Công ty XKLĐ Hadico: Bài 6 - Đặng Phương Dung thu tiền cọc của người lao động là ai?
Tin tức - Ngày đăng : 18:29, 10/07/2018
Công ty XKLĐ Hadico: Bài 5 - Hàng loạt người bị lừa, có liên quan đến công ty XKLĐ Labcoop?
Công ty XKLĐ Hadico: Bài 4 - Người lao động sợ hãi đi rút hồ sơ ở cơ sở ngoài trụ sở chính
Công ty XKLĐ Hadico: Bài 3 - Tổng Giám đốc Lê Văn Tuấn "Chúng tôi bị mạo danh"
Công ty XKLĐ Hadico: Bài 2 - Bất chấp quy định của Nhà nước!
Công ty XKLĐ Hadico: Bài 1 - “Loạn” cơ sở XKLĐ mang danh Hadico
Chúng tôi xin nêu đơn cử phản ánh của một công dân tên là Lê Văn T (xin giấu tên) ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An như sau: Vừa qua, sau khi đọc báo Người Hà Nội, anh T liên hệ đến tòa soạn báo Người Hà Nội xin được trợ giúp, nhờ Báo xác minh xem, Công ty XKLĐ Hadico có đáng tin, có uy tín hay không? Anh cho biết: Hiện nay em đang có nhu cầu đi Xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho nên em đã gặp một người nguồn “cò - PV” tên là Nguyễn Đình T (giấu tên). Anh T đã dẫn em đến Công ty XKLĐ Hadico địa chỉ ở tòa nhà Intracom, Bắc Từ Liêm, Hà Nội để được tư vấn.Trường đào tạo cán bộ Hội chữ Thập đỏ - nơi người lao động bảo đã được tổ chức thi tuyển ở đây. Nhưng, đại diện Công ty XKLĐ Hadico khẳng định không bao giờ thi tuyển lao động ở đây
Sau đó, tôi về nhà và chờ đợi, đến khoảng 10 ngày sau thì bên phía Công ty XKLĐ Hadico mời tôi ra Hà Nội để thi tuyển đơn hàng. Tôi được đưa đến Trường Đào tạo cán bộ Hội chữ thập đỏ ở Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội thi tuyển đơn hàng khách sạn siêu thị.
Hôm đó có một người Nhật, một người phiên dịch và mấy người nhận là cán bộ của công ty tên là Tuấn, một người tên Hiếu… cùng dự thi tuyển. Tất cả có 9 người lao động, một người không đến nên còn 8 người thi tuyển hôm đó…
Tôi được tư vấn đi đơn hàng khách sạn, siêu thị bên Nhật. Tổng chi phí tôi phải đóng cho Công ty XKLĐ Hadico là 5.500 USD (năm nghìn, năm trăm đô la Mỹ).
Họ bảo phỏng vấn xong thì đợi chừng 4 – 5 tháng sẽ bay được. Sau khi phỏng vấn xong, tôi về nhà chờ đợi, đến thứ sáu ngày 6/7/2018 họ thông báo em đã đỗ đơn hàng và yêu cầu ngày 11/7 em ra Hà Nội để nộp thêm tiền đặt cọc là 3.000 USD nữa (ba nghìn đô la Mỹ). Còn lại 2.500 USD (hai nghìn năm trăm đô la Mỹ) khi nào có visa trước khi bay sẽ đóng hết.
(Vụ “tố” lừa đảo XKLĐ kinh hoàng hàng triệu USD: Bài 3 - Đã bắt được đối tượng báo Người Hà Nội phản ánh)
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ công dân phản ánh, phóng viên báo Người Hà Nội đã xác minh thông tin qua một người tên là T (giấu tên), nhận là cán bộ của Công ty XKLĐ Hadico. Báo Người Hà Nội có đặt hai câu hỏi cho anh T: Thứ nhất ở Công ty XKLĐ Hadico có ai tên là Đặng Phương Dung không?. Bởi vì, trong phiếu thu tiền thì một người tên là Đặng Phương Dung đã trực tiếp ký tên, lập phiếu thu tiền cọc của người lao động. Anh T trả lời là không có ai tên Đặng Phương Dung là cán bộ của Công ty XKLĐ Hadico cả. Câu hỏi thứ hai, có bao giờ Công ty XKLĐ Hadico tổ chức thi tuyển đơn hàng ở tại Trường Đào tạo cán bộ Hội chữ thập đỏ, địa chỉ Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội không?. Anh T trả lời là không bao giờ.
Phiếu thu tiền cọc (người lao động ở Nghệ An cung cấp) và phiếu thu hồ sơ (người lao động ở Phú Thọ cung cấp) đều do một người tên là Đặng Phương Dung lập phiếu, thu tiền, thu hồ sơ và ký tên. Cả hai chữ ký trông giống nhau. Mặc dù phiếu thu hồ sơ còn có cả dấu tươi, chữ ký tươi nhưng người cán bộ của Công ty XKLĐ Hadico vẫn trả lời là ở công ty không có ai tên là Đặng Phương Dung cả.
