Cảm phục tấm lòng nhân ái của cụ bà gần 80 tuổi vẫn làm từ thiện
Tin tức - Ngày đăng : 08:35, 24/05/2018
Với tấm lòng nhân ái luôn sẵn sàng giúp đỡ những gia đình khó khăn, những phận đời lang thang, cơ nhỡ, khuyết tật của cụ bà Trần Thị Phúc, biết bao mảnh đời bất hạnh đã được "xây" lại...
Chúng tôi gặp bà Trần Thị Phúc trong con phố nhỏ Lương Sử C, cụm dân cư số 5 (phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) khi bà đang tất bật với công việc bếp núc chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà. Đã bước sang tuổi 78 nhưng nhiệt huyết muốn đóng góp công sức, giúp đỡ những em nhỏ, những phận đời khó khăn trong bà vẫn vẹn nguyên như thời còn son trẻ.
Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng bà Trần Thị Phúc vẫn luôn nhiệt huyết, sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, cơ cực.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, lập gia đình chưa được bao lâu, theo tiếng gọi của Tổ quốc chồng bà Phúc đã tham gia chiến trường bảo vệ Tổ quốc năm 1965. Đến năm 1969 gia đình bà bất ngờ nhận được giấy báo tử của chồng từ chiến trường Bình Trị Thiên. Bà Phúc nhớ lại, nỗi đau là quá lớn, lúc đó bà vừa làm công nhân nhà máy đường tại Hưng Hà, Thái Bình vừa một mình gồng gánh nuôi dạy 2 con thơ. Trong khi đất nước vẫn trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nên cuộc sống của gia đình rất khổ cực, thiếu thốn đủ bề…
Bà Phúc chia sẻ, mỗi khi nhìn những đứa trẻ gầy gò, ốm yếu, da xanh tái vì đói ăn, những phận đời bất hạnh bà thương lắm nên nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ những mảnh đời như vậy. Nhớ về kỷ niệm của mình khi tiếp xúc với những phận đời bất hạnh, bà kể: “Có một lần tôi gặp một người nằm trên vỉa hè đường khu Hào Nam, hỏi ra mới biết anh bị uốn ván chân, anh kêu cháu đau lắm, bác sĩ bảo phải tiêm uốn ván và mổ thì mới khỏi nhưng anh không có tiền… Thương quá, tôi chạy ra chợ Hào Nam mua được cái bánh tẻ cho anh ăn xong nhưng vì đi chợ về nên chỉ còn mấy chục nghìn, tôi bảo anh chờ tôi về nhà xem còn tiền tôi mang ra cho. Về cửa hỏng mãi mới mở ra được, tôi quay lại thì anh đi mất rồi, chắc do chờ tôi lâu quá. Từ đó tôi ân hận mãi vì không giúp anh ấy được…” - bà Phúc xúc động nhớ lại.
Ông Nguyễn Bá Võ - Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi cụm dân cư số 5 cho biết, ngay sau khi nghỉ hưu, bà Phúc tích cực tham gia công tác xã hội tại khu phố, là ủy viên ban mặt trận phường Văn Chương. Hơn 10 năm về đây bà luôn dành thời gian làm công tác từ thiện và giúp đỡ các hội đoàn thể như: Hội cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, Hội người cao tuổi, Hội chữ thập đỏ, tổ dân phố và cụm dân cư. Với các gia đình nghèo khó, nhất là đối với các cháu học sinh nhà nghèo học giỏi có hoàn cảnh khó khăn bà mua gạo, sách bút để tặng.
Cháu Phạm Thị Liêu Chinh sinh năm 2003 học sinh trường Trần Nhật Duật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì bố mẹ bỏ nhau, bố một nơi, mẹ một nơi. Cháu Chinh phải ở với bà ngoại, trong khi đó bà già yếu, mắc chứng bệnh thần kinh. Nhờ sự giúp đỡ của bà Phúc, cháu Chinh năm nào cũng là học sinh giỏi…
Được biết, hơn 10 năm qua bà luôn hỗ trợ cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn phường Văn Chương, hỗ trợ Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội cựu thanh niên xung phong…Thậm chí, tiền con cháu cho, bà chi tiêu tiết kiệm để dành một phần để làm từ thiện. Hằng năm, bà còn động viên con, cháu, người thân trong gia đình mỗi người một ít đóng góp cùng địa phương giúp đỡ người nghèo. Các con cháu bà cũng sẵn sàng chung tay để cùng bà làm "việc tử tế”.
