Chuyện về người phụ nữ - Trưởng đoàn “An lạc thiện tâm”
Tin tức - Ngày đăng : 10:54, 01/07/2018
Đến cổng chợ Võ Lâm – TP Kon Tum, tại một gian hàng tạp hóa được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, chắc hẳn ai ai cũng biết và tận mắt trông thấy hình ảnh của người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khuôn mặt rạng rỡ với những lời chào thân thiện, cởi mở với khách hàng. Đó là chị Trương Thị Nhung – người phụ nữ vươn lên trong cuộc sống nhờ đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó tần tảo làm ăn.
Tất bật với cuộc sống khó khăn, long đong với rất nhiều công việc khác nhau, cuối cùng chị Nhung cũng đã tìm được cho mình một con đường làm ăn phù hợp góp phần phát triển kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống.
Chị Nhung phấn khởi, vui vẻ với khách hàng
Được biết, chị Trương Thị Nhung sinh năm 1972, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại một làng quê tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ chị đã phải phụ mẹ làm công việc đồng áng, đi bán rong nước chè tại các ga tàu, xe để kiếm tiền đi học. Tuổi thơ côi cút, nhọc nhằn nhưng người con gái ấy vẫn không bỏ cuộc và quyết tâm học hành đến nơi đến chốn. Sau tốt nghiệp THPT, gia đình không có điều kiện cho học tiếp, chị theo anh trai vào Kon Tum và xin làm tạp vụ tại trường Đảng (trường Chính trị). Sau đó, chị quen chồng - anh lái xe cho trường Đảng và anh chị đã kết hôn vào năm 1993. Sau khi lập gia đình, chị chuyển sang bán căng tin tại trường được một thời gian, chị lại về bán cá khô, mắm quanh các chợ Kon Tum. Chồng chuyển công tác qua Điện lực tại Đăk Glei xa nhà, vốn liếng không có, gia đình nội ngoại hai bên đều khó khăn, không ai có thể giúp đỡ được. Một mình chị chăm lo cho 2 con ngoài ra còn phải chăm sóc 2 bà mẹ cao tuổi (mẹ ruột và mẹ chồng).
Thấy cuộc sống rất khó khăn, anh em bên chồng quyết định đưa mẹ chồng chị về chăm nom giúp chị đỡ vất vả. Cuộc sống cứ gặp không ít khó khăn nhưng chị chưa bao giờ lùi bước, ngược lại luôn tìm tòi và định hướng con đường phía trước. Năm 1998, chị đã quyết định lấy số tiền 2 vợ chồng tích góp được bấy lâu để đầu tư vào bán tạp hóa tại quầy chợ Võ Lâm (Trần Phú). Từ khi bán tạp hóa, hơn 20 năm qua, ngày nào cũng vậy, từ sáng đến chiều, chị luôn cặm cụi tần tảo bán buôn và nhờ vậy, kinh tế gia đình đã khá giả, ổn định với một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Vợ chồng chị có hai cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, chăm chỉ học hành. Con trai đầu sinh năm 1993, đã tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP HCM, nay công tác tại Công ty Xí nghiệp quy hoạch Đô thị quận 1 – TP HCM. Con trai út, hiện đang là sinh viên trường Cao đẳng FPT – Đà Nẵng. Đặc biệt là hai cậu con trai của chị ngoài giờ học, còn chú tâm vào làm thêm các quán cơm chay góp phần công tác từ thiện, dạy thêm cho các lớp trong trại trẻ mồ côi, khuyết tật…
Ngoài việc là người phụ nữ của gia đình, chị còn làm tròn nhiệm vụ trong các công tác xã hội. Với sự thông minh, nhanh nhẹn cùng đức tính hòa đồng, cởi mở, chị đã được cấp trên và chị em phụ nữ trong Chi hội bầu làm Ban Chấp Hành phụ nữ phường Thắng Lợi, là Chi hội trưởng – Tổ trưởng Tổ vay vốn trong nhiệm kì 2011 – 2016 và trong BCH phụ nữ phường nhiệm kì 2016 – 2021 và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.Năm 2012: Được TW Hội Tặng bằng khen: Đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc, QĐ số 22/QĐ-ĐCT,ngày 28/12/2012. Từ năm 2013 – 2016 được Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác Hội. Năm 2015 Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi tặng giấy khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiệm kỳ 2011 – 2016 được chủ tịch UBND phường Thắng Lợi tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chị Nhung chia sẻ: “Bây giờ, cuộc sống của tôi cũng đỡ vất vả, công việc buôn bán cũng tốt nên tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Đặc biệt, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là 2 cậu con trai. Chúng nó ngoan, chăm chỉ, vâng lời cha mẹ và luôn có trái tim hướng thiện, biết chia sẻ, đồng cảm với mọi người. Đó là điều tôi hạnh phúc nhất”.
