Kẻ biến dị đóng mác Việt kiều Australia và những cú lừa có một không hai

Tin tức - Ngày đăng : 09:56, 01/07/2018

“Không chỉ có bề ngoài khác thường, đối tượng đã đánh trúng tâm lý cả tin, dễ dãi của các cô gái trẻ kết bạn thông qua mạng xã hội, chưa kể tâm lý sính mác “Việt kiều” và chẳng có cơ sở nào để kiểm chứng thông tin về người mà mình làm quen” - điều tra viên CAQ Cầu Giấy, Hà Nội phân tích về một trong những yếu tố khiến tội phạm hình thành trong vụ án này.

ảnh 1Đôi mắt mỗi bên một màu được đối tượng Nguyên tận dụng đóng vai... Việt kiều

Đồng Phạm Nguyên (SN 1985), quê quán An Nhơn, Bình Định có lẽ là kẻ xứng đáng “khai mở” trò lừa đảo đóng giả Việt kiều bằng chính ngoại hình khác biệt của mình. 

Đầu tháng 11-2017, chị Nguyễn (30 tuổi), nhân viên văn phòng ở Hà Nội, trong một lần tình cờ truy cập vào một trang web chuyên hẹn hò, kết bạn, tìm người yêu đã được một người đàn ông tự giới thiệu tên là Abbey Nguyên chủ động làm quen. 

Người này sử dụng tài khoản Zalo mang tên “Abbey Nguyen”, giới thiệu với chị Nguyễn rằng anh ta là người Australia gốc Việt, từng học ở trường Đại học Kinh tế TP.HCM, sau đó chuyển sang Australia sinh sống và làm việc cho một công ty kiểm toán lớn. Với tài năng của mình, Abbey Nguyên đang được một ngân hàng mời về làm Phó Tổng Giám đốc tại Việt Nam. 

Khoe chưa đủ, Abbey Nguyên còn khéo léo cho chị Nguyễn xem một số văn bản có nội dung đại diện ngân hàng lập biên bản bàn giao tài sản, trụ sở làm việc cho “Phó Tổng Giám đốc” Dong Abbey Nguyen (thực tế, những văn bản này được sưu tầm trên mạng Internet rồi chỉnh sửa nội dung).

Tiền nhiều là vậy, nhưng Abbey Nguyên lại rất bất hạnh về đường tình duyên. Bằng chứng là chị Nguyễn được một người sử dụng tài khoản Zalo mang tên “Lâm Vũ Minh Kiều”, nhắn tin giới thiệu là bạn gái cũ của Abbey Nguyên. Rồi cũng thật “tình cờ”, chị Nguyễn được Abbey Nguyên cho xem một loạt tin nhắn của ngân hàng gửi đến tài khoản của anh ta với số dư lên đến trên 100 tỷ đồng. Cuối tin nhắn, Abbey Nguyên cho xem thêm dòng chữ: “Tài khoản của bạn tạm thời bị khóa”, và giải thích rằng do số dư trong tài khoản của anh ta quá lớn nên phía ngân hàng phải thường xuyên khóa để chống hacker đột nhập rút tiền.

“Lâm Vũ Minh Kiều” cho biết, “Abbey Nguyên” từng học quản trị kinh doanh, rất giỏi trong thành lập công ty, tính dễ tin người nên bị rất nhiều kẻ lừa gạt tiền. Còn đang bán tín bán nghi với thông tin của “Lâm Vũ Minh Kiều”, rồi chị Nguyễn… gục hẳn khi có 1 người sử dụng tài khoản Viber có tên “Pianist”, gửi cho chị hình ảnh bản án xét xử việc ly hôn năm 2013 giữa Dong Abbey Nguyên, còn có tên là Abbey Michael, tạm trú tại bang Milosie, Mỹ với một phụ nữ có tên Võ Thị Bích Nuy.

Về sau này, chị Nguyễn mới cay đắng biết rằng, những tin nhắn, hình ảnh đều do 1 người thực hiện và được cắt ghép, chỉnh sửa nhằm “khắc họa” một Abbey Nguyen giàu có nhưng lận đận tình duyên. Đầu tháng 12-2017, Abbey Nguyên thông báo anh ta sẽ từ Australia về Việt Nam để gặp chị Nguyễn.

ảnh 2

Giàu có nhưng lại thiếu tiền mặt

Khấp khởi cho cuộc gặp diễn ra ở một quán cà phê, rồi nhanh chóng kết thúc tại... khách sạn, chị Nguyễn bị “Việt kiều” Abbey Nguyen từng bước đưa vào “mê hồn trận” nhằm mục đích cuối cùng là moi tiền. 

Thời gian ngắn sau khi tạm biệt nhau để “về nước” cùng những ước hẹn mặn nồng, Abbey Nguyên nhắn chị Nguyễn chuyển gấp anh ta mượn tiền vì có người cô ở Việt Nam sang Australia chơi đúng lúc tài khoản dư 100 tỷ đồng của anh ta bị khóa. Lại một lần khác, Abbey Nguyên thông báo đang ở sân bay Australia nhưng không kịp rút tiền trong tài khoản nên không về Việt Nam được và phải nhờ chị Nguyễn tạm ứng mua vé máy bay, đến khi tài khoản kích hoạt trở lại sẽ trả.

Kịch tính nhất là có lần, Abbey Nguyên dùng tài khoản Facebook “Đồng Nguyên” nhắn tin cho chị Nguyễn rằng đang bị vợ cũ bắt cóc để đòi tài sản. Từ đó, Abbey Nguyên nhờ chị Nguyễn... nạp thẻ điện thoại giúp định vị vị trí của anh ta đến giải cứu.

