Chất vấn tại Quốc hội sáng 5-6: "Nóng" vấn đề xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 12:10, 05/06/2018

Sáng 5-6, tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu về các vấn đề bức thiết như xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường.
Chất vấn tại Quốc hội sáng 5-6:
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.

Cần thay đổi tư duy xử lý rác thải

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận định, việc xử lý chất thải rắn ở đô thị, khu dân cư hiện nay có tính khả thi chưa cao, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang tiếp tục xảy ra. Việc xử lý rác thải chỉ sử dụng phương pháp chôn lấp là chủ yếu, việc phân loại rác tại nguồn chưa làm được.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, mỗi năm nước ta có 12 triệu tấn rác thải nên việc phân loại rác tại nguồn là rất cần thiết ở cả đô thị và địa phương. Nếu hơn 90 triệu người dân cùng tham gia vào công việc này thì hiệu quả rất cao, cả về mặt môi trường lẫn hiệu quả kinh tế. Người dân cần được hướng dẫn để thực hiện việc phân loại rác. 

"Một số loại rác có thể tự xử lý tại các hộ gia đình, các loại khác cần được vận chuyển tới các điểm xử lý tập trung. Việc sử dụng các công nghệ biến rác thành điện, đốt rác... cần tiến hành đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, vận chuyển, trung chuyển, xử lý...", Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, nhiều người dân đã có sáng chế xử lý rác không tốn ngân sách, có thể tạo ra điện năng và phân bón hữu cơ từ rác thải. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là công nghệ có triển vọng phát triển trong tương lai và Nhà nước sẽ hỗ trợ để các mô hình này thành công. 

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, không thể tiếp tục xử lý rác thải bằng cách chôn lấp với quy mô nhỏ lẻ, mà cần phải xử lý rác theo khu vực, áp dụng các mô hình công nghệ tiên tiến. Nhiều mô hình nổi trội đã có sự tham vấn của các chuyên gia quốc tế có thể biến rác thành nguồn năng lượng. Trong trường hợp cần kêu gọi nguồn vốn tư nhân để đầu tư công nghệ xử lý rác thải, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đưa các công nghệ này vào cuộc sống.

Ô nhiễm môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ nét

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) lo ngại, ô nhiễm môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ rệt và đặt ra câu hỏi về các giải pháp đột phá để cải thiện tình hình này. 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thúy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, nông thôn là khu vực cần quan tâm đặc biệt bởi có chất thải từ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp lẫn rác thải từ các làng nghề, nhưng trên thực tế những việc đã làm được chưa nhiều. Chính phủ đã ban hành 3 nghị định về xử lý rác ở các khu công nghiệp và làng nghề. Bộ TN-MT sẽ tổ chức triển khai và bố trí kinh phí thực hiện các giải pháp được nêu trong nghị định này.

Về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Bộ trưởng nhấn mạnh, một số làng nghề truyền thống sản xuất giấy, luyện kim, nhựa... cần phải được quản lý như doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ tăng cường công tác quy hoạch, thắt chặt việc kiểm tra các loại hình ô nhiễm trong làng nghề. Hai vấn đề cần quan tâm nhất ở các làng nghề là thu gom, xử lý tập trung nước thải và sử dụng công nghệ để hạn chế nguồn khí phát thải.

Không tái diễn sự cố môi trường như tại Formosa

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quốc Thưởng về việc, liệu các sự cố môi trường như sự cố tại nhà máy Formosa có tiếp tục xảy ra hay không, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, sự cố tại Formosa sẽ không tái diễn.

Theo Bộ trưởng, sau sự cố môi trường, đến nay toàn bộ phương pháp quản lý tại Formosa đã được thay đổi, có bổ sung thêm công nghệ xử lý môi trường. Với 3 nấc xử lý sự cố tại nơi sản xuất, trong phạm vi nhà máy và ngoài phạm vi nhà máy, nước ở hồ sinh học có thể đạt loại A.

“Với cách làm bài bản từ khâu giám sát, kiểm tra, không có ngành nghề nào có thể xảy ra ô nhiễm nếu làm tốt”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bình Minh/HNM