5 tháng đầu năm 2018 chỉ số CPI tăng 3,01% so với cùng kỳ

Tin tức - Ngày đăng : 08:25, 03/06/2018

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại buổi họp báo chí Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước - mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây, tăng 1,61% so với tháng 12/2017, tăng 3,86% so với cùng kì năm ngoái, bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 1,37% so với cùng kì năm ngoái, bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ.
5 tháng đầu năm 2018 chỉ số CPI tăng 3,01% so với cùng kỳ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo chí Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018. (Ảnh: Đăng Chung).

Với những kết quả đạt được song song với những hạn chế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát sát diễn biến tình hình trong nước, khu vực và quốc tế để có những phản ứng chính sách kịp thời; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời nêu rõ trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tích cực, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công, kiểm soát tốt lạm phát...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các giải pháp điều hành để mục tiêu lạm phát dưới 4% phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.

Trong kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu phải theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, cân đối cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường; điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung; theo dõi diễn biến vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, đặc biệt chú trọng tới quản lý giá thép, đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu vật liệu cho xây dựng tăng cao; tiếp tục rà soát các dự án BOT, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm phí BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, hướng mạnh tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá theo hướng thận trọng. Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi NSNN, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp... Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng, có biện pháp hiệu quả chống thất thu đối với các hoạt động chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, thu hồi nợ đọng thuế.

Quyết liệt hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến; bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

Tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đầu giảm lãi suất cho vay; triển khai tích cực, có hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng quy mô tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đối với các chương trình tín dụng, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành nông nghiệp và các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lượng mưa, mực nước các sông suối, lượng trữ của các hồ chứa; chỉ đạo phòng chống hạn hán, úng ngập phục vụ sản xuất đạt hiệu quả; bảo đảm an toàn công trình hồ đập trong mùa mưa lũ.

Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi thành phần đầu tư. Quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm, tranh thủ hơn nữa các chính sách hỗ trợ của nhà nước về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm giảm chi phí sản xuất.

Chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường tiêu dùng trong nước trên cơ sở bảo đảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp thông qua tổ chức hội chợ thương mại; xây dựng thương hiệu hàng hoá, sản phẩm. Tập trung triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu, xây dựng các biện pháp hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ, phương tiện phục vụ du khách, nhất là trong mùa cao điểm Hè năm 2018; lý chặt chẽ các dịch vụ du lịch, ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch; đẩy mạnh công tác rà soát, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ lưu trú trên toàn quốc.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách đối với người có công với cách mạng; các giải pháp về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, phát triển thị trường, giới thiệu việc làm, cung cầu lao động; tăng cường các biện pháp bảo hộ lao động, phòng cháy, chữa cháy. Đánh giá đúng tình hình thất nghiệp, thiếu việc làm, có giải pháp giải quyết việc làm thiết thực, hiệu quả, nhất là đối với thanh niên, sinh viên tốt nghiệp mới ra trường. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thất nghiệp được tham gia đào tạo và đào tạo lại để sớm quay lại thị trường lao động, tìm được việc làm.

Ngành giáo dục tăng cường phối hợp, chỉ đạo tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2018 – 2019; chỉ đạo triển khai các giải pháp thiết thực phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh trong dịp hè 2018; quan tâm chỉ đạo các vấn đề cụ thể liên quan đến môi trường giáo dục, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, xử lý nghiêm các trường hợp bạo lực học đường; tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất trường học, nhất là vấn đề về an toàn thực phẩm và điều kiện nhà vệ sinh trong trường học.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện trong đó có đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và xây dựng các dự án bệnh viện; làm tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ sở khám chữa bệnh; chủ động thực hiện giải pháp hiệu quả phòng chống các bệnh truyền nhiễm, nhất là các dịch bệnh có khả năng bùng phát cao trong mùa hè.

Tăng cường công tác dự báo thời tiết và phòng chống thiên tai; tích cực triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tài nguyên; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ phá rừng;...

Quyết liệt triển khai việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế. Tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương chủ động, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, xã hội về tình hình các mặt kinh tế-xã hội, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Về công tác chuẩn bị nội dung chất tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ được Quốc hội yêu cầu chất vấn chuẩn bị tốt nội dung trả lời trước Quốc hội. Các thành viên Chính phủ khác chủ động theo dõi những vấn đề cử tri, Quốc hội quan tâm, chuẩn bị và phối hợp tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Đăng Chung