Những lý do hết sức “ảo” ấy nhưng chỉ tiếc rằng mãi về sau này chị Nguyễn mới biết được các lần nhắn tin, gọi điện đó, Abbey Nguyên chỉ loanh quanh tại Hà Nội hay vạ vật ở các quán Internet. Cứ hết tiền, anh ta lại bịa ra một lý do để moi tiền của cô gái dại dột. 

Cho đến khi số tiền gửi cho Abbey Nguyên đã lên tới hơn 100 triệu đồng mà vẫn không thấy “Phó Tổng Giám đốc ngân hàng” hồi âm, chị Nguyễn mới sực tỉnh, lên mạng Internet tìm hiểu thông tin và thất thần nhận ra Abbey Nguyên chính là kẻ lừa đảo từng bị cộng đồng mạng cảnh báo. 

Vượt qua nỗi xấu hổ, chị Nguyễn đã đến Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội trình báo. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã nhanh chóng lần tìm, bắt giữ được kẻ lừa đảo, danh tính là Đồng Phạm Nguyên, tại một quán Internet ở quận Hà Đông. Khi bị bắt, Nguyên vẫn tiếp tục luyên thuyên đang ở Australia để nhờ chị Nguyễn chuyển tiền mua vé máy bay về hội ngộ.

Từng vào tù vì gắn mác Việt kiều lừa đảo

Abbey Nguyên hay Đồng Phạm Nguyên là người Việt Nam. Với một bên... tai điếc và cặp mắt một bên màu xanh, một bên màu đen do bị căn bệnh loạn sắc tố, giọng nói lơ lớ do... ngắn lưỡi, thế nhưng Đồng Phạm Nguyên đã biến những điều dị thường ấy thành vỏ bọc Việt kiều.

Nhiều năm trước khi giăng bẫy lừa chị Nguyễn, tên này từng thực hiện chuỗi tội phạm táo tợn. Ấy là thời điểm năm 2012, Đồng Phạm Nguyên tìm đến trụ sở của một tổ chức từ thiện cứu hộ động vật tại TP.HCM, tự giới thiệu đang là giám đốc một công ty chứng khoán. Anh ta cho biết có bố là người Australia, mẹ là người Việt Nam nhưng không may cha mẹ mất sớm.

Vì mồ côi nên anh ta rất đồng cảm với những số phận không may mắn, nhất là động vật. Chuyến tiếp cận ấy, Nguyên đã tặng cho tổ chức cứu hộ động vật này vài thùng thức ăn dành cho chó mèo, rồi chủ động chụp ảnh cùng những con vật đang được chăm sóc. Ngay sau đó, Nguyên đã sử dụng những bức hình đó để tạo dựng cho mình vỏ bọc trên mạng xã hội Facebook là một giám đốc trẻ yêu động vật và giàu lòng nhân ái, có tên là James. Đôi mắt hai màu, cùng một vài bức ảnh kỹ thuật photoshop ghép với người nước ngoài để chứng minh quá trình học tập, thành đạt ở Australia, sau đó về Việt Nam làm việc, đã giúp Nguyên vào vai diễn  xuất thần.

Với vỏ bọc ấy, gã làm quen với các cô gái trẻ, tìm mọi cách chiếm đoạt tiền. Nguyên dùng biệt hiệu giả là một người bạn thông báo trong một lần ra sân bay Australia để về Việt Nam, James bị ngất và được xác định là u não nên đã được chuyển sang bệnh viện của Nhật Bản để phẫu thuật. Tiếp đó, Nguyên nhắn tin cho các cô gái mà gã từng làm quen, hỏi vay tiền để tiến hành phẫu thuật u não.

Vậy là chẳng kịp xác minh có đúng James đang bệnh tật thế nào, có 9 người đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, trong đó có 1 nữ du học sinh ở Nhật Bản đã gửi cho gã 180 triệu đồng. Đáng thương nhất là một nữ sinh viên ở tỉnh Vĩnh Phúc; sau khi làm quen và được Nguyên ngỏ lời yêu, nghe tin bạn trai bị bệnh, nữ sinh viên mang máy tính xách tay đi đặt hiệu cầm đồ được hơn 10 triệu đồng, chuyển hết cho gã.

Ngày 2-11-2012, Đồng Phạm Nguyên đến một quán cà phê thuộc địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy để nhận tiền “chữa u não” của một cô gái mới quen trên mạng, kẻ lừa đảo đã bị CAQ bắt giữ. Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 240 triệu đồng, Đồng Phạm Nguyên bị TAND quận Cầu Giấy tuyên mức án 48 tháng tù giam. Quá trình chấp hành án, được giảm 3 tháng tù nên giữa năm 2016, Đồng Phạm Nguyên ra trại.

Rút “kinh nghiệm”, lần này, Đồng Phạm Nguyên không dám đăng ảnh thật trên mạng xã hội như trước. Khi làm quen với các nạn nhân, gã nhắn tin trò chuyện riêng và gửi ảnh qua tin nhắn. Nếu người nào không biết thông tin về vụ lừa đảo trước, gã sẽ diễn thật sâu trò lừa để chiếm đoạt tài sản. Và chị Nguyễn đã mắc bẫy  của siêu lừa.

Những ngày cuối tháng 6-2018 này, CQĐT - CAQ Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn tất điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Đồng Phạm Nguyên; đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố về tội danh nêu trên. 

Vũ Vũ/ANTĐ