Còn đó nỗi lo mang tên vũ khí hạt nhân
Tin tức - Ngày đăng : 07:51, 02/07/2018
Đã 50 năm trôi qua kể từ khi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được ký kết với mục tiêu giúp nhân loại được sống trong hòa bình và tránh được những hậu quả thảm khốc do vũ khí hạt nhân gây ra.
Trong bối cảnh các cuộc xung đột vẫn đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu, nhiều quốc gia chưa thể hiện thiện chí trong việc giải trừ hạt nhân, dường như tương lai về một thế giới không vũ khí hạt nhân khó có thể thành hiện thực.
Một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Thế giới vẫn chưa quên được hậu quả thảm khốc khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945, làm hơn 210.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc. Sự kiện bi thảm này đã mở màn cho thời kỳ chạy đua vũ trang gắn liền với cuộc Chiến tranh Lạnh.
Với mục tiêu giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng, NPT được Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua năm 1968. Hiệp ước đã xác định rõ “các quốc gia có vũ khí hạt nhân” là những quốc gia sản xuất và gây nổ một vũ khí hạt nhân hoặc thiết bị gây nổ hạt nhân khác trước ngày 1-1-1967, bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.
5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ này đã cam kết không chuyển giao kỹ thuật hạt nhân cho các nước khác. Tất cả các nước còn lại được xem là “các quốc gia không có vũ khí hạt nhân”; và theo NPT, các nước này không được sản xuất cũng như thực hiện các vụ nổ hạt nhân. Đây là văn bản pháp lý có tính chất nền tảng, góp phần tạo dựng nên hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.
Sau khi có hiệu lực vào năm 1970, các quốc gia đã liên tục xin gia nhập và làm tăng tính phổ cập của hiệp ước này. Nhiều nước như Belarus, Kazakhstan, Ukraine đã tự nguyện nộp lại các hệ thống vận chuyển và đầu đạn hạt nhân từ thời Liên Xô, trong khi Nam Phi, Brazil, Argentina, Libya từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân để tham gia NPT.
So với 6 thập kỷ trước, hiện chỉ còn một số quốc gia theo đuổi vũ khí hạt nhân. Khoảng 75% số nước có năng lực hạt nhân đều lựa chọn không phát triển vũ khí hạt nhân. Như vậy, NPT đã rất thành công trong việc làm giảm thiểu số nước sở hữu vũ khí hạt nhân và đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, NPT lại có những nhược điểm nhất định khi không đưa ra được khung thời gian cụ thể cho việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân hiện có trên thế giới, cũng như sự bất hợp lý khi đưa ra điều khoản công nhận “các nước có vũ khí hạt nhân”, còn các quốc gia khác được xếp vào hàng ngũ “các nước không có vũ khí hạt nhân”.
NPT cho phép 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, song lại không có điều khoản nào buộc những nước này không sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Hạn chế lớn nhất của NPT là không có chế tài xử phạt các quốc gia không tuân thủ quy định của hiệp ước. Điều này khiến cho tính nghiêm ngặt của NPT chưa thật sự cao.
Hiện nay, trên thế giới, số nước được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân gồm 9 nước. Ngoài 5 quốc gia được xác định là có vũ khí hạt nhân theo NPT, còn có Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Năm 2003, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi NPT và con số các quốc gia tham gia NPT giảm xuống còn 190 quốc gia.
Với mối quan ngại về vũ khí hạt nhân ngày càng tăng, những hạn chế của NPT đã khiến LHQ quyết định bổ sung bằng Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân được thông qua trong khuôn khổ Đại Hội đồng LHQ diễn ra tại thành phố New York, Mỹ, vào tháng 9-2017.
Tính đến nay, hiệp ước đã được 58 nước ký, 10 nước phê chuẩn và sẽ có hiệu lực khi được 50 nước phê chuẩn. Tuy nhiên, cả 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân trên đều không tham gia. Những cường quốc hạt nhân cho rằng, kho vũ khí của họ đóng vai trò ngăn chặn tấn công và các nước này vẫn cam kết tiếp cận từng bước về giải trừ vũ khí được nêu trong NPT.
Trên thực tế, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), dù đang cắt giảm các kho vũ khí, song các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới cũng đang tiến hành hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, kéo theo quan ngại mới về khả năng răn đe và năng lực hạt nhân.
Thống kê của SIPRI cho thấy, tính đến thời điểm đầu năm 2018, 9 nước gồm Anh, Ấn Độ, Israel, Mỹ, Nga, Pháp, Pakistan, Triều Tiên, Trung Quốc có 14.456 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 3.750 đầu đạn đã được triển khai. Nếu so với 14.935 đầu đạn của cùng kỳ năm 2017, kho vũ khí hạt nhân của các nước trên đã giảm rất nhiều.
Tuy nhiên, điều đáng nói là các nước trên đều có chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Không chỉ Mỹ và Nga - hai nước chiếm tới hơn 92% tổng số đầu đạn - có chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân trong dài hạn, mà ngay cả Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên cũng đang triển khai hoặc đang lên kế hoạch triển khai hệ thống vũ khí hạt nhân mới.
Trong lúc thế giới còn đang bất đồng về cách thức giải trừ vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran với các cường quốc trong nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ và Đức), còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Washington đồng thời khẳng định tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran để buộc nước CH Hồi giáo này từ bỏ chương trình hạt nhân, dù Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiều lần xác nhận Tehran vẫn tuân thủ các cam kết trong JCPOA.
Đáp lại, Iran cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu các bên còn lại của Châu Âu không đưa ra được sự đảm bảo vững chắc rằng các mối quan hệ thương mại sẽ tiếp tục được duy trì sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Quốc tế quan ngại rằng, hành động cứng rắn của Mỹ sẽ thúc đẩy Iran phát triển chương trình hạt nhân của nước này.
Trái ngược với tình hình phức tạp tại Trung Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lại có những chuyển biến tích cực hơn suốt từ đầu năm đến nay. Triều Tiên đã tiến hành phá hủy khu thử hạt nhân Punggye-ri và mời phóng viên nước ngoài tới chứng kiến sự kiện này nhằm khẳng định thiện chí phi hạt nhân hóa trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Ngày 12-6 vừa qua, tại cuộc gặp mang tính lịch sử ở Singapore, nhà lãnh đạo Tiều Tiên Kim Jong-un đã ký thỏa thuận với Tổng thống Trump, trong đó tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, dư luận vẫn hoài nghi về khả năng những cam kết trên được thực hiện một cách nghiêm túc.
Những diễn biến trái chiều trên một lần nữa phản ánh những thách thức trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện cam kết của tất cả các bên, đặc biệt là những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Dù chưa thực sự hiệu quả, nhưng NPT và Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hạt nhân đều gửi đi một thông điệp rõ ràng, thể hiện những nỗ lực không mệt mỏi và quyết tâm của quốc tế hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.