Hội Hướng dẫn viên du lịch: Phải là “điểm đến” uy tín
Du lịch - Ẩm thực - Ngày đăng : 10:00, 29/06/2018
Sự ra đời của Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam và chi hội hướng dẫn viên du lịch tại các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong Luật Du lịch 2017, góp phần bảo đảm điều kiện hành nghề cho hướng dẫn viên du lịch. Vấn đề đặt ra là làm sao để hội, chi hội hướng dẫn viên du lịch thực sự là "điểm đến" uy tín được người trong nghề chủ động tìm, tự nguyện tham gia?
Cơ hội hành nghề tốt hơn
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện có hơn 22.000 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề tại Việt Nam, trong đó, hơn 90% là hướng dẫn viên du lịch tự do. Trước đây, việc không có một tổ chức nào quản lý đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đã gây nên hệ lụy về đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của hướng dẫn viên du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng du lịch Việt Nam. Tuy trong cộng đồng hướng dẫn viên du lịch có nhiều hoạt động như giới thiệu công việc cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại các điểm đến… nhưng những hoạt động này chủ yếu mang tính tự phát, thiếu hiệu quả. “Chúng tôi muốn có một tổ chức có thể bảo vệ quyền lợi, mang đến thông tin, kiến thức và chia sẻ cơ hội làm nghề cho các hướng dẫn viên du lịch. Tham gia chi hội hướng dẫn viên du lịch là lựa chọn tốt để có cơ hội làm nghề tốt hơn” - Tạ Trung Kiên, một hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội chia sẻ.
Hướng dẫn viên du lịch đang tác nghiệp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Ngọc |
Luật Du lịch 2017 đã bổ sung quy định về điều kiện hành nghề, trong đó, hướng dẫn viên du lịch phải đáp ứng 3 điều kiện: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch...
Như vậy, hướng dẫn viên du lịch được lựa chọn đăng ký với tổ chức quản lý (doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp). Hiện tại, chỉ số ít hướng dẫn viên du lịch có hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Việc Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam rồi các chi hội hướng dẫn viên du lịch các địa phương lần lượt ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hướng dẫn viên du lịch, giúp bảo vệ quyền lợi cho hướng dẫn viên du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch. Qua đó giúp cơ quan quản lý nắm bắt hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên du lịch, góp phần đưa Luật Du lịch 2017 vào cuộc sống.
Ở Đại hội Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Hà Nội nhiệm kỳ I (2018-2023) diễn ra vào tháng 5-2018, nhiều hướng dẫn viên du lịch tự do đã góp mặt, mục đích duy nhất là tìm kiếm một sự bảo đảm, giúp mình có được “danh chính ngôn thuận” khi làm nghề. Ông Nguyễn Văn Chương, một hướng dẫn viên du lịch tự do cho rằng, mô hình chi hội hướng dẫn viên du lịch là cơ hội tốt để ông tiếp tục làm nghề...
Đầu mối thực sự
Thực tế, không phải đến khi có những ràng buộc về điều kiện hành nghề đối với hướng dẫn viên du lịch thì mới cần có hội hướng dẫn viên du lịch hay chi hội hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, việc Luật Du lịch 2017 quy định rõ về điều kiện hành nghề cho hướng dẫn viên du lịch đã thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xã hội - nghề nghiệp dành cho các hướng dẫn viên du lịch. Nếu các hội, chi hội phát huy hết vai trò, trách nhiệm thì các hướng dẫn viên du lịch sẽ được hưởng nhiều quyền lợi.
Ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Hà Nội khẳng định: “Chi hội sẽ bảo đảm cập nhật kịp thời các văn bản pháp lý và bảo vệ quyền lợi cho hướng dẫn viên du lịch, tạo cầu nối tìm kiếm việc làm cho hướng dẫn viên du lịch và cung cấp nguồn hướng dẫn viên chất lượng. Ngoài ra, chi hội hướng đến nâng cao nghiệp vụ và chất lượng hướng dẫn du lịch, đem lại lợi ích cho khách hàng và doanh nghiệp. Hướng dẫn viên du lịch sẽ được nâng cao kiến thức để có thể tham gia thị trường xa và khó, được tham gia các lớp đào tạo về tuyến, điểm đến du lịch…”.
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, hội sẽ có giải pháp để hướng dẫn viên du lịch nhận thấy lợi ích thiết thực khi trở thành hội viên của hội. Theo đó, khi gia nhập hội, các hướng dẫn viên du lịch sẽ nhận được ưu đãi tại các điểm đến, hưởng lợi ích kép như: Được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia sàn giao dịch giới thiệu việc làm trên hệ thống phần mềm của hội; được giảm giá vé khi di chuyển bằng máy bay… Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho hướng dẫn viên du lịch khi tham gia hội…
Thiết thực là vậy nhưng hiện nay, số hướng dẫn viên du lịch đăng ký trở thành hội viên của Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Hà Nội vẫn còn khiêm tốn (hơn 100 người). Trong khi đó, theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện có khoảng 6.500 hướng dẫn viên du lịch hoạt động trên địa bàn Thủ đô. Tại TP Hồ Chí Minh, khoảng 400/5.000 hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn đăng ký tham gia chi hội hướng dẫn viên du lịch… Con số nói trên cho thấy sự nghi ngại từ chính người trong nghề. Như tại Hà Nội, theo hướng dẫn viên du lịch Tạ Trung Kiên, số tiền làm thẻ và phí thường niên khi tham gia Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Hà Nội chỉ là một vấn đề, điều quan trọng là mọi người cần thấy rõ quyền lợi của mình khi tham gia chi hội. Tương tự, ông Nguyễn Văn Chương cho rằng, ông chưa biết có nhận được thêm quyền lợi gì khi tham gia chi hội hay không.
Rõ ràng, không sớm thì muộn những người làm nghề hướng dẫn viên du lịch sẽ phải tham gia vào một tổ chức nghề nghiệp được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức đó phải là một đầu mối thực sự đáp ứng được nguyện vọng của các hướng dẫn viên du lịch thay vì chỉ lập nên cho có để giải quyết những vấn đề mang tính thủ tục.