85 năm ngày ra mắt bút nhóm Tự lực văn đoàn - Kỳ I: Tôn chỉ hay hoài bão và khát vọng đổi thay...
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:15, 13/07/2018
LTS: Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1945 với sự xuất hiện của Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn (TLVĐ) đã được đánh giá là một giai đoạn văn học quan trọng đánh dấu sự chuyển biến cùa văn học dân tộc từ trung đại sang hiện đại. Vì thế nhắc tới giai đoạn văn học 1930 - 1945 không thể không nhắc tới Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn.
Lấy tên là Tự lực văn đoàn, những người thành lập nhóm đã ngầm ý khẳng định rằng: đây là một tổ chức tự sức mình đứng ra thành lập, tự sáng tác văn học chủ yếu là văn xuôi để làm giàu cho văn học dân tộc. Điều đó cũng có nghĩa rằng văn đoàn đó không cậy nhờ bàn tay chính phủ hoặc một thế lực chính trị nào, ngoài đường lối do chính họ tự vạch ra.
Do đó khi đi vào hoạt động, Tự lực văn đoàn đã thể hiện hoài bão lớn của mình khi đưa ra tôn chỉ hoạt động nhằm vạch ra đường lối sáng tác của văn đoàn. Để nhận rõ tôn chỉ của nhóm Tự lực văn đoàn về mặt sáng tác không gì bằng chép ra đây chính lời tuyên bố của họ khi văn đoàn ra đời (đăng trên tờ Phong hóa số 67 ngày 2/3/1933: “Tự lực văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới, người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở cho nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương”.
Do đó khi đi vào hoạt động, Tự lực văn đoàn đã thể hiện hoài bão lớn của mình khi đưa ra tôn chỉ hoạt động nhằm vạch ra đường lối sáng tác của văn đoàn. Để nhận rõ tôn chỉ của nhóm Tự lực văn đoàn về mặt sáng tác không gì bằng chép ra đây chính lời tuyên bố của họ khi văn đoàn ra đời (đăng trên tờ Phong hóa số 67 ngày 2/3/1933: “Tự lực văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới, người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở cho nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương”.
Tuần báo Phong hóa và tuần báo Ngày nay đăng tải các tác phẩm của bút nhóm Tự lực văn đoàn.
Tôn chỉ ấy gồm 10 điều, nguyên văn như sau: "1 - Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giàu thêm cho văn sản trong nước. 2 - Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn lên. 3 - Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân. 4 - Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam. 5 - Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. 6 - Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của đất nước mà có tính cách bình dân, khiến người nghe đem lòng yêu nước một cách bình dân.
Không có tính cách trưởng giả, quý phái. 7 - Trọng tự do cá nhân. 8 - Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa. 9 - Đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam. 10 - Theo một trong 9 điều này cũng được miễn là đừng trái với những điều khác".
Không có tính cách trưởng giả, quý phái. 7 - Trọng tự do cá nhân. 8 - Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa. 9 - Đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam. 10 - Theo một trong 9 điều này cũng được miễn là đừng trái với những điều khác".
Tôn chỉ của Tự lực văn đoàn trên đây đã thể hiện hoài bão về văn hoá dân tộc, mong muốn xây dựng một nền văn chương hoàn toàn có tính cách An Nam, chống lại mọi yếu tố ngoại lai trái với tinh thần ấy. Trong bối cảnh xã hội – văn hoá những năm đầu thế XX, tôn chỉ ấy như những tuyên ngôn nghệ thuật hùng hồn vạch ra đường lối cách tân văn học, trên những nét lớn sau:
Đối với quan niệm về văn học: thứ nhất, Đoàn chủ trương tự sức mình làm ra những tác phẩm văn chương có giá trị, giản dị, bình dân; chú ý đến sáng tác hơn là dịch thuật, mô phỏng. Đây là một phản ứng chống lại giai đoạn trước chỉ chuyên chú vào học thuật còn văn học thì chỉ đi phiên dịch ngoại văn.
