Bộ GD&ĐT yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát việc coi thi, chấm thi THPT quốc gia
Tin tức - Ngày đăng : 22:46, 21/07/2018
Ngày 20/7/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ban hành công văn số 3060/BGDĐT-QLCL về việc rà soát đánh giá công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Trong văn bản do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký, nêu rõ, ngay sau khi công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT đã phân tích dữ liệu kết quả thi. Trên cơ sở phát hiện các dấu hiệu bất thường và kết quả thi ở một số địa phương, và đang tiếp nhận thông tin phản ánh trong dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT đã chủ động chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ chấm thẩm định bài thi theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký công văn số 3060 về việc rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Theo đó, để đảm bảo công bằng, khách quan, kiên quyết nói không với tiêu cực thi cử, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi.
Triển khai công tác phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo theo kế hoạch kỳ thi, đảm bảo đúng quy định của Quy chế và quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Cũng theo yêu cầu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các tỉnh phải phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai công tác chấm thẩm định theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên tinh thần trung thực, nghiêm túc, báo cáo Bộ GD-ĐT.
Bộ trưởng Đề nghị Trưởng ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung trên, gửi văn bản báo cáo thực hiện kết quả về Bộ trước ngày 1/8.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh đến yêu cầu công tác truyền thông phải đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời. Không để lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm tổn thương đến đội ngũ nhà giáo cũng như gây tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội.