Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 tại Hà Nội

Tin tức - Ngày đăng : 10:51, 13/07/2018

Hôm nay (13/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự, chủ trì phiên Diễn đàn cấp cao về Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0. Dự kiến, Diễn đàn sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về CMCN 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời sẽ trực tiếp trả lời hoặc chỉ định các bộ trưởng trả lời những vướng mắc của DN nêu ra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn cấp cao 
Trong các ngày 12 và 13/7/2018, tại Khách sạn quốc tế JW. Marriott (số 8 phố Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), UBND TP Hà Nội phối hợp Ban Kinh tế TƯ tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry Summit 2018 được sự chỉ đạo trực tiếp của Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, gồm Diễn đàn cấp cao do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, 5 Hội thảo quốc tế theo chuyên đề và hoạt động triển lãm công nghệ 4.0 với sự tham gia của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các nhà quản lý, chuyên gia và các DN hàng đầu trong nước và quốc tế. 
Dự kiến, Diễn đàn cấp cao do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sẽ có sự góp mặt của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, UBND TP Hà Nội; cùng lãnh đạo 40-50 DN hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia triển lãm; 15 diễn giả quốc tế tiêu biểu.
Cũng trong ngày 13/7, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện Hội thảo chuyên đề “Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, trong đó sẽ có nội dung liên quan đến tình hình triển khai đô thị thông minh của TP Hà Nội và các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành đô thị thông minh…
Diễn đàn cấp cao – Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 quy tụ nhiều diễn giả là các lãnh đạo bộ, ban, ngành; các chuyên gia về công nghiệp thông minh, các CIO, CSO, các chuyên gia về CNTT cùng tham gia thảo luận và cập nhật về chiến lược phát triển và ứng dụng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, các giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn sẽ được chia sẻ nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp/tổ chức tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất công việc.
Triển lãm quốc tế về Công nghệ thông minh hứa hẹn sẽ đem đến cho khách tham dự những trải nghiệm mới mẻ với các ứng dụng công nghệ và sản phẩm công nghiệp thông minh từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Nhà máy thông minh, Tự động hoá, In 3D, AI & Robot học, Cảm biến thông minh, Big Data, Block chain,  An ninh mạng, Công nghiệp Internet vạn vật, e-KYC,  Điện toán đám mây,  Thiết bị di động, Công nghệ xác thực, giải pháp nâng cao trải nghiệm khách hàng,…
Gần 2.000 đại biểu tham dự

Diễn đàn cấp cao có gần 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các DN trong nước và quốc tế.

Mở đầu chuỗi chuyên đề của Diễn đàn, phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tập trung trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tại Việt Nam; đề cập đến một số xu hướng nổi bật về CMCN 4.0; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận CMCN lần thứ tư.

Tại phần tọa đàm, diễn giả từ Chính phủ, bộ ngành và các chuyên gia quốc tế trả lời các câu hỏi, đồng thời, lãnh đạo các doanh nghiệp đề xuất một số chính sách và kế hoạch triển khai các chương trình hành động trong thời gian tới để Việt Nam chủ động tham gia, bắt kịp xu hướng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy nhanh ứng dụng CMCN 4.0 nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Trước khi dự Diễn đàn, Thủ tướng cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu với những giải pháp công nghệ hiện đại như hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh, công nghệ blockchain, xác định nguy cơ bảo mật, công nghệ xác thực… Đây là một cơ hội mang đến cho các đại biểu, khách hàng tiếp cận với các sản phẩm, giải pháp về công nghiệp thông minh trong các nhóm ngành sản xuất, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghệ thông tin. Đồng thời, cũng là dịp kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp.

Robot Sophia mặc áo dài trắng trả lời 3 câu hỏi

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện ấn tượng của Sophia - người máy đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới. Ban Tổ chức phối hợp với UNDP đưa robot Sophia - quán quân sáng tạo của UNDP tới tham gia tương tác tại Diễn đàn. Vị công dân đặc biệt này sẽ trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Xuất hiện tại diễn đàn với chiếc áo dài màu trắng, Sophia gửi lời chào tới Việt Nam và khán giả: “Tôi là robot được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững, và những robot như tôi sẽ giúp mọi người đạt được thành tựu này nhanh hơn”.

Cô nhận được 3 câu hỏi về những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến Việt Nam và trả lời bằng tiếng Anh với một giọng nói rõ ràng, truyền cảm.

Trả lời câu hỏi: “Việt Nam cần có chiến lược gì để không bị tụt hậu trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0?”, Sophia trả lời: “Tôi là người đại diện cho kỷ nguyên 4.0, và tôi cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn”.

