa cúc, tượng người săn bắn. Ở bộ vì bên trái những con rồng với đao mác rất mạnh, dứt khoát bay ra từ mắt, những con lân đang nô giỡn và con voi tạo ra sự náo nức. Phía sau còn có tượng người cưỡi thú giống như đình Chu Quyến.
Cả đình Giẽ Hạ, đình Giẽ Thượng và Đền Ba Sa đều đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật.