Hiệu triệu tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường

Tin tức - Ngày đăng : 08:12, 07/06/2018

“70 năm qua, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọn
Đến dự lễ kỷ niệm còn có: các nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố trực thuộc Trung ương... Đặc biệt, về dự lễ kỷ niệm còn có 700 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến qua các thời kỳ. 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. 

Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan tỏa trong cả nước, đến mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, Tổng Bí thư yêu cầu, trong bối cảnh đất nước ta đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen, cần đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, trong đó cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy.

Vì thế, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Hiệu triệu tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường
Thượng úy Trần Bình Phục - người miệt mài 8 năm dạy chữ cho trẻ em ở đảo xa giao lưu tại lễ kỷ niệm. Nguồn ảnh: VOV.
“Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lời kêu gọi thi đua ái quốc nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước nói chung đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhìn lại dòng chảy 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua yêu nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, 70 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung, hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, trong thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của đất nước và hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và quốc tế cũng như cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0  đang tạo ra cả cơ hội và thách thức,  thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên liên tục hằng ngày, từ đó đòi hỏi chúng ta càng nỗ lực hơn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để thi đua thực sự trở thành động lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.

PV