Truyền thông không thể thờ ơ trước vấn nạn bạo hành
Tin tức - Ngày đăng : 07:29, 09/07/2018
Chưa khi nào vấn đề bạo hành và xâm hại, nhất là với phụ nữ và trẻ em được đặt ra nóng bỏng như hiện nay. Chính vì thế, truyền thông không thể thờ ơ mà cần tích cực vào cuộc để góp phần cùng xã hội khắc phục vấn nạn này.
Truyền thông có vai trò quan trọng trước vấn nạn bạo hành.
Theo điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ vào năm 2030 là một cam kết của chương trình nghị sự 2030 mà tất cả các quốc gia đều đồng thuận. Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ khi chính nạn nhân của các vụ bạo hành luôn e ngại chia sẻ thậm chí giấu diếm. Vậy nên, truyền thông càng có vai trò đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết khi góp phần tích cực cho các nạn nhân dám bày tỏ, kể những câu chuyện nhức nhối. Đấy là những câu chuyện mà nếu như ngày trước vẫn được đào sâu chôn chặt của riêng mình nhưng giờ đây được khuyến khích loan truyền như hashtag #MeToo (phong trào “Tôi cũng vậy”) được bắt đầu từ ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood rồi sang rất nhiều lĩnh vực khác, không chỉ ở nước Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
“Trước tinh thần dũng cảm của những phụ nữ đã chia sẻ các câu chuyện của mình trong phong trào #MeToo khiến cả thế giới phải xem xét lại vấn đề bạo lực với phụ nữ cần được quản lý và chấm dứt như thế nào, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân và với những áp lực để tạo ra sự thay đổi. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi mà chúng ta có thể xây dựng một thế giới không có bạo lực và chúng ta cần phải là một phần của nỗ lực đó. Để có thể làm được việc này, chúng ta cần phải có niềm tin ngay từ ban đầu, bằng việc cho phép nạn nhân kể ra những gì đã xảy ra với họ mà không đổ lỗi, kỳ thị hoặc sỉ nhục. Cần phải có sự thay đổi về văn hóa tại tất cả các nơi làm việc và tất cả các tổ chức - cho dù là nơi công cộng, khu vực tư nhân, tổ chức xã hội dân sự, cơ quan truyền thông hay tổ chức quốc tế đều phải thực hiện quan điểm không khoan nhượng đối với bạo lực hoặc quấy rối dưới bất kỳ hình thức nào.” - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra nhấn mạnh.
Trẻ em cũng là một đối tượng thường xuyên bị bạo hành. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 khóa XIV, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm đã đưa ra con số đáng báo động: các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra rất bức xúc, trong số đó, các vụ xâm hại tình dục chiếm tới hơn 84%. Và không chỉ trẻ em gái mà trẻ em trai cũng bị xâm hại, không chỉ người Việt Nam phạm tội mà người nước ngoài vào Việt Nam cũng phạm tội.
Cũng theo Thượng tướng Tô Lâm, công tác điều tra rất khó khăn do việc trình báo không kịp thời, vì tính nhạy cảm nên trẻ em, người thân thường ngại tố giác, không tố giác. Thế nên, về giải pháp, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người dân về chăm sóc, bảo vệ trẻ em là quan trọng nhất.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với ý kiến của các đại biểu khi đề cập đến tình trạng xâm hại trẻ em, phải đặt quyền lợi của trẻ em lên trên. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ năm 1990 đã có công ước thế giới về quyền trẻ em, Việt Nam là một trong 2 nước đầu tiên ký công ước này. Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng rất đầy đủ; có tới 17 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, luật quy định cụ thể trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã về lĩnh vực này.
Nhìn chung, truyền thông đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thay đổi hành vi, nhận thức của toàn xã hội trước những vấn nạn bạo hành. Công tác truyền thông này được thực hiện qua hai kênh là chính thức và không chính thức. Kênh chính thức bao gồm các phương tiện thông tin đại chúng (các đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử)…; các tổ chức chính quyền, các tổ chức chức năng y tế, giáo dục cơ sở. Kênh không chính thức là những giao lưu trong gia đình, thân tộc, bạn bè, đồng nghiệp, tín ngưỡng, các dịch vụ tư nhân về sức khỏe, văn hóa… Tuy nhiên, công tác truyền thông hiện nay vẫn còn nhiều điều bất cập như vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa quan tâm triển khai được nhiều chiến dịch truyền thông dân số tới những vùng sâu, vùng xa…