Bảo vệ Di sản mo Mường trước nguy cơ mai một: Cần nhiều giải pháp cụ thể
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 07:53, 25/08/2022
Hànộimới Cuối tuần trích ghi một số ý kiến của đại diện các bên liên quan để làm rõ hơn về vấn đề này.
Ông Trần Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam):
Di sản mo Mường là loại hình hoàn toàn khác biệt
Công tác điền dã, khảo sát di sản mo Mường của cán bộ Viện Âm nhạc gặp không ít khó khăn. Ngay khi chúng tôi bắt tay vào thực hiện dự án (đầu năm 2020) cũng là lúc dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, việc đi lại, tiếp xúc là không hề dễ dàng. Khó hơn nữa là, đối tượng di sản của hồ sơ mo Mường đệ trình UNESCO là mo trong nghi lễ tang ma, đòi hỏi phải tập trung đông người. Đồng bào dân tộc Mường có tính cộng đồng cao nên mỗi khi có người mất, cả làng sẽ tập trung về gia đình đó để lo hậu sự và tham gia các nghi thức, trong khi quy định về phòng, chống dịch vẫn đang được áp dụng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ sơ lại trải dài trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố nên mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt, chúng tôi luôn ở trong tình trạng bị động khi phải đợi có người mất mới có thể ghi hình theo các yêu cầu chặt chẽ của hồ sơ khoa học. Di sản mo Mường là loại hình hoàn toàn khác biệt so với các di sản trước đây mà Viện Âm nhạc từng thực hiện như hát then, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử, hát xoan...
Việc xây dựng hồ sơ mo Mường mang tính tâm linh nên không được phép dàn dựng, cắt ghép mà phải được ghi hình chính xác tại các đám tang. Muốn vậy, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa và thầy mo ở các địa phương trong việc thuyết phục các gia đình có người sắp mất để họ cho phép đoàn công tác tác nghiệp trong khi gia đình có việc. Rất may là chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của các gia đình, các thầy mo và cán bộ văn hóa ở các địa phương. Có thể nói, họ là lực lượng “thiện chiến”, đam mê với di sản nên không nề hà khó khăn, chẳng quản ngại giờ giấc. Mỗi khi nhận được tin báo có người mất, đoàn công tác lại lên đường ngay để có mặt kịp thời hỗ trợ gia đình lo tang sự đồng thời kịp ghi lại những thước phim, tấm hình đáp ứng tiêu chí khoa học.
Về tiến độ xây dựng hồ sơ, một số địa phương ban đầu còn lúng túng trong công tác xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện, nhưng đến nay, nhờ sự đồng thuận của cộng đồng, nghệ nhân và cơ quan quản lý Nhà nước ở các địa phương nên vẫn đáp ứng được yêu cầu. Sau khi hoàn thành việc khảo sát hiện trạng di sản mo Mường, xây dựng nội dung, thu thanh, quay phim..., chúng tôi sẽ triển khai các bước tiếp theo trên tinh thần bảo đảm tính khoa học, chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu và tiêu chí đặt ra.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội:
Đẩy mạnh công tác truyền dạy nhằm làm tăng sức sống cho di sản
Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ mo Mường trước nguy cơ mai một còn ít, hầu như đều do cộng đồng và các chủ thể văn hóa thực hiện. Thành phố Hà Nội đã và đang chung tay cùng các tỉnh, thành phố xây dựng hồ sơ mo Mường để đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 14 xã thuộc 5 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất có cộng đồng người Mường sinh sống. Các nghệ nhân thực hành mo Mường tại các huyện này phần lớn đều đã cao tuổi, nhiều người đã mất.
Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể mo Mường, cần có những giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng thực hành mo Mường trong đời sống hiện đại trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi và tang ma; Đẩy mạnh công tác truyền dạy nhằm làm tăng sức sống cho di sản, khuyến khích cộng đồng đào tạo các thế hệ kế cận thực hành di sản mo Mường; Thực hiện tư liệu hóa di sản mo Mường, gồm dựng phóng sự, phim khoa học, hồ sơ ảnh và ghi âm về di sản; thu thập tài liệu liên quan trong cộng đồng và các viện nghiên cứu về di sản; Tôn vinh, khen thưởng nghệ nhân thực hành nhằm khuyến khích họ bảo vệ di sản; Kết nối di sản mo Mường với du lịch nhằm biến di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương và là tài sản văn hóa của quốc gia; Thành lập mạng lưới mo Mường toàn quốc nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo vệ và phát huy giá trị mo Mường...
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk:
Nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị của mo Mường
Đắk Lắk đã triển khai công tác phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa mo Mường đệ trình UNESSCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay, tỉnh đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa mo Mường để tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Mường và nhân dân trên địa bàn về giá trị của mo Mường; khảo sát thực địa, cung cấp thông tin về số lượng người Mường hiện đang cư trú tại các thôn/ buôn và giới thiệu một số người Mường am hiểu về mo Mường.
Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa mo Mường, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người dân nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc; Giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa dân tộc ở trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; Tổ chức thống kê, sưu tầm tài liệu, đội ngũ nghệ nhân mo Mường trên địa bàn tỉnh; Khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống, tạo môi trường thuận lợi để thực hành, quảng bá giá trị mo Mường đến nhân dân và du khách; Tổ chức các lớp truyền dạy về tiếng nói, chữ viết và thực hành mo Mường; Đề nghị công nhận nghệ nhân mo Mường là Nghệ nhân Ưu tú theo quy định...
Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan:
Phải làm cho mo Mường tồn tại, duy trì trong đời sống xã hội người Mường
Mo Mường có một vị trí, chức năng xã hội đặc biệt mà các hình thức tín ngưỡng khác không có, đó là chức năng thực hành nghi lễ tang ma. Nghi lễ này giúp chúng ta hiểu quan niệm của người Mường về mối quan hệ của con người với thế giới ba mường: Mường Trời, mường Đất, và mường Nước. Mối quan hệ trong tâm tưởng ấy đã giúp người Mường xây dựng nên nền văn học dân gian và nền văn học tín ngưỡng Mường mà tiêu biểu là sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Đây là bộ sử thi hoàn thiện nhất, toàn bích nhất, đầy đủ nhất, chỉ có thể có trong mo tang lễ. Việc nghiên cứu mo Mường phải lấy mo tang lễ làm điểm tựa, làm trọng tâm nghiên cứu. Từ đấy sẽ thấy được sự lan tỏa của nó sang các hình thức thực hành nghi lễ mo Mường khác như: Mo mát nhà, mo mừng thọ, mo cầu phúc...
Với tầm quan trọng của mo tang lễ, phải tìm cách phục hưng và làm cho mo tang lễ tồn tại, duy trì trong đời sống xã hội người Mường. Đó là cơ sở chứng minh giá trị văn học, tập quán xã hội và nghệ thuật diễn xướng của người Mường để xây dựng bộ hồ sơ mo Mường trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.