Chị Nguyễn Thị Út – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thắng lợi cho biết: “Tôi thật sự cảm phục chị Nhung – một người phụ nữ tốt, tiêu biểu trong địa bàn phường. Chị luôn hăng hái trong các phong trào của hội phụ nữ, luôn sáng tạo, trách nhiệm trong công việc chung và chịu khó làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Xứng đáng là tấm gương sáng cho các hội viên trong và ngoài phường noi theo”.
Trưởng đoàn “An lạc thiện tâm”
Khi chia sẻ về việc làm từ thiện của mình, chị Nhung cho biết, chị đã từng trải qua nhiều chặng đường đầy chông gai, ghềnh thác, chị đã phải tự mình bươn chải để vượt qua muôn vàn những khó khăn tưởng chừng như là không thể. Những lúc đó, chị ao ước có người cúi xuống giúp đỡ mình cho dù là điều nhỏ nhất. Vì vậy, chị luôn đồng cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Và đặc biệt, chị đã bắt gặp nhiều hoàn cảnh đáng thương cần sự giúp đỡ của mọi người, nên trong đầu chị nảy ra ý định làm từ thiện để phần nào giúp đỡ, động viên kịp thời những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Từ đó, chị bắt đầu đi vào hoạt động làm từ thiện, chị kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ và chị là người trực tiếp trao lại số tiền, quà của các mạnh thường quân tới tay người có hoàn cảnh éo le mà chị cần sự giúp đỡ.
Chị Nhung và đoàn "An lạc thiện tâm" phát quà cho bà con vùng sâu, vùng xa
“An lạc thiện tâm” là tên của một đoàn từ thiện do chính chị làm trưởng đoàn, lấy tên của 2 cậu con trai của chị: Thiện, Tâm. Thời gian mới đi làm từ thiện, chị gặp rất nhiều khó khăn, chưa có sự tin tưởng từ nhiều người nên nhiều lúc chị cảm thấy chán nản. Nhưng với cả tấm lòng yêu thương vô bờ bến của chị, sự động viện to lớn từ chồng, gia đình và bạn bè, chị càng cảm thấy có động lực hơn trong “việc tử tế” này. Sau đó, chị đã kêu gọi và thành lập đoàn gồm khoảng 40 người, trong đó, hội chung tay là 10 người, phong trào khoảng 30 người. Đoàn hoạt động chủ yếu là nhằm vào các cụ già neo đơn, không có khả năng lao động, trẻ em mồ côi và người khuyết tật.
Ngoài ra, “An lạc thiện tâm” còn đặc biệt quan tâm đến tương lai của trẻ em vùng cao. Đoàn luôn tìm cách để vận động con em dân tộc thiểu số đến trường đầy đủ, đảm bảo sỉ số lớp học. Đây là việc làm hoàn toàn không phải dễ, nhưng với sự nhiệt tình, sự đam mê không mỏi mệt của tấm lòng từ thiện, chị đã động viên các thành viên trong đoàn để hoàn thành mục tiêu đưa ra bằng cách tích góp quỹ để mua quà vận động học sinh đến trường đầy đủ.
Vì thế, chương trình “Tủ bánh mì” đã hoạt động và khai trương từ ngày 2/4/2016: phục vụ chủ yếu 4 điểm trường Tiểu học trong các địa bàn xã Đăk Cấm, trường Triệu Thị Trinh… Ngoài ra, chị còn sáng kiến ra hoạt động “Xe bánh mì tình thương” (trao những chiếc xe bán bánh mì cho những chị em phụ nữ khuyết tật) để tạo công ăn việc làm cho họ với trị giá 5 triệu đồng/1 xe bánh mì, giao cho 1 cá nhân. Đoàn còn liên kết với phụ nữ tỉnh tặng quà cho trẻ em vùng cao vào các ngày lễ: 1/6, trung thu, Tết…
Ngoài tấm lòng của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân. Đoàn còn lấy kinh phí từ việc thu gom phế liệu, giấy vụn để góp quỹ. Bên cạnh đó, chị còn tự bỏ tiền túi của mình để ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn.
“Năm 2015, chị bắt đầu làm từ thiện, đứng lên kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong và ngoài nước chung tay góp sức, giúp đỡ, ủng hộ những số phận éo le trong cuộc sống. Họ theo dõi việc làm của chị qua mạng xã hội, thấy tin tưởng nên cũng ủng hộ việc làm của chị và gửi tiền để ủng hộ giúp họ” - Chị Nhung chia sẻ.
Không chỉ làm từ thiện trong địa bàn thành phố Kon Tum mà chị còn làm từ thiện ở các huyện vùng sâu, vùng xa như: Kon Plong, Sa Thầy và các trường hợp đặc biệt khác trong và ngoài tỉnh… Hay mỗi khi có người thân, bạn bè giới thiệu về một hoàn cảnh nào đó, chị đều xác minh lại thông tin rồi kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, sau đó đoàn về tận gia đình đó trao lại số tiền đã quyên góp được.