Câu chuyện của Công ty XKLĐ Hadico đang đứng bên đỉnh bờ dư luận thì đến đây đã đi thêm một bước nữa; có quá nhiều vấn đề để mọi người cùng bàn luận.
Như vậy có nghĩa là theo như bạn đọc phản ánh đến báo Người Hà Nội thì ở đây có cái gì đó không ổn.
Thứ nhất, nếu đúng như trong Công ty XKLĐ Hadico không có ai tên là Dung thì tức là có dấu hiệu của sự lừa người lao động. Một hành vi vi phạm đã được thực hiện. Ai đó xưng tên là Đặng Phương Dung tự nhận mình là cán bộ của Công ty XKLĐ Hadico lập phiếu ký tên, thu tiền cọc của người lao động. Còn những người xưng danh Công ty XKLĐ Hadico tổ chức thi tuyển lao động tại Trường Đào tạo cán bộ Hội chữ thập đỏ ở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội là nhóm người nào tại sao lại đưa người lao động đến đây để thi tuyển.
Mà nếu người nào đó tên là Đặng Phương Dung đúng là cán bộ của Công ty XKLĐ Hadico thì câu chuyện sẽ đi theo hướng doanh nghiệp này đã vi phạm các quy định của nhà nước, làm những việc Nhà nước nghiêm cấm dưới mọi hình thức.
Hơn nữa, nhóm người được coi là tự dựng lên xưng là của Công ty XKLĐ Hadico kia là ai, tự tuyển người thi đơn hàng Siêu thị?. Nếu như có đúng là người của Công ty XKLĐ Hadico thì đơn hàng này đã được thẩm định hay chưa?.
Trong một diễn biến khác, trước đó ít hôm cũng có một người lao động ở Phú Thọ có liên hệ với báo Người Hà Nội nhờ kiểm chứng thông tin về uy tín của Công ty XKLĐ Hadico. Người lao động này đã gửi cho báo Người Hà Nội một phiếu thu hồ sơ gồm bằng cấp, hộ chiếu… do một người cũng tên là Đặng Phương Dung lập phiếu thu. Người tên là Đặng Phương Dung này đã lập phiếu thu hồ sơ của lao động rồi cũng ký tên. Chữ ký nhìn giống với chữ ký của phiếu thu tiền mà người lao động ở Nghệ An cung cấp. Nhưng có một điều đặc biệt là phiếu thu hồ sơ của người lao động ở Phú Thọ cung cấp lại có cả dấu treo (dấu và chữ ký tươi) của Công ty XKLĐ Hadico. Vậy, tại sao khi phóng viên báo Người Hà Nội xác minh thông tin qua một người tên là T - cán bộ của Công ty XKLĐ Hadico (anh T đã được Công ty XKLĐ Hadico cấp giấy giới thiệu đến báo Người Hà Nội làm việc) thì anh T lại trả lời là không có ai tên là Đặng Phương Dung?.
"Chuyện nhà Haidico" đến đây tỏ ra quá lùng bùng khiến cho bất cứ người lao động nào cũng phải kinh ngạc?.
Càng ngày báo Người Hà Nội càng tiếp nhận được nhiều tài liệu do người dân mang đến tố cáo liên quan tới hoạt động của Công ty XKLĐ Hadico, chúng tôi sẽ lần lượt công bố.
Ngay sau khi báo Người Hà Nội đăng đến bài thứ 5 thì Công ty XKLĐ Hadico đã lên tiếng, giới thiệu cán bộ đến tòa soạn làm việc, gửi văn bản đến Báo. Tuy nhiên, chuyện "tiền hậu bất nhất" đã diễn ra khi trong văn bản này có nhiều thông tin phản bác lại những lời phát biểu của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật là ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Hadico. Ông Lê Văn Tuấn trong cuộc trả lời trực tiếp phóng viên tại trụ sở Công ty Hadico đã nói một đằng, nhưng sau khi Báo đăng, cấp dưới lại ra văn bản một nẻo. Thử hỏi trách nhiệm người đứng đầu ở đâu? Vì sao nên nỗi - cấp dưới phủ định cấp trên như vậy?.
Nhóm phóng viên chuyên mục Lao động báo Người Hà Nội sẽ phối hợp cùng cơ quan Cảnh sát điều tra, thanh tra Bộ lao động Thương binh và Xã hội, Cục quản lý lao động ngoài nước để tiếp tục mở rộng tìm hiểu thêm thông tin, cung cấp tới bạn đọc. Mời các bạn đón đọc bài 7 vào số báo tới.
(Còn nữa)…
Bạn đọc có thắc mắc gì về Xuất khẩu lao động xin gọi số điện thoại đường dây nóng: 0988 200 599