Thứ hai, đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương cũng là một quan điểm đúng đắn của Tự lực văn đoàn. Đây không chỉ là phần hình thức, phần trình bày của tác phẩm - áp dụng kĩ thuật viết tiểu thuyết hiện đại phương Tây vào quá trình sáng tác nhằm đổi mới nền tiểu thuyết Việt Nam theo hướng hiện đại từ kết cấu, xây dựng nhân vật, miêu tả nội tâm đến diễn đạt sao cho trong sáng, gọn gàng, uyển chuyển mà còn là ở nội dung - đem tinh thần duy lý của phương Tây vào việc nhận xét, phân tích, phán xét người và việc trong câu chuyện. Tức là chống lại quan niệm thần bí, tính cách bịa đặt vô lý ở những tình tiết hoang đường trong những truyện Nôm hay tiểu thuyết kiếm hiệp. (Điều này đã được Nhất Linh chứng minh qua Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng).
Đối với quan niệm về xã hội và tư tưởng: thứ nhất, soạn những cuốn sách có mục đích phục vụ công cuộc cải cách xã hội và có tính cách bình dân để chống lại khuynh hướng quan liêu phong kiến. Quả vậy, những nhân vật chính trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đều là những người thuộc thành phần trung lưu: Mai, Loan đều là những cô gái “bình dân”; Dũng là con cụ Tuấn nhưng bỏ đi làm cách mạng. Lộc là con bà Ân, bản thân làm tham tá rồi được chức tri huyện. Ngọc là sinh viên trường canh nông nhưng không phải là “trưởng giả, quý phái”. Họ chọn bạn đời, không chú ý đến môn đăng hộ đối, không phân biệt giàu nghèo. Chương là giáo sư trung học yêu Tuyết là gái giang hồ… Khi có phong trào bình dân, chính Tự lực văn đoàn là những người đầu tiên viết những truyện ngắn, tiểu thuyết bình dân: Gánh hàng hoa, Tối tăm, Anh phải sống, Hai vẻ đẹp…
Thứ hai, diễn tả những vẻ đẹp của đất nước, quảng bá những truyền thống tốt đẹp của dân tộc để chống lại khuynh hướng cóp nhặt những cảnh sắc nước ngoài vốn đã tồn tại dai dẳng trong văn học trung đại. Thứ ba, làm cho người ta biết đạo Khổng không còn hợp nữa. Đây là vấn đề thuộc ý thức hệ: chống lại đạo Khổng vì đạo Khổng không hợp thời nữa, tức là chống lại những tư tưởng về luân thường đạo lý, về đẳng cấp, tôn ti. Thời đại thay đổi thì tư tưởng cũng phải đổi mới. Bây giờ người ta cảm thấy chán đọc những quyển truyện hay bài báo mà rặt những lời dạy bảo về luân lý tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức…, người ta chỉ ham mê những truyện chỉ cốt tả sự thật, “không giảng luân lý không dạy gì ai hết”… miễn sao làm cho người ta vui và cảm động.
Đối với quan niệm về con người: Điểm nổi bật là trọng tự do cá nhân. Điều này thì ai cũng thấy rõ. Đó là tinh thần chống lễ giáo phong kiến, đòi quyền tự do yêu đương cho tuổi trẻ, đề cao hạnh phúc cá nhân. Các tác phẩm của Tự lực văn đoàn như Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Gia đình, Thoát ly, Thừa tự… đều chĩa mũi nhọn đả kích lễ giáo và nếp sống cổ hủ của đại gia đình phong kiến. Họ hô hào giải phóng phụ nữ khỏi cảnh mẹ chồng nàng dâu, mẹ ghẻ con chồng, cảnh thủ tiết của những người đàn bà trẻ goá bụa. Họ đòi cho nam nữ có quyền được hưởng hạnh phúc riêng. Nhân vật của họ có người là nạn nhân đáng thương, có người đương diện đấu tranh với các lễ giáo khắc nghiệt ấy.
