Quyết liệt triển khai ngay từ ngày đầu

Kiến trúc - Ngày đăng : 17:36, 09/01/2022

Năm 2021, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu, do vậy, năm 2022, Hà Nội đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.
Quyết liệt triển khai ngay từ ngày đầu
Diện mạo làng quê khang trang, hiện đại ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều khó khăn do dịch Covid-19

Là địa phương có tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lớn nhất của cả nước và đến nay, toàn bộ 382/382 xã này của Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cùng với việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã, đến cuối năm 2021, Hà Nội đã có thêm 4 huyện đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, trình Hội đồng Thẩm định trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Phú Xuyên, Mê Linh, Chương Mỹ và Ứng Hòa. Trước đó, 11 huyện và thị xã Sơn Tây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đạt theo kế hoạch. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên một số dự án triển khai để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao tại nhiều xã gặp khó khăn; trong đó có xây dựng cơ sở vật chất trường học để hoàn thành tiêu chí trường đạt chuẩn mức độ 2. Do vậy, chỉ tiêu 20 xã nông thôn mới nâng cao năm 2021 không hoàn thành (dự kiến chỉ đạt 15-18 xã nông thôn mới nâng cao).

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của người dân nông thôn năm 2021 chỉ đạt 54,07 triệu đồng/người/năm (kế hoạch là 60 triệu đồng/người/năm); kết quả giải quyết việc làm năm 2021 giảm 1,7% so với năm 2020. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung còn thấp, toàn thành phố đạt khoảng 80% (kế hoạch năm 2021 là 85%) và còn 162 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt kiến nghị, thành phố và các sở, ngành có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là các xã khu vực miền núi; đồng thời hỗ trợ thực hiện tiêu chí về trường học, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch…

Bố trí gói hỗ trợ cho 6 huyện

Năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu có thêm 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu thu nhập của người dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,5%; giảm 20% số hộ nghèo so với đầu năm…

Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong năm 2022, bên cạnh việc duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tại các huyện, thị xã và 382 xã đã “về đích”, thành phố sẽ chỉ đạo hai huyện Mỹ Đức và Ba Vì xây dựng kế hoạch cụ thể; đồng thời tập trung và ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa 2 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, các địa phương tập trung và ưu tiên nguồn lực đầu tư, bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu “về đích” đúng kế hoạch. UBND thành phố bố trí gói kinh phí hỗ trợ các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới theo đề xuất của Sở NN&PTNT. Các quận tiếp tục quan tâm hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất; khuyến khích nông dân mở rộng diện tích canh tác cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày. Cùng với đó là củng cố, đổi mới hoạt động khu vực kinh tế tập thể; nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tiếp tục nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

HNM