Phố Phạm Sư Mạnh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:23, 05/06/2018
Phố Phạm Sư Mạnh dài 200m, rộng 6m.
Đây nguyên là phần đất phía nam của Bảo Tuyền tức là nơi đúc tiền thời Nguyễn, cũng gọi là Tràng Tiền. Tràng Tiền này bị bãi bỏ vào đầu thời Pháp thuộc. Do vị trí đó mà Pháp đã gọi phố này là phố Xưởng đúc tiền (rue de la Sapèquerie).
Nay thuộc phường Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.
Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV) là người làng Hiệp Thạch (nay là xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Ông tên tự là Ủy Trai, là học trò Chu Văn An, đỗ thái học sinh năm 1323, làm quan trải ba triều vua Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông, giữ nhiều trọng trách đến chức Nhập nội Hành khiển. Năm 1345, ông được cử đi sứ Trung Quốc để trả lời về vấn đề cột đồng Mã Viện mà triều đình nhà Nguyên nêu ra để kiếm cớ gây chuyện. Cứng rắn về nguyên tắc, mềm mỏng về phương pháp, ông đã đập tan được âm mưu gây sự của nhà Nguyên.
Văn thơ ông còn lưu lại trong “Hiệp Thạch tập”. Qua tác phẩm này, nhận thấy ở ông có một tấm lòng yêu nước nồng nàn, mang đậm tính dân tộc. Tại núi Kính Chủ ở quê hương ông, trên vách đá có khắc bài thơ bút tích của ông.