“Những chiến sĩ” trên mặt trận chống tệ nạn xã hội
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:36, 16/07/2018
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của đất nước phát triển không ngừng, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, bên cạnh những thành quả, tiến bộ, cái tốt, cái đẹp thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng làm cho tệ nạn xã hội ngày càng phát triển phức tạp hơn.
Tính chiến đấu của báo chí
Đảng và Nhà nước xác định nhiệm vụ chống tệ nạn xã hội, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, báo chí là một trong những lực lượng tiên phong.
Đối với báo chí, tệ nạn xã hội và buôn lậu cũng là một trong những mảng đề tài luôn được quan tâm. Nhiệm vụ của báo chí là tuyên truyền đấu tranh phòng, chống lại các tệ nạn xã hội, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả làm cho xã hội ngày càng trong sạch, lành mạnh và tốt đẹp hơn.
Cửa khẩu Mộc Bài, nơi có hoạt động thuốc lá lậu diễn ra rất nhức nhối. Ảnh: TGCC
Trong các biện pháp đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, buôn lậu, hàng giả có hiệu quả thì công tác thông tin tuyên tuyền của báo chí có ý nghĩa quan trọng, giúp cộng đồng xã hội nhận biết được bản chất nguy hiểm của tệ nạn này và những tác hại của nó đối với xã hội. Từ đó có hành động tích cực góp phần làm lành mạnh hóa xã hội.
Các cơ quan báo chí với chức năng nhiệm vụ của mình đã theo dõi, phản ánh, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh này. Nhiều nhà báo không kể hiểm nguy điều tra làm rõ những nơi ăn chơi sa đọa, trác táng, các đường dây, tổ chức buôn bán phụ nữ, vạch rõ thủ đoạn xảo quyệt của bọn tội phạm.
Viết về tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phóng viên phải chịu nhiều áp lực, có cả sự cám dỗ, mua chuộc, nhiều lúc còn nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng không chỉ của bản thân mà còn gia đình, điều này đã từng xảy ra trong làng báo nước ta.
Bên cạnh những nhà báo, phóng viên dũng cảm, bản lĩnh, vẫn không ít phóng viên “hòa đồng” không đụng chạm tới ai, tính đấu tranh không cao nên chỉ đưa các tin, bài về tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ các hội nghị, báo cáo, từ những chuyện “đã rồi” . Ít lăn lộn thực tế, không dám xông pha vào những nơi “nóng bỏng”, do vậy không thể có những phóng sự điều tra hay, hấp dẫn, mang tính phát hiện.
Cần đào tạo bài bản
Cần đào tạo bài bản
Tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại có ở khắp nơi, nhất là các tỉnh biên giới và các thành phố lớn. Tây Ninh giáp với Campuchia, cũng là một trong những địa bàn trọng điểm của buôn lậu. Ngoài những mặt hàng như rượu ngoại, thuốc lá ngoại, mỹ phẩm, còn có cả ma túy, vũ khí và buôn bán phụ nữ. Buôn lậu thường diễn ra ồ ạt vào dịp Tết Âm lịch, nhưng các “đầu nậu’ buôn lậu lớn thì vẫn hoạt động quanh năm với nhiều thủ đoạn tinh vi và hết sức manh động.
Những bài viết đi sâu về tệ nạn xã hội, buôn lậu thời gian qua chủ yếu là cộng tác viên từ lực lượng biên phòng và công an, họ được ngành chức năng “tin tưởng” để cung cấp thông tin, cùng theo vụ án, phóng viên báo, đài địa phương khó lòng lấy được thông tin, khi có được cũng đã nguội rồi.
Bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" về đề tài tệ nạn xã hội đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả. Ảnh: TL
Phải xác định, trên mặt trận đầy nguy hiểm này không chỉ có Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường mà còn có cả báo chí. Báo chí cũng phải vào cuộc quyết liệt, bản lĩnh để điều tra, làm rõ, phanh phui các đường dây buôn lậu có tổ chức, băng nhóm, các trùm buôn lậu.
Để làm được điều này nghe thì đơn giản nhưng không hề dễ. Nếu phóng viên tác nghiệp trên lĩnh vực này đã có đủ tố chất, dũng khí của một cây bút điều tra rồi mới là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Cơ quan chức năng phải quan tâm, tạo điều kiện không chỉ phối hợp mà chủ động cung cấp thông tin, để cho báo chí cùng đồng hành với mình kể cả trong quá trình đột kích, phá án. Lãnh đạo cơ quan báo chí cũng phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng không chỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp mà còn có kế hoạch để bảo vệ phóng viên của mình.
Đối với báo in, việc chấm nhuận bút sát hơn, còn đối với phát thanh, truyền hình thì thường theo khung nhuận bút cố định, sự chệnh lệch nhuận bút giữa các thể loại không lớn, nếu biên tập chấm nhuận bút cao hơn sẽ xuất toán, do vậy phóng viên thường phải chịu thiệt thòi. Công sức bỏ ra nhiều, lại chịu nhiều sức ép, nhưng nhuận bút thấp cũng là một trong những lý do để phóng viên dần né tránh mảng đề tài này.
Ngoài ra, lãnh đạo thường biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, tệ nạn xã hội nhưng trong danh sách thường không có tên cơ quan báo chí và nhà báo. Việc chấn chỉnh, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, bao che, bảo kê cho tệ nạn xã hội; buôn lậu cũng thường bị bỏ quên.
Cuộc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, HIV/AIDS là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn. Tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp. Tội phạm ma túy ngày càng gia tăng, nhất là trong giới trẻ. Các phóng viên, nhà báo cũng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này và cần được nhìn nhận, đánh giá, quan tâm, đãi ngộ đúng với chức năng vai trò của cơ quan báo chí cũng như nhà báo./.