Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Hơn 952.000 thí sinh đăng kí dự thi

Tin tức - Ngày đăng : 18:05, 16/06/2018

Ngày 16-6, tại Thanh Hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị truyền thông, thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Đề thi tăng mức vận dụng kiến thức của thí sinh 

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay, cả nước đã hoàn thành việc đăng kí dự thi cho thí sinh, toàn bộ hồ sơ đăng kí dự thi của thí sinh đã được nhập vào cơ sở dữ liệu quản lý kỳ thi. Các đơn vị đã hoàn thành việc kiểm tra chéo, rà soát và chỉnh sửa các sai sót trong dữ liệu đăng kí dự thi. 
Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Hơn 952.000 thí sinh đăng kí dự thi
Tổng số thí sinh đăng kí dự thi năm 2018 là 952.792 học sinh. Ảnh: Lê Sơn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng kí dự thi năm 2018 là 952.792 học sinh (năm 2017 là 866.066 thí sinh). Trong đó, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 237.326 học sinh; dự thi chỉ xét tuyển sinh là 46.087 học sinh. Số thí sinh vừa xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh là 642.379 học sinh. Cả nước có 2.144 điểm thi, với 39.689 phòng thi. 

Có 341.576 thí sinh đăng kí làm bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, chiếm 37% (năm 2017 là 38%); số thí sinh đăng kí làm bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội tăng 5% so với năm 2017, với 444.538 thí sinh đăng kí, chiếm 48%. Số thí sinh đăng kí cả 2 tổ hợp giảm 3% so với năm 2017 với 36.016 thí sinh đăng kí. Có 11% tổng số thí sinh đăng kí dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Số này là thí sinh tự do, thi để xét tuyển đại học, cao đẳng hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp năm 2017. 

Ma trận đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đảm bảo phù hợp với hình thức đã công bố, theo hướng tiếp tục thực hiện định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi cũng tăng cường các câu hỏi phân hóa kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu công nhận xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp. Căn cứ ma trận đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và công bố bộ đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên, học sinh vận dụng trong dạy học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Hiện nay, đề thi đã sẵn sàng để phục vụ kỳ thi. Công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm. Các địa phương đã có phương án cụ thể, khả thi nhằm bảo mật tuyệt đối đề thi ở tất cả các khâu. 

Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được bàn giao và nghiệm thu, các sở giáo dục và đào tạo đã dùng thử và cho kết quả tốt, sẵn sàng sử dụng. Hệ thống phần mềm quản lý kỳ thi THPT quốc gia vận hành tốt, phần mềm hoạt động thông suốt, không có bất kỳ trục trặc nào. 

Đảm bảo điều kiện tốt cho kỳ thi 

Về thanh tra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, mỗi hội đồng thi có 2 cán bộ thanh tra do giám đốc sở giáo dục và đào tạo trưng tập (1 của địa phương, 1 của trường đại học). Như vậy, cả nước có hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi. 

Bên cạnh thanh tra cắm chốt, sở giáo dục và đào tạo thành lập các đoàn thanh tra lưu động. Ở các khu vực khó khăn hoặc khu vực nào phát sinh vấn đề, thanh tra lưu động sẵn sàng đến hỗ trợ thanh tra cắm chốt. Đồng thời, Bộ quy định mỗi sở phải thành lập các đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ánh về kỳ thi để kịp thời xử lý. Xác định thanh tra là hoạt động quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn cho 63 tỉnh, thành lập các đoàn thanh tra cả 3 khâu: Chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi. Ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy chế thi, nhất là với các vi phạm sử dụng công nghệ cao. 

Cho đến nay, các địa phương đã tích cực triển khai các công việc chuẩn bị tổ chức thi theo đúng kế hoạch. Trong đó, các địa phương đặc biệt thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi, đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt, tuyệt đối không để xảy ra sai sót; đảm bảo an toàn các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các điểm thi của hội đồng thi ở địa phương. Các địa phương cũng rà soát kỹ điều kiện cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị của các điểm thi thuộc hội đồng thi, nhất là các điểm thi ở vùng sâu, vùng xa, điểm thi sát khu dân cư, cơ quan, nhà máy, công xưởng… có thể gây khó khăn cho công tác bảo vệ an ninh trật tự. 

Đối với các thí sinh, người thân, mỗi địa phương đều tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ; tăng cường hỗ trợ các thí sinh là người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh ở những vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại. Nhiều địa phương ở vùng khó khăn đã huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kinh phí cho thí sinh những ngày thi, chuẩn bị các suất ăn miễn phí… 

Các địa phương cũng tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.

tin tức