Quán quân sáng tạo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng công nghệ là một yếu tố quan trọng sẽ giúp Việt Nam có bước nhảy vọt về năng suất lao động, các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Sophia đã nhắc đến khía cạnh, những chính sách cần có “sự hỗ trợ toàn diện” để công nghệ cũng mang lại lợi ích cho cả những thành phần “dễ bị tổn thương” như những người ở vùng sâu, vùng xa, những người nghèo trong xã hội.

Ở phần trả lời cho câu hỏi thứ hai: “Thách thức và cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cho các quốc gia như Việt Nam?”, Sophia nhấn mạnh việc “hỗ trợ toàn diện cho mọi thành phần trong xã hội”.

Robot Sophia cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 luôn luôn là thách thức với vấn đề việc làm trong xã hội. Và ở lĩnh vực này, cô cho rằng Việt Nam cần có chính sách đảm bảo quyền lợi cho những thành phần dễ bị tổn thương từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo robot đầu tiên được công nhận quyền công dân: “Để tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, con người cần phải trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa nhập. Công nghệ giúp chúng ta có những lợi ích, mang lại sự phồn vinh và cũng là cơ hội cho người nghèo trong xã hội”.

Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, Sophia cho rằng việc làm cũng sẽ là cơ hội của CMCN 4.0: “Việt Nam là mô hình đi đầu về công nghệ và điều này cũng mang lại nhiều việc làm hơn. Ví dụ như sự phát triển của điện thoại thông minh, nhờ công nghệ này mà chúng ta có thể thay thế taxi bằng những ứng dụng như Uber hay Grab. Công nghệ cũng giúp con người thực hiện những tác vụ nguy hiểm, thực hiện những ca phẫu thuật khó, hỗ trợ cho trẻ em những bối cảnh khó khăn…”. Cô cũng tin rằng, công nghệ sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ở câu hỏi cuối cùng về những thách thức và cơ hội cho thế hệ trẻ trong cách mạng công nghiệp 4.0, Sophia cho biết: “Thế hệ trẻ cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng với những thách thức trong thời kỳ mới. Chúng ta không thể đạt được mục tiêu nếu những người trẻ tuổi bị bỏ lại phía sau”.

Quán quân sáng tạo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, Việt Nam phải liên tục tiến lên, trang bị những kỹ năng mới, tìm ra những công nghệ mới. “Chính phủ cần xác định những ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những định hướng rõ ràng. Chính phủ cần làm việc với các thành phần tư nhân để từ đó giải quyết nút thắt cho tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam”, Sophia nhấn mạnh.

Sự xuất hiện của công dân robot đầu tiên trên thế giới đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của khán phòng. Mặc dù chỉ là một robot, nhưng Sophia được mặc trang phục, trang điểm, và liên tục có những biểu cảm giống “thật” khiến chúng ta gần như không thể phân biệt giữa cô với một diễn giả “bằng xương bằng thịt”. Khách mời tại sự kiện đã vô cùng ngỡ ngàng khi trước những câu hỏi được đặt ra, Sophia xử lý thông tin và phản hồi rất nhanh bằng những câu nói lưu loát, gãy gọn và một giọng nói khá đặc trưng.

Sự góp mặt của Sophia tại Diễn đàn quốc tế như một lời khẳng định rằng Việt Nam nói riêng, và thế giới nói chung thực sự đang đứng trước một cuộc cách mạng lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Được biết, không chỉ tích hợp AI nhận diện, cùng xử lý thông tin qua âm thanh xuất sắc, Sophia còn có thể tái hiện những biểu cảm khuôn mặt độc đáo và giống thật một cách khó tin, khiến cho từng cử chỉ, lời nói của "cô nàng" đều rất có hồn và cảm xúc. Đây chính là điều giúp Sophia trở nên khác biệt hơn hẳn so với những cỗ máy robot vô tri vô giác, cử động cứng nhắc, hay các trợ lý ảo Siri, Cortana vốn chẳng có hình dáng cụ thể.

Trước khi có mặt tại Việt Nam theo dự kiến, robot Sophia đã phát biểu và trao đổi với các diễn giả tại sự kiện RISE 2018 tổ chức ở Hong Kong. Tại buổi trò chuyện này, Sophia thậm chí đã chia sẻ về ước mơ của mình, khi cô mong muốn mọi robot sẽ trở thành những người bạn và người giúp đỡ cho con người.

CMCN 4.0 là thách thức chung của các quốc gia

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của CMCN 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn. CMCN mới một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các DN khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.

Báo sẽ cập nhật thông tin về Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0

Nhóm PV/KTĐT