Nhiều bất cập trong sử dụng và quản lý nhà, đất công tại TP Hồ Chí Minh

Tin tức - Ngày đăng : 09:59, 01/07/2018

Nhiều địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước chưa được kê khai, giá cho thuê nhà, đất công mỗi nơi một kiểu; hàng loạt nhà, đất công bị lãng phí, sử dụng chưa đúng công năng, quản lý chưa chặt, xử lý chưa nghiêm... là những vấn đề được đặt ra tại buổi giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh và UBND TP về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP, diễn ra ngày 30/6.
Rất nhiều bất cập nhưng chưa có giải pháp xử lý

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và TP cần có giải pháp xử lý.


Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Trương Lâm Danh, qua giám sát ở các đơn vị, quận - huyện vẫn còn nhiều địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước chưa được kê khai, bổ sung theo quy định. Đồng thời, việc thu hồi nhà, đất công cho thuê chưa được chỉ đạo quyết liệt.


Hiện nay, giá cho thuê nhà, đất công còn nhiều bất cập, có một số đơn vị cho thuê theo giá quy định từ năm 1994, một số đơn vị cho thuê theo giá thị trường, một số đơn vị cho thuê theo giá đấu thầu. Tuy nhiên trong báo cáo chưa thấy đề cập đến vấn đề đó và hướng xử lý trong thời gian tới.


Nhiều khu vực trên địa bàn TP, nhất là các huyện ngoại thành, diện tích đất dành cho công viên rất ít. Thế nhưng, trên thực tế ở một số công viên của TP lại được cho thuê đất xây dựng các công trình kiến trúc khác sử dụng không đúng công năng.

Hơn thế nữa, một số mặt bằng diện tích đất công khác bỏ trống không sử dụng gây lãng phí trong khi nhu cầu diện tích để quy hoạch xây dựng trường học, công viên phục vụ mục đích công cộng ở các quận, huyện lại không được đáp ứng. Tuy nhiên, với những địa chỉ sử dụng không đúng công năng như vậy, TP vẫn chưa thấy có phương án thu hồi, Bà Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Thi Thị Tuyết Nhung nhận xét.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải: thực trạng hiện nay về quản lý nhà đất được giao cho nhiều cơ quan quản lý và có những bất cập do nằm rải ra ở các cơ quan đầu mối. Cho nên, TP cần thấy được bất cập này để có giải pháp quyết liệt hơn.

Còn 28 mặt bằng chưa thu hồi được

TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp 10.832 mặt bằng nhà đất, trong đó cho các đơn vị tiếp tục sử dụng 6.597 mặt bằng; 28 mặt bằng chưa thu hồi được trong số 197 mặt bằng phải thu hồi; cho bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng 1.597 địa chỉ.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: có thể thấy, việc sắp xếp, sử dụng nguồn lực nhà đất do Nhà nước trực tiếp quản lý còn chậm; nhiều trường hợp đã được sắp xếp nhưng chưa đưa đất vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, quy hoạch, mục đích và chức năng; một số trường hợp cơ quan Trung ương sử dụng đất không đúng mục đích nhưng việc thu hồi hoặc đề xuất cho TP sử dụng vào mục đích công ích rất khó khăn.

Nguyên nhân là do các cơ quan, đơn vị được nhà nước giao đất, cho thuê đất thiếu trách nhiệm trong quản lý sử dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm việc sử dụng nhà, đất công không đúng mục đích, sai quy định.

Giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng: Việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP là cả một quá trình. Do vậy, việc giám sát này giúp UBND TP rà soát lại những vấn đề quy phạm pháp luật hiện nay, những vấn đề bất cập đối với TP để kịp thời kiến nghị với HĐND TP và Trung ương. Thông qua đánh giá thực trạng công tác quản lý, UBND TP lắng nghe ý kiến góp ý của HĐND TP, các chuyên gia để từ đó nghiêm túc đánh giá, nhận định và rút kinh nghiệm trong thời gian tới để quản lý nguồn đất đai TP hiệu quả.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trong thời gian tới, TP tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất, có cơ chế giám sát, quản lý kê khai đất đai của các quận, huyện. Đồng thời, nâng cao năng lực điều hành của UBND TP về quản lý nguồn tài nguyên đất.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định: Chương trình giám sát của HĐND TP là rất quan trọng, vì nó có ý nghĩa phục vụ cho quá trính thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Đối với vấn đề quản lý đất đai và sử dụng nguồn lực đất đai tốt thì sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn. “Nói như vậy không phải TP đem quyền sử dụng đất để cho thuê hoặc bán địa chỉ nhà đất do nhà nước đang quản lý để thu tiền vào ngân sách, mà vấn đề là TP phải quy hoạch, quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, nguồn tài nguyên đất, nhà mà Nhà nước đang quản lý như thế nào cho hiệu quả để phục vụ cho sản xuất kinh doanh, phục vụ cho phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn TP” – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm kết luận.

Đoàn Vũ/KTĐT