Chị Nhung tâm sự: “Với tôi, ý nguyện làm từ thiện đã được nung nấu từ lâu, trong con người tôi luôn luôn mường tượng về một ngày mình sẽ làm được những điều tốt đẹp cho cuộc sống này. Bởi vậy giống như một cái duyên, tôi đã đặt tên cho con trai tôi ngay từ khi sinh ra là Thiện, Tâm. Đã luôn tâm niệm cho đi chính là ta được nhận lại, cái nhận lại chính là tình thương, là những nụ cười, là cái ôm rất ấm của những con người bất hạnh. Và có lẽ đã là đam mê thì không gì có thể ngăn cản được. Dù khó khăn tới đâu, tôi cũng khắc phục được, bởi làm bằng tâm thì rất dễ dàng và tôi sẽ cố gắng mở rộng hơn nữa để mang hạnh phúc, niềm vui tới mọi người”.
Những con số “biết nói”
Trong suốt 3 năm qua, bản thân chị và đoàn Từ thiện đã tặng 10 triệu xây dựng mái ấm tình thương cho hộ chị Y Guych thôn KonTumKơpơng, tặng 02 con bò giống cho 02 hộ nghèo ở thôn Kon Klor trị giá 30 triệu đồng. Vận động ủng hộ gần 6 triệu để xây dựng nhà rông Kon Rơ Wang, vận động ủng hộ 2 triệu cho đồng bào Miền Trung bị lũ lụt. Ủng hộ 1 tạ gạo nếp cho 3 thôn dân tộc thiểu số (DTTS) để gói bánh chưng xanh tặng các hộ DTTS.
Từ nguồn này đã giúp một máy năng lượng mặt trời cho trung tâm bảo trợ xã hội Tỉnh,trị giá 7 triệu, ngoài ra còn giúp gạo, quần áo, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm… hàng ngàn suất quà cho trẻ em, hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, đồng thời giúp xây dựng 4 tủ bánh mì với 200 ổ/ngày tại 4 điểm trường Mầm Non Hoa Ngọc Lan và trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm tại làng Yang roong tại xã Đăk Cấm, Trường Triệu Thị Trinh phường Thắng Lợi, tổ chức 10 đợt nấu cháo dinh dưỡng tặng cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Tỉnh, bệnh viện Y học cổ truyền và trung tâm bảo trợ xã hội Tỉnh, cho trẻ em thôn PLEI SAR, tặng gần 10 ngàn suất quà cho các cháu vùng sâu vùng xa nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết trung thu, tổng số tiền 300 triệu đồng.
Chị hỗ trợ 442 cháu áo khoác đồng phục của trường Đặng Trần Côn thuộc xã Vinh Quang, cùng với hàng ngàn xuất quà, quần áo,mền, mùng giúp các hộ nghèo ở 6 huyện thuộc địa bàn Tỉnh Kon Tum (Sa Thầy, Tu mơ rông, Đắk Rin huyện Konplông, Đắk Lei với số tiền trên 1 tỉ đồng.
Năm 2016 chị đã vận động cứu trợ đợt bão số 6 với 400 suất quà tại xã Hà Linh, Huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh, tháng 1/2017 tặng 100 suất quà tại thôn 4 Giao Thủy, xã Bình Thới huyện Bình Sơn Quảng Ngãi với tổng trị giá 250 triệu đồng.
Vừa qua, Hội LHPN Việt Nam đã có công văn gửi Hội LHPN các tỉnh thành về việc xét duyệt để trao giải thưởng Kova lần thứ 16 – 2018 – hạng mục “sống đẹp”. Và chị Nhung cũng đã được Hội LHPN tỉnh đề nghị khen thưởng duy nhất một mình chị. Hiện chị đang làm mọi thủ tục để xét duyệt. Chị Nhung đang hi vọng được giải để lấy số tiền trao cho chị em phụ nữ khuyết tật nhiều hơn nữa những chiếc xe bánh mì yêu thương.
Chị Lê Thị Dưỡng – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đăk Cấm cho biết: “Chị Nhung là người phụ nữ giỏi, tốt tính. Chị luôn hòa đồng, cảm thông, chia sẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhắc đến chị, người dân vùng xã Đăk Cấm ai ai cũng tôn trọng và ngưỡng mộ”.
Trong phong trào “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chị Nhung xứng đáng là tấm gương tiêu biểu. Luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Trong công việc luôn có sự phối kết hợp, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành mọi công việc được giao, luôn vận động các chị, em phụ nữ chấp hành nghiêm mọi chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động nhân đạo từ thiện giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.