Chủ động, tích cực đưa lý luận phê bình bám sát thực tiễn
Tin tức - Ngày đăng : 09:36, 04/07/2018
Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương vừa tổ chức kỳ họp thứ tư, nhiệm kỳ 2016 - 2021 dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; TS. Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng. Các ý kiến tại kỳ họp tập trung thảo luận về Báo cáo hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp thứ ba và thứ tư đồng thời cũng xới xáo nhiều vấn đề nóng của LLPB VHNT cũng như các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng dự kiến triển khai từ nay đến hết n
Thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ chuyên môn
Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện chương trình hoạt động toàn khóa và kế hoạch công tác năm 2018, từ sau kỳ họp thứ ba đến nay, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT đã bám sát thực tiễn, nắm bắt tình hình văn học nghệ thuật nói chung, lý luận phê bình nói riêng thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ chuyên môn, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống. Hội đồng đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học “Góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn” với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo có uy tín; hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” tại TP. Hồ Chí Minh.
Trao tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm loại B. Ảnh: VN
Đáng chú ý, từ sau kỳ họp thứ ba đến nay Hội đồng đã tổ chức xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT (xuất bản năm 2016 - 2017); tham gia và có những đóng góp vào việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Hội đồng cũng đã kiến nghị Ban Bí thư giao cho Hội đồng tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 của Đề án Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam; nghiên cứu về giá trị và giải pháp phát huy quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin về văn học nghệ thuật trong tình hình mới; xây dựng chương trình dịch thuật quốc gia về lý luận phê bình VHNT; tư vấn giúp Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương xử lý một số sự việc nảy sinh trong đời sống VHNT…
PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cho biết từ nay đến cuối năm, Hội đồng tập trung bám sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời tư vấn cho Đảng và Nhà nước những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT; tổ chức mỗi tiểu ban ít nhất một tọa đàm khoa học; tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc về lý luận, phê bình VHNT; tập huấn đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT; bồi dưỡng các cây bút trẻ; chủ động đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực; xây dựng đề cương sơ bộ Chương trình tổng kết thực tiễn VHNT Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Chương trình dịch thuật quốc gia…
Còn đó những băn khoăn
Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao các hoạt động của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương đồng thời cũng bày tỏ những trăn trở về các hoạt động của tiểu ban chuyên môn cũng như những vấn đề nóng của LLPB VHNT. Từ thực tế hoạt động của các tiểu ban chuyên môn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng các tiểu ban chuyên môn cần có một sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng, đưa ra các vấn đề nóng để các thành viên cùng đóng góp. “Mô hình hoạt động của các tiểu ban trong thời gian tới cần phải làm thế nào để hoạt động hiệu quả hơn, nề nếp hơn.” – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Từ thực tế của đội ngũ những người làm công tác LLPB VHNT của Việt Nam hiện nay đang ngày một trầm lắng, PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh cho rằng Hội đồng cần tập hợp, thu hút đội ngũ LLPB qua các lớp bồi dưỡng LLPB. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì đề xuất nên mở các lớp chuyên sâu đào tạo LLPB cho các nhà LLPB trẻ.
Nhiều đại biểu cho rằng Hội đồng cần cải tiến nội dung để tạp chí Lý luận phê bình thêm “tươi tắn”, có dấu ấn củng cố thêm uy tín của Hội đồng. Tạp chí Lý luận phê bình của Hội đồng nên thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về LLPB sao cho sinh động, hữu ích.
Tổng kết kỳ họp, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng điểm lại những kết quả Hội đồng đã đạt được thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số hạn chế và đưa ra những biện pháp khắc phục. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, thời gian tới, Hội đồng phải bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao là tư vấn giúp Đảng và Nhà nước những vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, lấy chất lượng tư vấn làm thước đo đánh giá chất lượng các hoạt động của Hội đồng. Các tiểu ban chuyên môn, cần tích cực, chủ động hơn nữa, phối hợp thường xuyên với Thường trực Hội đồng, Văn phòng Hội đồng để xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch tổ chức các tọa đàm khoa học, khảo sát thực tế…