Thị trường nước đóng chai, nước đá: Tránh “vàng thau” lẫn lộn

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 13:39, 29/05/2018

Nắng nóng gay gắt những ngày đầu hè khiến nhu cầu sử dụng nước đóng chai, nước đá của người dân tăng mạnh. Tuy nhiên, giữa một “rừng” nhãn hiệu nước đóng chai, cơ sở sản xuất nước đá dùng liền, thật khó để nhận biết đâu là sản phẩm an toàn, không gây hại cho sức khỏe. Trước tình hình trên, cơ quan chức năng làm thế nào để quản lý thị trường này, tránh “vàng thau” lẫn lộn?
Thị trường nước đóng chai, nước đá: Tránh “vàng thau” lẫn lộn
Kiểm tra một cơ sở sản xuất nước đóng chai trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Thật giả khó lường…

Theo khảo sát của phóng viên, thị trường nước uống đóng chai rất đa dạng, phong phú với đủ loại nhãn mác, giá cả. Từ những hãng có tên tuổi như: Aquafina, LaVie, Vital cho đến những nhãn hiệu thuộc các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ theo quy mô hộ gia đình như: Ale, Bonaqua, Hello, Alive, V-water... Giá mỗi chai nước 500ml được bán từ 3.500 đến 6.000 đồng, mỗi bình 20 lít có giá từ 20.000 đến 45.000 đồng, tùy nhãn hiệu. Thế nhưng, những loại nước uống đóng chai mập mờ tem nhãn, hoặc “nhái” các thương hiệu nổi tiếng được bán với giá “bèo”, từ 10.000 đến 15.000 đồng/bình 20 lít. 

Đáng chú ý mới đây, Công ty Sungod (ở Việt Yên, Bắc Giang) đã bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, xử phạt 27,6 triệu đồng do sản xuất hơn 12 nghìn chai nước uống nhãn hiệu Aquajuta “nhái” thương hiệu Aquafina của Công ty PepsiCo, Inc. Lực lượng chức năng cũng đã yêu cầu Công ty Sungod phải tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm và chấm dứt hành vi làm nhái thương hiệu sản phẩm khác. Thời gian qua, hãng LaVie cũng đã phát hiện hơn 100 nhãn hiệu nước uống tinh khiết đang tiêu thụ trên thị trường “nhái” thương hiệu của công ty.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 477 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền. Vào mỗi dịp hè, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất này được ưu tiên hàng đầu. Từ đầu tháng 4-2018 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố do Sở Y tế chủ trì đã kiểm tra khoảng 30 cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai và nước đá dùng liền. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất có uy tín, đầu tư nhà xưởng và máy móc theo tiêu chuẩn vẫn tồn tại các xưởng sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ, công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là khu nhà xưởng chưa bảo đảm vệ sinh; thiếu trang thiết bị, phương tiện rửa và khử trùng; tem nhãn sản phẩm không đúng quy định…

Theo quy định, một sản phẩm nước đóng chai muốn được chứng nhận bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm phải được kiểm định 14 tiêu chí về lý, hóa, vi sinh. Ngoài ra, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc, thì phải bảo đảm 28 tiêu chí trước khi đóng bình. Quy trình sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình bắt buộc phải trải qua các công đoạn: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, tạp chất, vi sinh… Khi qua hệ thống đóng chai phải là môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, với những hệ thống xử lý nước kiểu rẻ tiền sẽ khó đạt được những tiêu chuẩn nêu trên. Chẳng hạn, cũng là máy khử khuẩn bằng tia cực tím nhưng nếu là thiết bị không bảo đảm, chỉ có thể diệt khoảng 30% vi khuẩn có trong nước ngầm. Nguy hiểm nhất là khuẩn E.coli, luôn có sẵn trong nước giếng khoan, không được khử triệt để, khi vào cơ thể người gây bệnh viêm đường ruột, tiêu chảy. Chưa kể, hàm lượng các kim loại nặng: Chì, thủy ngân…, nếu không xử lý triệt để sẽ tích tụ lâu dần trong cơ thể gây bệnh ung thư. Mặt khác, những loại chai nhựa, bình nhựa kém chất lượng khi đựng nước cũng gây hại cho sức khỏe con người.

Không chỉ nước đóng chai, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo, do giá thành rẻ nên phần lớn các cơ sở sản xuất nước đá dùng liền hiện có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất lạc hậu. Nước đá không bảo đảm vệ sinh có thể chứa các vi trùng gây bệnh là nguồn gốc phát sinh các dịch bệnh, nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của con người như: Tả, lỵ, thương hàn…

Kiên quyết đóng cửa cơ sở vi phạm
Thị trường nước đóng chai, nước đá: Tránh “vàng thau” lẫn lộn
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của TP Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất nước đóng chai trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Trang Thu

Hiện việc sản xuất và kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền gia tăng nhanh. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng, an toàn của mặt hàng này còn chưa chặt chẽ và triệt để. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân chính của thực trạng này là do cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai chưa chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm… Để bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm nước uống đóng chai trên địa bàn.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, công tác quản lý an toàn thực phẩm nói chung và cơ sở sản xuất nước đóng chai, đá dùng liền nói riêng của thành phố đã được phân cấp cụ thể, rõ ràng. Để quản lý tốt mặt hàng này cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng, nhất là phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ngoài việc tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, chính quyền địa phương phải tiến hành xử lý nghiêm minh khi phát hiện sai phạm, đồng thời tái kiểm tra xem cơ sở khắc phục sai phạm đến đâu. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường của bất kỳ đơn vị sản xuất nước đóng chai nào, sau đó công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân. Với những cơ sở không đủ điều kiện yêu cầu đóng cửa, không cho sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, khi lựa chọn sản phẩm nước đóng chai hay nước đá dùng liền, người tiêu dùng cần quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; nên mua ở các cửa hàng có uy tín, quen thuộc hay siêu thị và không dùng các sản phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường như vẩn đục, có màu sắc khác lạ...

Thu Trang/HNM