10 năm mở rộng địa giới hành chính: Mặt "được" là chủ yếu
Tin tức - Ngày đăng : 07:49, 23/06/2018
Sáng 22-6, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô vào Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" (1/8/2008 - 1/8/2018).
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội. |
Sau khi nghe dự thảo báo cáo do lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy trình bày, các đại biểu dự hội nghị đã phát biểu ý kiến đóng góp. TS Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết rất ấn tượng với diện mạo Thủ đô sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12.
Trong đó, Hà Nội đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ để hình thành không gian phát triển mới, tổ chức phố đi bộ, trồng 1 triệu cây xanh; chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện.
"Kết quả đạt được đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô" - TS Trần Danh Lợi đánh giá.
Song, bên cạnh các mặt thuận lợi, ùn tắc giao thông vẫn diễn ra, một phần do quỹ đất của Hà Nội còn hạn chế. Đáng lưu ý, việc thực hiện Luật Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là trong việc cải tạo, tái thiết đô thị, sử dụng các nguồn vốn để đầu tư các công trình quan trọng.
Ở góc nhìn khác, Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hoàng Minh Sơn đề nghị UBND TP Hà Nội bổ sung, đánh giá sâu về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12; bổ sung các vấn đề di dân, cải cách hành chính, giáo dục, giảm nghèo, vấn đề dân tộc, tôn giáo, hạ tầng giao thông... trước và sau khi mở rộng địa giới hành chính.
Trong khi đó, nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, báo cáo cần cập nhật thêm những đóng góp của giới văn nghệ sĩ, tri thức Thủ đô với việc phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc biệt là các di sản văn hóa được triển khai tích cực.
Đồng thời, các ý kiến đề nghị tập trung vào 2 trụ cột chính: Thứ nhất là việc xây dựng và tổ chức chính quyền địa phương bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; thứ hai là kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Từ đó, thể hiện sống động hơn kết quả phát triển toàn diện của Thủ đô.
Bên cạnh đó, làm rõ các hạn chế về cơ chế chính sách, điều gì còn đang cản trở việc thực hiện các chủ trương phát triển khoa học, giáo dục, nông nghiệp, quy hoạch xây dựng đã đề ra, trên cơ sở đó tháo gỡ vướng mắc cho Thủ đô trong quá trình phát triển.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, các ý kiến phát biểu cho thấy, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 những mặt đạt được, thành tựu là chủ yếu... Thành phố tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo, nêu rõ kết quả đã làm được và chưa làm được, thuận lợi, khó khăn thách thức trước mắt và lâu dài.
Đồng thời, thành phố sẽ điều tra xã hội học đối với các tầng lớp nhân dân về kết quả thực hiện 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 để có cơ sở đánh giá một cách chân thực, toàn diện nhất.