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, năm nào bà và con cháu cũng hỗ trợ từ 5 đến 10 em học sinh nghèo với số tiền 1 triệu đồng, Chi hội người cao tuổi 1 triệu đồng (góp phần để chi hội thăm hỏi những hội viên có hoàn cảnh khó khăn - PV), Hội chữ thập đỏ 1 triệu và nhiều phần quà khác cho những phận đời có hoàn cảnh khó khăn khác.
Ông Nguyễn Bá Võ - Chi hội trưởng Hội người cao tuổi cụm dân cư số 5 cho biết thêm, không chỉ các cháu ở cụm dân cư số 5 mà nhiều cháu ở cụm dân cư khác cũng được cụ tài trợ giúp đỡ, ai có hoàn cảnh éo le cần sự giúp đỡ thì bà Phúc luôn sẵn lòng. Các cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn bà rất thương và giúp đỡ. Đối với người cao tuổi hàng năm cụ ủng hộ để xây dựng phong trào “tuổi cao gương sáng”. Đồng thời, bà cùng ban chăm sóc thiếu nhi tặng quà các cháu học sinh giỏi ở cụm dân cư.
“Bà Phúc là một người phụ nữ đã trải qua muôn vàn khó khăn thời chiến tranh, chồng đi bộ đội mà mất ở chiến trường, ở nhà bà làm công nhân nuôi 2 con ăn học trưởng thành. Có nghèo mới hiểu và thông cảm với người nghèo, bà có tấm lòng nhân hậu bao dung - thương trẻ nhỏ khó khăn trong đời thường để học tốt trở thành công dân hữu ích cho xã hội. Bà là tấm gương sáng cho hội viên người cao tuổi cụm dân cư số 5 học tập. Không chỉ nhận được nhiều lời khen ngợi của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ sở chi bộ về những hoạt động thiện nguyện, bà Phúc còn là tấm gương phụ nữ mẫu mực. Hai người con của bà Phúc đều trưởng thành, có trình độ học vấn cao làm việc trong cơ quan Nhà nước…” - Ông Võ nói.
Suốt thời gian trao đổi với chúng tôi, bà Phúc không nói gì đến thành tích của mình. Bà chỉ tâm sự, ngay từ nhỏ bà đã nếm trải cảnh nghèo khó nên hiểu được nỗi cơ cực của những mảnh đời cơ nhỡ, thiếu cơm ăn, áo mặc. Nay tuy gia đình chưa giàu có, chưa có nhà cao, cửa rộng, nhưng con cháu trưởng thành, có tiền lương hưu nên bà sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh éo le. Bà luôn tâm niệm làm được việc gì có ích cho xã hội phải cố gắng làm, làm để lấy phúc đức cho con cháu.
Nửa đời gắn với việc thiện nguyện, giờ đã ở tuổi mà người ta nghĩ đến niềm vui tuổi già, nghỉ ngơi quây quần bên gia đình, con cháu nhưng ngày ngày bà Trần Thị Phúc vẫn lặng thầm, tiếp tục cần mẫn với công việc thiện nguyện, cứ có thông tin về những phận đời bất hạnh bà lại “xuất hiện” giúp đỡ, chăm lo.
Nói về những việc làm của bà Trần Thị Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương Nguyễn Thị Kim Xuân cho biết, tuy đã gần 80 nhưng bà Phúc vẫn vui vẻ khỏe mạnh, đi làm việc thiện. “Gắn kết tình thương, giúp mọi người sống vui, sống khỏe, bà Phúc là gương sáng trong các hoạt động từ thiện, luôn chia sẻ đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội mà địa phương phát động, đáng quý hơn là tấm lòng thơm thảo của bà luôn được nhân dân lối xóm đón nhận với niềm tin yêu, kính trọng…” - Bà Xuân cho hay.