Văn chương lãng mạn trước năm 1930 tức trước Tự lực văn đoàn ra đời là một thứ văn lãng mạn đầy giọng bi quan, giận đời, chán đời của những người thất bại, bất lực trước thời cuộc. Thơ văn chuyển sang một dòng khác hẳn thời Đông Kinh Nghĩa Thục trở nên ủy mị, sướt mướt, thương bạn, nhớ bạn, than thân trách phận, phổ vào những lời réo rắt nỉ non, không còn chút sinh sắc, sinh khí nào nữa. Chẳng hạn, trong Nam Đông Hồ khóc vợ sướt mướt, ngoài Bắc Tương Phố khóc chồng để cho giọt lệ thu còn thấm đẫm cả trang hồi ký. Còn Trần Tuấn Khải hễ cất giọng là “rặt những lời thảm sầu ai oán”. Chính thời đó đã đẻ ra những nhân vật điển hình như Tố Tâm, Đạm Thủy… Đa sầu đa cảm đã trở thành cái mốt trong sáng tác văn thơ: không ốm mà rên, không đau cũng khóc. Người ta gọi đó là “bệnh thời đại”.
Tự lực văn đoàn chủ trương “lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời” là nhằm xua tan đi bầu không khí u uất, ảm đạm đó. Tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn cũng lãng mạn, cũng viết về tình yêu dang dở (Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đôi bạn, Đoạn tuyệt…) nhưng không ai khóc, không ai ốm tương tư, không ai tự vẫn quyên sinh vì tình. Nhân vật của Tự lực văn đoàn cũng buồn, buồn vì hạnh phúc không thành, nhưng lòng ham sống của họ thì chưa bao giờ nguội lạnh. Mai trong Nửa chừng xuân giàu nghị lực và lòng hi sinh. Loan trong Đoạn tuyệt luôn luôn hướng về lý tưởng của cô là lấy được người mình yêu. Dũng vẫn ôm mộng làm cách mạng dù là hoạt động phiêu lưu. Trong hoàn cảnh thời Pháp thuộc, cái nhân văn tiểu tư sản đó tiến bộ hơn nhiều so với cái nhân văn cổ hủ, hẹp hòi thời phong kiến. Trong tác phẩm Tự lực văn đoàn thanh niên chưa dám đứng lên cứu nước mà đang tìm mọi cách thoát ly khỏi thực tế đời sống.
Nhìn chung với những điểm đã phân tích trên về tôn chỉ của Tự lực văn đoàn cho thấy: Tự lực văn đoàn đã trở thành nhóm văn học hiện đại đầu tiên đề ra được tôn chỉ, mục đích rõ ràng trong sáng tác. Những đóng góp của Tự lực văn đoàn trên phương diện này vào việc cách tân, đổi mới văn học dân tộc từ đầu thế kỉ XX là khá rõ. Với những yếu tố tích cực như chủ trương giải phóng cá nhân, cảm thông với họ về lòng kháo khát tự do, tình yêu tuổi trẻ, tìm tòi một tư tưởng mới, ham muốn hạnh phúc chân chính, hướng về dân tộc, yêu đất nước quê hương…
Tự lực văn đoàn đã đề ra một đường lối sáng tác mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn gắn với truyền thống dân tộc, và kết quả họ đã sáng tác được những tác phẩm văn học hay mang nhiều giá trị nhân bản, nhân văn đẹp đẽ về con người, khác hẳn với những dòng văn học trước đó. Nói như Hoài Thanh bởi vì “nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này - Quan niệm cá nhân”. Như thế cũng có nghĩa là đường lối của họ đi ngược lại với những quan niệm trọng đạo đức và ưa những lí tưởng ước lệ của các văn gia lớp trước còn chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Hán Nôm. Họ muốn đưa cuộc đời thực tế vào văn học và không bận tâm đến những giáo điều luân lý của Nho gia. Có thể nói họ đã chủ trương làm “văn học nghệ thuật thuần tuý” tách rời người nghệ sĩ với nhà đạo đức, cho người đó cái quyền chỉ biết đến nghệ thuật của mình mà thôi.
-------------------
Đón đọc bài 2: Sự chuyên nghiệp và sáng tạo