Phố Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 15:12, 25/05/2018
Phố Phạm Ngũ Lão dài 620m, rộng 8m.
Đây nguyên là đất khu Thủy Quân Đồn, thuộc thôn Tây Long, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đồn này thường gọi tắt là Đồn Thủy, là một doanh trại thủy quân. Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, chúng đã bắt triều đình nhà Nguyễn dâng cho chúng một khoảnh đất thuộc Đồn Thủy này để chúng làm nhà ở cho viên lãnh dự và tùy tùng, gọi là khu Nhượng Địa. theo Thương ước 31/8/1874 khu này rộng 2 hécta. Nhưng chỉ 1 năm sau, theo Hiệp định 31/8/1875, Nhượng Đại đã rộng tới 18 hécta. Phố Phạm Ngũ Lão nằm gọn trong khu ấy nên Pháp đã đặt tên là phố Nhượng Địa (rue de la Concession). Tại đầu phố, Pháp đã xây tòa Lãnh sự, thời gian này tới năm 1906, nơi đây là cơ quan đầu não của bộ máy xâm lược và cai trị của thực dân Pháp, là nơi làm việc của lãnh dự, đại bản doanh của quân đội, tòa Tổng công sứ, và cuối cùng trở thành phủ toàn quyền. Tới năm 1906, xây xong Phủ Toàn quyền mới thì tòa Lãnh sự cũ này được chuyển thành nhà Bảo tàng của trường Viễn Đông bác cổ (tới năm 1926 dỡ bỏ nhà cũ để xây nhà mới, khánh thành năm 1932, nay là Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam). Khu nhà ở của sĩ quan thuộc tòa Lãnh dự sau trở thành tư dinh của viên tướng Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Khu nhà làm việc của tùy tùng lãnh sự thì sau thành trụ sở ban tham mưu bên cạnh bộ tổng chỉ huy quân đội Pháp. Trên nóc dãy nhà này còn dòng chữ số đắp nổi 1874 - 1877 ghi thời gian xây dựng.
Phạm Ngũ Lão (1255-1321) người làng Phù Ủng, nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Ông xuất thân là một nông dân nghèo, sau trở thành danh tướng đời Trần, từng lập nhiều công lớn trong hai lần chống quân Nguyên năm 1285 và 1288. Sau đó ông còn nhiều lần đi đánh dẹp quân Lão Qua và Chiêm Thành quấy rối xâm lấn biên giới phía Tây và phía Nam nước ta. Khi ông mất, vua Trần Minh Tông bãi triều năm ngày để tỏ lòng tiếc thương. Dân làng Phù Ủng lập đền thờ ông ở ngay trên nền nhà cũ. Ở Hà Nội, tại phố Lý Quốc Sư cũng có đền thờ ông, do những người làng Phù Ủng di cư lên Thăng Long lập ra từ thế kỷ XIX.